ahnsahnghong.com is provided in English. Would you like to change to English?

Công việc của Đức Chúa Jêsus trong tuần lễ khổ nạn
| Lễ Vượt Qua cuối cùng và hy sinh trên thập tự giá

5223 읽음

Cuộc đời của Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng đã đến thế gian theo lời tiên tri Kinh Thánh diễn ra hoàn toàn như lời tiên tri. Song, dân Ysơraên đã không nhận biết Đức Chúa Trời mà họ coi trọng hơn cả mạng sống mình và đóng đinh Ngài trên thập tự giá, vì họ đã bị mắc vào quan niệm cố hữu rằng Đấng Mêsi trong Kinh Thánh sẽ xuất hiện với hình ảnh vinh hiển.

“Tuần lễ khổ nạn” là chỉ về tuần lễ từ ngày Đức Chúa Jêsus cưỡi lừa con vào thành Giêrusalem cho đến khi Ngài bị đóng đinh và qua đời trên thập tự giá. Trong tuần lễ khổ nạn, Đức Chúa Jêsus đã giữ Lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đồ; Ngài bị bắt vào đêm hôm ấy và trải qua sự khổ nạn cùng cực. Ngài đã âm thầm cam chịu hết thảy dù bị vết, bị thương, bị lằn roi, bị ức hiếp và xử đoán như lời tiên tri của Êsai. Tình yêu thương hy sinh cho đến chết để cứu rỗi nhân loại đã được ghi khắc nguyên vẹn trong hành trình của Đức Chúa Jêsus Christ vào tuần lễ khổ nạn.

[Tuần lễ khổ nạn: Chủ nhật] Đức Chúa Jêsus vào thành Giêrusalem

Khi sắp kết thúc công việc Tin Lành trong 3 năm, ngay trước Lễ Vượt Qua cuối cùng, Đức Chúa Jêsus đã lên thành Giêrusalem cùng với các môn đồ để hoàn thành lời tiên tri. Khi đã đến khu vực làng Bêphagiê và làng Bêthani ngang núi Ôlive gần thành Giêrusalem, Đức Chúa Jêsus sai hai môn đồ vào làng và phán rằng hãy dắt lừa con ở đó về cho Ngài (Mathiơ 21:1-2, Mác 11:1-2). Sau khi dắt lừa con ấy về, các môn đồ lấy áo ngoài của mình trải trên lưng con lừa, rồi Đức Chúa Jêsus ngồi lên nó. Khi ấy, đám đông đi theo Đức Chúa Jêsus cũng lấy áo mình trải trên đường, họ còn lấy nhánh cây rải trên đường, vừa giơ lên nhánh cây kè vừa hô to rằng:

“Hôsana! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!”

Dân sự đã chào đón Đức Chúa Jêsus vào thành Giêrusalem, bởi đó làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước rằng vua của Siôn sẽ cưỡi lừa con mà đến (Xachari 9:9). Đến tối, Đức Chúa Jêsus dẫn mười hai môn đồ đi đến làng Bêthani ở ngoài thành.

[Tuần lễ khổ nạn: Thứ Hai] Đức Chúa Jêsus rủa sả cây vả và dẹp sạch đền thờ

Vào sáng hôm sau, Đức Chúa Jêsus rời làng Bêthani, Ngài trông thấy một cây vả rậm lá khi đang trên đường đi vào thành Giêrusalem. Đương lúc đói bụng, Đức Chúa Jêsus đã đến gần xem thử, song vì bấy giờ không phải mùa vả, nên cây vả không có trái. Đức Chúa Jêsus hướng về cây vả mà phán rằng cây vả sẽ không ra trái nữa.

Khi Ngài đã vào đền thờ; nơi đó đang náo loạn bởi những người buôn bán. Đức Chúa Jêsus đã nổi giận khi trông thấy hình ảnh của những kẻ đang buôn bán để kiếm tiền trong đền thờ của Đức Chúa Trời. Rồi Ngài trách mắng họ rằng “Các ngươi làm cho nhà Ta thành ổ trộm cướp.”, và đuổi hết những người buôn bán trong đền thờ. Đến tối, Ngài lại ra khỏi thành và đến làng Bêthani.

