ahnsahnghong.com is provided in English. Would you like to change to English?

Công việc của Đức Chúa Jêsus trong 40 ngày từ sau khi phục sinh và lịch sử của Thánh Linh

6700 읽음

Vào sáng sớm Chủ nhật, là ngày thứ ba kể từ khi Đức Chúa Jêsus qua đời, mấy người đàn bà tin vào Đức Chúa Jêsus đã đi đến mồ đặng lấy thuốc thơm xức xác Ngài. Thế nhưng, hòn đá lấp cửa mồ đã được lăn ra từ trước, có một thiên sứ mặc áo dài trắng hiện ra trước mặt mấy người đàn bà ấy và nói rằng:

“Đừng sợ chi. Các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus Naxarét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài.” Mác 16:6

Các bà ấy đã vội vàng báo tin này cho các môn đồ. Song, các môn đồ cho lời ấy là hư không và không tin, dầu vậy Phierơ chạy đến mồ và cúi nhìn vào trong. Chỉ thấy tấm vải liệm được đặt ở đó (Luca 24:8-12).

Trong phần cuối của bốn sách Tin Lành và phần đầu của sách Công Vụ Các Sứ Đồ đều có ghi chép những sự kiện xảy ra sau khi Đức Chúa Jêsus phục sinh. Các môn đồ từng mất hết hy vọng bởi sự thật rằng Đức Chúa Jêsus đã qua đời sau nhiều khổ nạn, nhưng khi thấy Đức Chúa Jêsus phục sinh theo lời tiên tri, họ lại có đầy tràn lòng đức tin vững chắc. Trong khi họ dạn dĩ rao truyền về Đức Chúa Jêsus là Đấng Cứu Chúa, trong Hội Thánh đã xảy ra lịch sử của Thánh Linh được bùng nổ sau sự kiện Đức Chúa Jêsus phục sinh và thăng thiên.

Đức Chúa Jêsus hiện ra trước mặt các môn đồ sau khi phục sinh

Vào ngày phục sinh, Đức Chúa Jêsus trước hết hiện ra cho Mari Mađơlen, và cũng hiện ra với hai môn đồ đang từ thành Giêrusalem hướng về làng Emmaút (Luca 24:13-15). Các môn đồ vừa đi vừa nói chuyện cùng Đức Chúa Jêsus nhưng họ không nhận ra Ngài. Khi các môn đồ đau buồn về sự chết của Đức Chúa Jêsus, thì Ngài đã thông qua Kinh Thánh mà làm chứng cho họ về sự thật rằng Đấng Christ phải chịu thương khó rồi mới được vào sự vinh hiển.

Khi đã đến làng Emmaút, trong bữa ăn tối Đức Chúa Jêsus cầm lấy bánh, chúc tạ và bẻ ra cho các môn đồ. Lúc ấy, các môn đồ mới được sáng mắt linh hồn, họ mới nhận ra rằng Đấng hiện ra trước mặt họ, rồi giải nghĩa Kinh Thánh cho họ chính là Đức Chúa Jêsus. Quá ngạc nhiên, hai môn đồ đã theo đường đó mà trở lại thành Giêrusalem.

Tối hôm ấy, các môn đồ đương nhóm họp ở thành Giêrusalem, vì sợ người Giuđa nên họ khóa chặt cửa. Hai môn đồ trở về từ thành Emmaút đã thuật lại việc họ gặp Đức Chúa Jêsus trên đường đi và nhận ra Đức Chúa Jêsus khi Ngài bẻ bánh. Khi ấy, Đức Chúa Jêsus thình lình hiện ra tại nơi đó. Các môn đồ đều sửng sốt và sợ hãi, họ nghĩ rằng ấy là linh hồn của Đức Chúa Jêsus hiện ra. Lúc này, Đức Chúa Jêsus đã cho họ thấy tay và chân Ngài, cũng ăn thức ăn trước mặt họ để các môn đồ có thể tin vào sự phục sinh của Ngài.

