Lịch sử vương quốc Ysơraên
| Vì sao Bắc Ysơraên và Nam Giuđa bị diệt vong?

13392 읽음

Lịch sử của vương quốc Ysơraên được ghi chép một cách chi tiết trong Kinh Thánh. Lịch sử của vương quốc Ysơraên được bắt đầu khi vua đầu tiên là Saulơ lên ngôi vào thế kỷ 11 TCN, kéo dài trong khoảng 500 năm đến khi Nam Giuđa bị diệt vong vào thế kỷ thứ 6 TCN. Lịch sử Ysơraên chiếm phần lớn trong công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa Trời đến mức có đến 24 quyển trong số 39 sách Kinh Thánh Cựu Ước được ghi chép vào thời kỳ này.

  1. Sách lịch sử (I Samuên, II Samuên, I Các Vua, II Các Vua, I Sử Ký, II Sử Ký), sách thơ ca (Thi Thiên, Châm Ngôn, Truyền Đạo, Nhã Ca), sách tiên tri (Êsai, Giêrêmi, Ca Thương, Êxêchiên, Đaniên, Ôsê, Giôên, Amốt, Ápđia, Giôna, Michê, Nahum, Habacúc, Sôphôni)

Sự ra đời của vương quốc Ysơraên

Vào những năm cuối đời của Samuên – là quan xét cuối cùng, dân Ysơraên định cư tại xứ Canaan đã yêu cầu lập nên một vị vua để lãnh đạo và chiến đấu chống lại các cuộc xâm lược lặp đi lặp lại của ngoại bang. Vị Vua đã dẫn dắt dân Ysơraên ra khỏi Êdíptô và trị vì họ là Đức Chúa Trời, nhưng dân sự đã không nhận thức được sự thật này mà lại mong muốn chọn một người lên làm vua giống như các nước khác. Samuên đã không hài lòng với yêu cầu đó, nhưng Đức Chúa Trời đã lập lên một vua theo như mong ước của dân sự sau khi nghiêm khắc cảnh báo cho họ biết rằng vua đó sẽ cai trị họ như thế nào. Như thế, vua đầu tiên được lập lên là Saulơ.

Trong luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho thông qua Môise (Ngũ Kinh của Môise), có ghi chép về vị vua xuất hiện trong tương lai phải trị vì dân sự như thế nào, và về hình ảnh mà Đức Chúa Trời mong muốn ở họ là ra sao (Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:14-20). Người trở thành vua thì cả đời phải luôn sống gần gũi với sách luật pháp của Đức Chúa Trời để tập cho biết kính sợ Ngài, và phải giữ theo hết thảy luật lệ của Ngài (Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:18-19). Lời phán rằng sự hưng vong thịnh suy của đất nước sẽ được quyết định tùy theo việc họ có vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời hay không (Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:1-68), đã trở thành hiện thực xuyên suốt lịch sử của vương quốc Ysơraên sau này.

Đavít và Salômôn

Đavít – người đã dẫn dắt thời kỳ đỉnh cao của vương quốc với tư cách là vị vua thứ hai của nước Ysơraên, là nhân vật gần gũi nhất với hình ảnh của một vị vua mà Đức Chúa Trời mong đợi. Được Đức Chúa Trời nhận định là “người vừa lòng Ta”, Đavít đã coi điều răn của Đức Chúa Trời quý trọng hơn cả vàng ròng (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:22, Thi Thiên 19:7-10, 119:127). Như lời Kinh Thánh chép rằng nếu vâng phục Đức Chúa Trời thì mọi phước lành sẽ giáng xuống, nên việc hết lòng giữ gìn điều răn của Đức Chúa Trời là thành công lớn đối với người.

Đavít biết rõ điều này hơn ai hết, ông đã để lại di chúc cho Salômôn – người sẽ nối ngôi mình sau này, khuyên phải gìn giữ điều răn của Đức Chúa Trời để trở thành một người lãnh đạo tuyệt vời (I Các Vua 2:1-3, I Sử Ký 22:12-13). Như lời di chúc của Đavít, các vua của Ysơraên xuất hiện sau này đã được nhận phước lành mỗi khi họ giữ điều răn của Đức Chúa Trời, nhưng khi họ đi ngược lại và rơi vào sự tôn kính hình tượng mà giữ theo luật lệ của thần ngoại bang, thì đã phải chịu sự thống khổ bởi thế lực của ngoại bang.