[Tuần lễ khổ nạn: Thứ Ba – Thứ Tư] Đức Chúa Jêsus liên tục dạy dỗ bằng ví dụ và lời tiên tri

1. Tranh luận với những nhà lãnh đạo tôn giáo

Đương khi trở lại thành vào sáng sớm hôm sau, các môn đồ đã rất ngạc nhiên khi trông thấy cây vả mà Đức Chúa Jêsus phán vào hôm trước nay đã khô cho đến rễ. Đây là giáo huấn thực tế về nước Ysơraên được ví dụ bởi cây vả sẽ bị rủa sả và diệt vong. Khi Đức Chúa Jêsus đã vào trong đền thờ, những nhà lãnh đạo tôn giáo đã đến thử Ngài bằng nhiều sự tranh luận. Những người Pharisi tìm cách bắt lỗi Đức Chúa Jêsus nên đã hỏi Ngài về việc có nên nộp thuế cho hoàng đế La Mã hay không. Lúc này, Đức Chúa Jêsus đã khiến họ không nói được gì bởi lời đáp rằng “Hãy trả cho Sêsa vật gì của Sêsa, và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời.” Khi những người Sađusê – là những người tin rằng không có sự sống lại, đến tranh luận với Ngài về sự phục sinh, Ngài đã khiến cho ai nấy thán phục bởi lời dạy dỗ rằng “Đức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.” Như thế, Đức Chúa Jêsus đã đẩy lùi sự hủy báng bằng lời đáp khôn ngoan. Ngài cũng ví những thầy thông giáo và người Pharisi – là những kẻ bề ngoài ra dáng công bình nhưng bên trong thì đầy dẫy sự trái luật pháp giống như mồ mả tô trắng, và cảnh cáo rằng họ tuyệt đối không thể tránh khỏi sự phán xét địa ngục.

2. Lời tiên tri về Tái Lâm và tận thế

Khi ra khỏi đền thờ, một môn đồ chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về đền thờ và cảm thán về hình ảnh nguy nga ấy. Đức Chúa Jêsus tiên tri về đền thờ ấy rằng sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào và cả thảy đều đổ xuống. Khi đến núi Ôlive, Ngài ngồi đối ngang đền thờ, các môn đồ đã thận trọng hỏi rằng khi nào những việc đó sẽ xảy ra và có điềm gì chỉ về thời kỳ tái lâm và ngày tận thế.

Đức Chúa Jêsus ban cho lời tiên tri rằng chiến tranh, nạn đói, động đất sẽ là khởi đầu của tai họa, nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ xuất hiện để dỗ dành nhiều người, sự trái luật pháp thêm nhiều và lòng yêu mến sẽ bị nguội đi. Về điềm báo cho biết sự tái lâm thì Ngài phán rằng “Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.” Ngài còn cho biết về đức tin mà người dân của Đức Chúa Trời thời đại cuối cùng phải có thông qua ví dụ về đầy tớ trung thành và đầy tớ gian ác, ví dụ về mười người nữ đồng trinh, ví dụ về các talâng, ví dụ về chiên và dê v.v… Lúc Ngài phán những lời này là hai ngày trước Lễ Vượt Qua.

Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo cùng các trưởng lão vốn coi Đức Chúa Jêsus như cái gai trong mắt, đã nhóm lại trong tòa thầy cả thượng phẩm tên là Caiphe, cùng bàn bạc với nhau đặng tìm mưu chước giết Đức Chúa Jêsus. Khi ấy, Giuđa Íchcariốt – một trong mười hai môn đồ đã lén tìm đến họ. Giuđa Íchcariốt là kẻ tham lam vật chất đến nỗi hắn nổi giận như lửa đối với người đàn bà đã lấy hết lòng tôn kính mà đổ dầu cam tùng thơm đắt giá lên Đức Chúa Jêsus, vì hắn tiếc nuối giá tiền mua dầu thơm ấy. Hắn đã hỏi các thầy cả thượng phẩm rằng sẽ cho hắn bao nhiêu nếu hắn nộp Đức Chúa Jêsus cho họ. Các thầy tế lễ vui mừng trả cho hắn ba chục miếng bạc. Từ lúc đó, Giuđa tìm dịp tiện để nộp Đức Chúa Jêsus.

[Tuần lễ khổ nạn: Thứ Năm] Đức Chúa Jêsus giữ Lễ Vượt Qua cuối cùng và bị bắt bởi đám đông

1. Lễ Vượt Qua Ngài giữ cùng với các môn đồ

Cuối cùng, ngày Lễ Vượt Qua đã đến. Đức Chúa Jêsus phán rằng “Giờ Ta gần đến, Ta và môn đồ Ta sẽ giữ Lễ Vượt Qua”; Ngài sai Phierơ và Giăng đi và phán rằng hãy đi dọn Lễ Vượt Qua. Các môn đồ đi chuẩn bị Lễ Vượt Qua như lời Đức Chúa Jêsus phán (Mathiơ 26:17-19, Mác 14:12-16, Luca 22:7-13).