Nhưng Thôma khi ấy vắng mặt, nên đã không tin về sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus dù nghe các môn đồ khác nói rằng họ đã thấy Đức Chúa Jêsus. Vì thế, Thôma đã nói rằng “Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin.” Cách tám ngày sau, khi hết thảy mười một môn đồ gồm cả Thôma đều ở trong nhà, Đức Chúa Jêsus đã hiện ra lần nữa. Đức Chúa Jêsus phán với Thôma rằng “Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay Ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn Ta, chớ cứng lòng, song hãy tin!” Lúc này, Thôma thưa rằng “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!”; Đức Chúa Jêsus phán rằng “Vì ngươi đã thấy Ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!”

Sau đó, bảy môn đồ trong đó có Phierơ đã trở lại Galilê để đánh cá, nhưng dù thả lưới cả đêm mà không bắt được con cá nào. Khi ấy, Đức Chúa Jêsus hiện ra và phán rằng “Hãy thả lưới bên hữu thuyền.” Họ làm theo sự chỉ dẫn của Ngài nên đã bắt được rất nhiều cá. Ban đầu các môn đồ đã không nhận ra Đức Chúa Jêsus; phải đến khi ấy họ mới biết được rằng Đấng chỉ dẫn việc này chính là Đức Chúa Jêsus. Phierơ lên bờ sau khi kết thúc việc đánh cá, khi ấy Đức Chúa Jêsus đã hỏi Phierơ ba lần rằng “Ngươi yêu Ta chăng?” Mỗi khi Phierơ trả lời rằng mình yêu Đức Chúa Jêsus, thì Đức Chúa Jêsus phán rằng “Hãy chăn những chiên con Ta.”, “Hãy chăn chiên ta.”, “Hãy chăn chiên Ta.”

Đức Chúa Jêsus ban sứ mệnh rao truyền Tin Lành

Đức Chúa Jêsus đã ban sứ mệnh rao truyền Tin Lành cho mười một môn đồ đã đến Galilê để gặp Ngài rằng “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép Báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Mathiơ 29:18-20).

Đức Chúa Jêsus đã ở cùng với các môn đồ trong 40 ngày kể từ khi phục sinh, Ngài cho họ thấy chứng cớ xác thật rằng Ngài đương sống và ban cho lời liên quan đến vương quốc của Đức Chúa Trời. Ngài còn dặn dò các môn đồ rằng đừng ra khỏi thành Giêrusalem nhưng phải ở đó chờ cho đến khi nhận lãnh Thánh Linh mà Cha đã hứa. Ngài phán rằng khi Đức Thánh Linh giáng xuống, thì các môn đồ sẽ được nhận quyền phép và trở thành nhân chứng cho Ngài trong khắp xứ Giuđa, xứ Samari cho đến cùng trái đất; trong khi các môn đồ nhìn xem thì Ngài được cất lên trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:3-9).

Sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus đã tác động lớn đến đức tin của các môn đồ. Trước khi Đức Chúa Jêsus chịu khổ nạn, kể cả trong quá trình Ngài rao giảng về Tin Lành Nước Thiên Đàng, các môn đồ đã được nghe lời dạy dỗ về sự phục sinh một cách chắc chắn của các thánh đồ đã chết (Mathiơ 22:30, Giăng 5:29). Nhưng họ vẫn chưa có được sự nhận thức và đức tin xác tính về phục sinh, nên sau khi Đức Chúa Jêsus hy sinh họ cũng bỏ chạy, khóa chặt cửa và lẩn trốn vì sợ bị giết bởi những người Giuđa. Thế rồi, khi trực tiếp chứng kiến sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus, họ đã có được sự xác tín về thế giới phần linh hồn và sự phục sinh của sự sống. Kết quả là họ đã không khuất phục bởi sự bắt bớ của người Giuđa và các dân ngoại bang, cũng không ngại đi trên con đường tử đạo và rao truyền Tin Lành một cách dạn dĩ. Với tư cách là những nhân chứng trực tiếp trông thấy sự phục sinh của Đấng Christ, họ đã làm chứng một cách mạnh mẽ về sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus trước mặt nhiều người, và để lại thư tín làm chứng về sự phục sinh của sự sống mà các thánh đồ sẽ nhận được vào ngày sau.