Salômôn trở thành vị vua thứ ba của vương quốc Ysơraên nối tiếp Đavít, ông đã dâng một ngàn con sinh làm của lễ thiêu và cầu xin phước lành của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã hiện ra trong giấc chiêm bao của Salômôn, Ngài ban cho Salômôn sự khôn ngoan, sự giàu có và vinh hiển, rồi phán rằng “Nếu ngươi gìn giữ luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời như Đavít đã làm thì số ngày của sự phước lành sẽ thêm dài ra.” (I Các Vua 3:14).

Salômôn đã xây dựng đền thờ Giêrusalem, và vào ngày khánh thành đền thờ, Salômôn thay mặt dân sự tuyên bố rằng hết thảy Ysơraên sẽ gìn giữ điều răn, luật lệ và phép đạo của Đức Chúa Trời (I Các Vua 8:58, 61). Sau đó, họ đã giữ gìn một cách chí thánh lễ trọng thể và luật lệ của Đức Chúa Trời trong đền thờ (II Sử Ký 8:12-13), kết quả là vua được hưởng sự vinh hoa, giàu có vô cùng theo như lời phán của Đức Chúa Trời (I Các Vua 10:21-23).

Vương quốc Ysơraên bị phân chia vì Salômôn thờ lạy hình tượng

Thế nhưng, vào cuối triều đại của mình, Salômôn đã đánh mất tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và bước vào con đường hư hỏng. Salômôn đã lấy một nghìn hoàng hậu và cung nữ như là một chiến lược để duy trì mối quan hệ ổn định với các nước xung quanh. Thế nhưng, khi Salômôn đã già yếu, người cho dựng nên đền thờ của vô số các thần tượng như Kêmóc, Minhcôm và Áttạttê vì các hoàng hậu của mình (I Các Vua 11:1-8). Điều này đi ngược lại với điều răn của Đức Chúa Trời rằng chớ hầu việc các thần khác và chớ làm ra hình tượng. Đức Chúa Trời đã hiện ra với Salômôn hai lần và cảnh tỉnh người rằng đừng đi theo các thần khác, nhưng Salômôn đã không dễ dàng xoay chuyển tấm lòng mình. Khi vua dần rời xa Đức Chúa Trời, thì các dân tộc xung quanh trở nên đối nghịch và căm ghét nước Ysơraên.

Đức Chúa Trời phán rằng dù Ngài nổi giận với hành động của Salômôn, người không vâng theo Đức Chúa Trời, nhưng vì cớ Đavít, Ngài sẽ không đoạt lấy nước khỏi tay Salômôn trong lúc người còn sống (I Các Vua 11:9-13). Theo lời này, sau khi Salômôn qua đời, vương quốc Ysơraên đã bị chia thành hai nước là Bắc Ysơraên và Nam Giuđa, bị sa sút trở thành đất nước nhỏ bé yếu ớt và đã không bao giờ có thể khôi phục lại thành một quốc gia hùng mạnh như ở thời đại của Đavít hay Salômôn.

Lịch sử của vương quốc Bắc Ysơraên

Đất nước đầy dẫy sự thờ lạy hình tượng và tội ác

Vương triều của Bắc Ysơraên (975 – 721 TCN) tồn tại khoảng 250 năm từ đời vua đầu tiên là Giêrôbôam cho đến khi bị diệt vong bởi Asiri vào đời vua cuối cùng là Ôsê. Có tổng cộng 19 vua trong khoảng thời gian này. Các vua của Bắc Ysơraên đều phạm tội như từ bỏ điều răn của Đức Chúa Trời và tôn kính hình tượng v.v… Không có một vua nào được khen ngợi là giữ gìn điều răn của Đức Chúa Trời như Đavít. Có ghi chép về Giêhu – là vị vua thứ mười rằng “đã làm công việc rất phải”, nhưng ấy chỉ là việc vâng theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời rằng diệt trừ nhà Aháp thôi, còn những điều răn khác thì người vẫn chưa giữ được và cũng không thoát khỏi việc thờ lạy hình tượng.

Việc tôn kính hình tượng của Bắc Ysơraên bắt đầu từ thời Giêrôbôam. Giêrôbôam lo sợ rằng nếu dân sự đi đến Giêrusalem vào lễ trọng thể và dâng tế lễ tại đó theo luật pháp thì tấm lòng họ sẽ hướng về Nam Giuđa, nên người đã cho xây cất bàn thờ không phải ở nơi mà Đức Chúa Trời chọn. Vua lại cũng lập các thầy tế lễ mà Đức Chúa Trời không công nhận, tự ý định ra các ngày lễ và dâng tế lễ, dựng nên tượng bò con vàng và thờ lạy (I Các Vua 12:25-33). Các vua kế tiếp Giêrôbôam cũng theo tiền lệ đó mà bước đi con đường thờ lạy hình tượng, Kinh Thánh gọi điều đó là “đường của Giêrôbôam”, “tội của Giêrôbôam” (I Các Vua 16:19, II Các Vua 10:29).