Đến tối, Đức Chúa Jêsus và các môn đồ nhóm lại tại phòng cao rộng rãi đã được chuẩn bị sẵn. Ngay trước tiệc Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus đứng dậy khỏi bàn, lấy khăn vấn ngang lưng mình, Ngài đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đồ (Giăng 13:1-5). Vì việc rửa chân là việc mà đầy tớ phải làm cho chủ mình, nên Phierơ đã bối rối và từ chối điều ấy. Lập tức, Đức Chúa Jêsus phán rằng “Nếu Ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với Ta hết.” Quá ngạc nhiên bởi lời phán của Đức Chúa Jêsus, Phierơ đã xin Ngài rửa cả tay và đầu mình nữa, nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng ai đã tắm rồi, tức là chịu phép Báptêm rồi, thì chỉ cần rửa chân mà thôi. Sau khi đã rửa chân cho các môn đồ, Đức Chúa Jêsus phán rằng “Vì Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như Ta đã làm cho các ngươi.”

Đức Chúa Jêsus phán với các môn đồ rằng “Ta rất muốn ăn lễ Vượt qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn.” Rồi Ngài phán rằng bánh và rượu nho Lễ Vượt Qua là thịt và huyết Ngài, nên hãy ăn và uống đi. Đức Chúa Jêsus đã cho họ ăn thịt và uống huyết Ngài để được nhận sự tha tội và sự sống đời đời. Ngài cũng phán dặn rằng Lễ Vượt Qua là giao ước mới trong huyết Ngài, hãy làm sự này để nhớ đến Ngài.

Vào thời đại Cựu Ước, Giêhôva Đức Chúa Trời đã giải phóng người dân Ysơraên ra khỏi xứ Êdíptô nô lệ bởi Lễ Vượt Qua. Giống như thế, vào thời đại Tân Ước, bởi Lễ Vượt Qua giao ước mới, Đức Chúa Jêsus cũng giải phóng cho người dân của Ngài khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự chết (Giăng 8:32-34, Khải Huyền 1:5). Và bởi Lễ Vượt Qua, các môn đồ được trở nên một trong Đấng Christ, vì thế Đức Chúa Jêsus đã phán với họ rằng “Như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.” (Giăng 13:34).

Tối hôm ấy, Đức Chúa Jêsus đã tiên tri rằng một người trong số các môn đồ sẽ bán Ngài và hết thảy đều sẽ bỏ Ngài. Nghe lời ấy, Phierơ nói rằng dầu hết thảy đều bỏ Đức Chúa Jêsus nhưng mình sẽ không bỏ Ngài đâu. Song, Đức Chúa Jêsus phán rằng chính đêm nay, trước khi gà gáy, Phierơ sẽ chối Ngài ba lần. Hết thảy các môn đồ gồm Phierơ đều quả quyết rằng dầu có chết cũng sẽ không chối Đức Chúa Jêsus.

2. Đức Chúa Jêsus bị bắt sau khi cầu nguyện ở vườn Ghếtsêmanê

Sau khi giữ Lễ Vượt Qua xong, Đức Chúa Jêsus cùng các môn đồ đi lên đồi Ghếtsêmanê vào ban đêm. Trong số các môn đồ, có Phierơ, Giăng và Giacơ được đi theo Ngài. Ngài phán rằng “Các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức với Ta.”, rồi Ngài bước tới một quãng xa hơn, nghĩ đến sự khổ nạn sắp tới và cầu nguyện khẩn thiết. Đức Chúa Jêsus cầu nguyện ba lần rồi đi đến với các môn đồ. Dù Đức Chúa Jêsus đang sắp đối mặt với sự khổ nạn khủng khiếp trên thập tự giá, nhưng các môn đồ không hề hay biết và còn đang ngủ. Đức Chúa Jêsus đánh thức các môn đồ đang ngủ say và cho biết kẻ phản Ngài đã đến gần.

Khi ấy, có một đám đông người cầm gươm và gậy do các thầy tế lễ cả và các trưởng lão sai đến. Theo như dấu hiệu đã thỏa thuận trước đó, khi Giuđa Íchcariốt hôn Đức Chúa Jêsus thì đám đông đến gần tra tay bắt Đức Chúa Jêsus. Trông thấy cảnh này, Phierơ đứng ở bên cạnh đã chém đứt tai đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, Đức Chúa Jêsus cho biết mọi sự này phải xảy đến theo lời tiên tri trong Kinh Thánh và ngăn cản Phierơ, rồi Ngài chạm vào tai đầy tớ ấy làm cho được lành lại.