Ngày thứ 50 sau khi Đức Chúa Jêsus phục sinh, Ngài đổ xuống Thánh Linh Lễ Ngũ Tuần

Sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên, các môn đồ đã nhóm lại tại thành Giêrusalem như lời dặn dò của Đức Chúa Jêsus và hết sức cầu nguyện. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, tức là ngày thứ 50 kể từ khi Đức Chúa Jêsus phục sinh, các môn đồ cùng nhóm hiệp tại một chỗ. Thình lình có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi, và có lưỡi bằng lửa đậu xuống trên mỗi người từng cái một.

Khi Đức Thánh Linh giáng xuống, các môn đồ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau tùy theo Đức Thánh Linh cho mình nói. Bởi năng lực của Thánh Linh, các môn đồ đã nói ngôn ngữ của nước khác mà mình chưa từng biết. Những người Giuđa đến từ mỗi nước trên thế giới đang nhóm lại tại thành Giêrusalem để giữ Lễ Ngũ Tuần (Lễ Bảy Tuần Lễ) đều nghe tiếng ấy và chạy đến. Họ nghe thấy các môn đồ của Đức Chúa Jêsus nói tiếng xứ mình thì sững sờ bối rối mà nói rằng “Hết thảy người nói đó, há chẳng phải là người Galilê sao? Chúng ta nghe họ lấy tiếng chúng ta mà nói những sự cao trọng của Đức Chúa Trời.”

Nhưng cũng có kẻ thấy các môn đồ nói tiếng của xứ mình thì lại nhạo báng, cho rằng các môn đồ say rượu. Khi ấy, Phierơ được đầy dẫy Đức Thánh Linh đã đứng ra mà bày tỏ rằng việc các môn đồ nói tiếng địa phương như thế không phải vì say rượu, mà bởi họ đã được nhận Thánh Linh theo như lời tiên tri trong Kinh Thánh. Và thông qua Kinh Thánh, Phierơ cũng dạn dĩ làm chứng rằng Đức Chúa Jêsus mà người Giuđa đã giết đi chính là Đấng Cứu Chúa. Phierơ khuyên ai nấy hãy nhận lấy sự tha tội bởi phép Báptêm để được nhận lãnh Thánh Linh, vào ngày đó đã diễn ra lịch sử ba ngàn người hối cải và chịu phép Báptêm.

Phục hưng Hội Thánh sơ khai được hoàn thành bởi lịch sử của Thánh Linh

Những người đón nhận lời của Đức Chúa Trời đã nhận sự dạy dỗ của các sứ đồ, họ chia sẻ lẫn nhau và hết sức cầu nguyện. Mỗi ngày cùng chung một tấm lòng, chăm chỉ nhóm hiệp ở đền thờ và ngợi khen Đức Chúa Trời. Các sứ đồ đã liên tục rao truyền lời của Đức Chúa Trời một cách dạn dĩ, số người được nhận sự cứu rỗi cứ thêm lên từng ngày.

Một ngày nọ, vào buổi cầu nguyện lúc 3 giờ chiều, Phierơ và Giăng đi lên đền thờ, có một người què ngồi ở cửa đền thờ gọi là “Cửa Đẹp” đã xin họ bố thí. Lúc này, Phierơ nói rằng “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Naxarét, hãy bước đi!”, và nắm lấy tay người mà đỡ dậy. Kể từ hôm đó, người đã từng bị què đó đã đứng dậy, vừa bước đi vừa nhảy, và ngợi khen Đức Chúa Trời. Nhiều người thấy hình ảnh ấy thì bỡ ngỡ và kéo đến, Phierơ dạn dĩ rao truyền về Đức Chúa Jêsus mà nói rằng sự này không phải được hoàn thành bởi quyền năng hay nhân đức riêng của cá nhân mình, mà ấy là bởi danh của Đức Chúa Jêsus. Trong số những người nghe lời đó có nhiều người tin theo, số đàn ông lên đến độ năm ngàn người.

Khi ấy, những nhà lãnh đạo tôn giáo không hài lòng về việc các sứ đồ rao giảng nên đã bắt nhốt Phierơ và Giăng. Đến ngày thứ hai, các lãnh đạo tôn giáo và quan chức người Giuđa nhóm lại ở công đường để tra hỏi Phierơ và Giăng. Phierơ và Giăng đã không hề sợ hãi mà làm chứng một cách minh bạch rằng “Đức Chúa Jêsus mà các ông đã giết đi chính là Đấng Cứu Chúa và không có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác ngoài danh ‘Jêsus’.” Lúc này, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã ngăm dọa và cấm họ không được nói hoặc dạy dỗ nhân danh Jêsus, nhưng các sứ đồ đã phản bác lại rằng “Chúng tôi không thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe.”

Sau khi được tha ra khỏi công đường, Phierơ và Giăng đã khẩn thiết cầu nguyện cùng với các môn đồ khác, xin cho được làm chứng lời của Đức Chúa Trời ngày càng dạn dĩ hơn. Khi đã cầu nguyện xong, thì nơi họ đương nhóm lại rúng động và các môn đồ đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, rao giảng lời Đức Chúa Trời một cách dạn dĩ hơn (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:23-31).

Đức Chúa Jêsus, Đấng Christ đến đất này theo lời tiên tri Kinh Thánh. Đức Chúa Jêsus đã lập giao ước mới vào ngày Lễ Vượt Qua để cứu rỗi loài người khỏi tội lỗi; Ngài bị bắt vào đêm hôm ấy và hy sinh trên thập tự giá vào Lễ Bánh Không Men. Trong mắt của những người không tin Đức Chúa Jêsus thì dường như Ngài chẳng có năng lực gì nên đã chịu sự khổ nạn, nhưng thực ra Đức Chúa Trời toàn năng đã trở nên Chiên Con của Đức Chúa Trời – Đấng cất tội lỗi thế gian đi và hy sinh một cách thầm lặng (I Côrinhtô 5:7). Còn đối với những người tin vào Ngài thì Ngài cho họ được chứng kiến lịch sử đáng ngạc nhiên là sự Đức Chúa Jêsus phục sinh từ giữa những kẻ chết chỉ sau ba ngày.

Đức Chúa Jêsus đã chịu sự khổ nạn cùng cực đến thế và hy sinh, rồi Ngài lại sống lại. Không chỉ riêng các môn đồ của Ðức Chúa Jêsus mà kể cả bất cứ ai cũng khó mà tin nổi sự thật này. Song, vì đã được tiên tri trong Kinh Thánh nên hết thảy sự việc ấy đều được tiến hành theo ý muốn mà Đức Chúa Trời đã dự định chứ không theo thường thức loài người. Bản thân sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus chính là tin nhắn hy vọng và vui mừng đối với các thánh đồ. Sau khi Đức Chúa Jêsus phục sinh, nhờ nhận lấy năng lực Thánh Linh đổ xuống vào Lễ Ngũ Tuần, các thánh đồ đã hoàn thành lịch sử Tin Lành đáng ngạc nhiên bằng lòng trông cậy sống của sự phục sinh và đức tin vững chắc.

Lòng trông cậy vào sự sống đời đời và sự phục sinh mà đích thân Đức Chúa Trời đã làm gương khi Ngài đến trong xác thịt, giờ đây cũng đang hiệu nghiệm vào thời đại này. Vì Kinh Thánh tiên tri rằng Đức Chúa Jêsus sẽ đến lần thứ hai trong xác thịt, Ngài sẽ khôi phục giao ước mới, là lẽ thật sự sống chứa đựng lời hứa sự cứu rỗi (Hêbơrơ 9:28, Êsai 25:6-9).

Bài viết liên quan
Trở lại

Site Map

사이트맵 전체보기