Khi bọn chúng bắt và trói Đức Chúa Jêsus thì các môn đồ đều bỏ Ngài và trốn đi cả. Đức Chúa Jêsus bị điệu đến nơi thầy cả thượng phẩm Caiphe. Các thầy thông giáo và trưởng lão đã nhóm lại tại nơi đó, họ gắng sức tìm chứng dối để giết Đức Chúa Jêsus, song không tìm được chứng cớ nào hết. Khi ấy, Caiphe hỏi Đức Chúa Jêsus rằng “Ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng?”, Đức Chúa Jêsus đáp rằng “Thật như lời.” Nghe lời ấy, Caiphe đã xé áo mình và la lớn rằng “Nó đã nói phạm thượng, chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa!” Đám đông nổi loạn la lớn rằng phải xử tử Đức Chúa Jêsus, họ nhổ trên mặt Ngài, đấm và vả má Ngài.

Phierơ vẫn đi theo Đức Chúa Jêsus từ đằng xa, đã quan sát hết thảy quang cảnh này ở ngoài sân. Khi ấy, một đầy tớ gái lại gần mà hỏi rằng có phải Phierơ là người đã cùng đi với Đức Chúa Jêsus chăng. Phierơ hoảng hốt phủ nhận và vội vã bỏ ra ngoài cửa, lần này một đầy tớ gái khác chỉ Phierơ mà nói với mấy kẻ ở đó rằng người kia đã từng ở cùng với Đức Chúa Jêsus. Lúc ấy, Phierơ chối và thề rằng mình không biết người ấy. Một lúc sau, những người đứng bên cạnh lại nói với Phierơ rằng chắc thật người này cũng cùng một đảng với Jêsus. Phierơ bèn nói rằng nếu mình là người như thế thì sẽ nhận sự rủa sả và quả quyết phủ nhận rằng mình thật sự không biết Đức Chúa Jêsus. Tức thì gà gáy. Khi đối mặt với Đức Chúa Jêsus đang xây lại nhìn mình, Phierơ nhớ lại lời Đức Chúa Jêsus đã phán cùng mình rằng “Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối Ta ba lần.”, người bèn đi ra ngoài khóc (Mathiơ 26:69-75, Luca 22:54-62).

[Tuần lễ khổ nạn: Thứ Sáu] Đức Chúa Jêsus chịu khổ nạn và qua đời trên thập tự giá

1. Bị tra khảo liên tục và chịu khổ nạn

Buổi sớm mai ngày Lễ Bánh Không Men – là hôm sau Lễ Vượt Qua, thầy cả thượng phẩm và các trưởng lão hội nghị cùng nhau đặng giết Đức Chúa Jêsus, họ điệu Ngài đến quan tổng đốc Philát (Mathiơ 27:1). Trông thấy cảnh ấy, Giuđa Íchcariốt hối hận về tội lỗi mình, bèn đem ba chục miếng bạc – là giá bán Đức Chúa Jêsus mà trả cho thầy tế lễ cả. Nhưng họ từ chối, Giuđa bèn ném bạc vào đền thờ rồi trở ra, và treo cổ tự tử.

Thầy tế lễ cả và các trưởng lão điệu Đức Chúa Jêsus đến trước mặt Philát và tố cáo Ngài rằng “Người này xui dân ta làm loạn, cấm nộp thuế cho hoàng đế La Mã, và tự xưng mình là vua.” Philát hỏi Đức Chúa Jêsus có phải là vua dân Giuđa chăng, Đức Chúa Jêsus đáp rằng “Thật như lời.” Các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đã tố cáo Đức Chúa Jêsus nhiều điều nhưng Ngài không trả lời chi hết, nên Philát lấy làm lạ lắm. Philát không tìm thấy một tội lỗi nào nơi Đức Chúa Jêsus, bèn giải Ngài đến cho vua Hêrốt Antiba – là vua chư hầu cai trị xứ Galilê khi ấy đương ở tại Giêrusalem. Hêrốt tra hỏi Đức Chúa Jêsus nhưng Ngài không đối đáp chi hết, nên đã nhạo báng Ngài rồi lại giao Ngài về cho Philát.

Philát không tìm thấy cớ gì đáng để đưa ra phán quyết tử hình Ngài, nên nghĩ đến thông lệ hàng năm sẽ phóng thích một tên tù vào Lễ Vượt Qua. Philát đã hỏi dân chúng rằng trong hai người – tên sát nhân Baraba và Đức Chúa Jêsus, họ muốn phóng thích ai. Các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đều kích động đám đông xin tha tên Baraba, và giết Đức Chúa Jêsus, đám đông dân chúng đều chỉ về Đức Chúa Jêsus mà la lên rằng “Đóng đinh nó vào thập tự giá.” Philát lại hỏi rằng người này đã gây tội gì, nhưng chúng càng la lớn hơn mà thúc ép hãy đóng đinh Ngài vào thập tự giá.

Thấy những người Giuđa càng thêm kích động, Philát linh cảm có thể sẽ xảy ra bạo loạn nên lấy nước rửa tay mình, và nói rằng mình không chịu trách nhiệm gì về huyết của người này, điều đó là trách nhiệm của họ. Dân chúng đều hung hãn la lên rằng “Xin huyết người hãy đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi.” Cuối cùng, Philát đành tha tên Baraba và cho đánh đòn Đức Chúa Jêsus, rồi giao Ngài ra để đóng đinh trên thập tự giá. Lúc này, quân lính điệu Đức Chúa Jêsus đi đánh đòn, chúng đan một mão gai và đội trên đầu Ngài, rồi nhổ trên Ngài, dùng cây sậy đánh đầu Ngài và nhạo báng Ngài bằng đủ mọi lời sỉ nhục. Chúng bắt Đức Chúa Jêsus vác thập thập tự giá và điệu Ngài lên đồi Gôgôtha.

2. Đức Chúa Jêsus qua đời trên thập tự giá

Khoảng 9 giờ sáng, quân lính đóng đinh tay và chân Đức Chúa Jêsus, rồi treo Ngài lên thập tự giá. Phía trên đầu Ngài có để cái bảng viết rằng “Vua dân Giuđa”. Nhiều người trông thấy Đức Chúa Jêsus bị treo trên thập tự giá và bị thống khổ thì nhạo báng Ngài rằng “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự!”, những kẻ cầm quyền cũng nhạo cười Ngài mà nói rằng “Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được.” Nhiều người cho rằng việc Đức Chúa Jêsus bị đòn roi, bị đâm bằng đinh và đổ huyết ra là hình phạt mà Ngài đáng phải chịu như một kẻ tội nhân. Thế nhưng, Kinh Thánh Cựu Ước đã ghi chép rằng hết thảy mọi khổ nạn ấy đều là bởi sự gian ác và tội lỗi của loài người (Êsai 53:3-8). Bằng cách gánh chịu thay hình phạt tội lỗi mà lẽ ra loài người phải chịu, Đức Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm lời tiên tri Kinh Thánh.

Có hai tên trộm cướp bị treo trên thập tự giá ở hai bên tả hữu của Đức Chúa Jêsus, một trong hai tên đó đã phỉ báng Ngài rằng “Ngươi không phải là Đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi và chúng ta nữa!” Khi ấy, tên trộm cướp bên hữu đã trách nó rằng “Vì hình chúng ta chịu xứng đáng với việc chúng ta làm, nhưng người này không hề làm một điều ác gì.”, rồi nói với Đức Chúa Jêsus rằng “Khi Ngài vào nước Đức Chúa Trời rồi, xin hãy nhớ đến tôi.” Trong lúc đau đớn, Đức Chúa Jêsus đã nghe lời xin của tên trộm cướp bên hữu, Ngài phán rằng “Hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong nơi Barađi.” và hứa ban cho sự cứu rỗi.

Đến khoảng giữa trưa, ánh sáng mặt trời tắt đi, khắp xứ đều tối tăm. Đức Chúa Jêsus đã chịu đựng nỗi thống khổ trong suốt 6 tiếng từ khi bị treo trên thập tự giá vào lúc 9 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều, Ngài nói lời cuối cùng rằng “Mọi việc đã được trọn.”, rồi trút linh hồn. Khoảnh khắc ấy, cái màn trong nơi thánh bị xé làm đôi từ trên xuống dưới. Hôm ấy vừa là ngày Lễ Bánh Không Men – là ngày kỷ niệm đời đời về sự khổ nạn ra khỏi Êdíptô, vừa là ngày sắm sửa cho ngày Sabát, tức là Thứ Sáu.

Đến chiều tối, một người giàu từng đi theo Đức Chúa Jêsus đã đến nơi Philát để xin xác Ngài. Người dùng vải gai sạch bọc xác Đức Chúa Jêsus lại, đem đặt trong một cái mồ mới đục nơi tảng đá, rồi lăn hòn đá lớn để lấp cửa mộ (Mathiơ 27:57-60). Lời tiên tri Kinh Thánh rằng “Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu.” (Êsai 53:9) đã được ứng nghiệm bởi sự việc Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh cùng với tên trộm cướp và được an táng trong mồ của người giàu.

Bài viết liên quan
Trở lại

Site Map

사이트맵 전체보기