Bắc Ysơraên ngay từ đầu đã từ bỏ điều răn của Đức Chúa Trời nên không ngừng phải chịu sự khổ sở. Lịch sử phản nghịch cứ lần lượt tiếp diễn, kẻ phản nghịch giết vua, rồi chính mình lên làm vua. Vua bị rủa sả và mắc bệnh hoặc đất nước bị thôn tính bởi thế lực ngoại bang. Dầu vậy, các vua của Bắc Ysơraên chỉ đặt sự quan tâm vào việc tranh giành quyền lực mà hoàn toàn không hề quan tâm đến việc kính sợ Đức Chúa Trời và giữ gìn điều răn của Ngài. Trái lại, họ coi việc thờ lạy hình tượng như một cách thức để củng cố quyền lực.

Các vua Bắc Ysơraên đều làm điều ác như nhau, nhưng Aháp – là vua thứ bảy trong số họ lại ác hơn các vua trước đó. Sau khi kết hôn với Giêsabên – công chúa của Siđôn, Aháp đã chọc giận Đức Chúa Trời bởi việc dựng nên bàn thờ và thờ lạy hình tượng (I Các Vua 16:30-32). Giêsabên vốn là kẻ thờ lạy Baanh và Asêra, sau khi trở thành hoàng hậu của Bắc Ysơraên, đương nhiên đã khiến cho Aháp và cả dân sự cũng thờ lạy hình tượng. Bởi Aháp và Giêsabên mà dân sự thờ lạy bò con vàng mà Giêrôbôam đã làm ra và kể cả hình tượng của ngoại bang. Giêsabên không chỉ giết các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, mà thậm chí còn định giết Êli, và không ăn năn tội lỗi của mình mặc dù trên núi Cạtmên đã được tỏ tường rằng Đức Giêhôva là Đức Chúa Trời thật. Bà không ngần ngại làm điều ác khi buộc tội nhằm giết những người muốn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và chiếm đoạt tài sản của họ.

Sau này, vua Aháp đã bị trúng tên và chết nơi chiến trường. Các người hầu đã rửa cỗ xe dính máu của Aháp trong một hồ nước ở Samari, thì có chó đến liếm máu người. Ngày hôm sau, Giêsabên cũng phải đối mặt với kết cục khủng khiếp đến mức người ta không thể tìm thấy xác của ả sau khi bị ném xuống từ cửa sổ và bị giẫm đạp. Mọi sự được ứng nghiệm y nguyên theo lời của Đức Chúa Trời mà Êli đã rao truyền (I Các Vua 21:20-24).

Sự sụp đổ của Bắc Ysơraên

Bắc Ysơraên, đất nước không tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời, đã ngày càng suy yếu theo thời gian. Thế nhưng, họ vẫn không chịu hối cải, và Đức Chúa Trời đã trừng phạt Bắc Ysơraên thông qua nước Asiri.

Trong khi vận mệnh của Bắc Ysơraên đang suy yếu thì thông điệp của sự cứu rỗi đến từ Nam Giuđa. Vua Êxêchia của Nam Giuđa sai sứ giả đến Bắc Ysơraên để thúc giục họ hãy trở lại với Đức Chúa Trời và giữ Lễ Vượt Qua mà đã không được giữ suốt thời gian dài. Tuy nhiên, phần lớn dân Bắc Ysơraên khinh bỉ và chế nhạo họ (II Sử Ký 30:1-10).

Bắc Ysơraên đã từ chối cánh tay của Đức Chúa Trời đến cuối cùng, rốt cuộc đã bị diệt vong bởi sự xâm lược của Asiri. Quân đội Asiri đã bao vây Samari là thủ đô của Bắc Ysơraên trong suốt 3 năm, và cuối cùng đã chiếm lấy vào năm 721 SCN (II Các Vua 18:9-12). Kết quả là Bắc Ysơraên, một trong hai đất nước đã bị chia cắt sau sự chết của Salômôn, đã biến mất trong lịch sử và chỉ có Nam Giuđa sống sót.

Lịch sử của vương quốc Nam Giuđa

Đất nước được chúc phước rồi lại bị rủa sả

Vương triều Nam Giuđa (975 – 586 TCN) kéo dài khoảng 390 năm từ khi con trai của Salômôn là Rôbôam lên ngôi cho đến khi bị Babylôn hủy diệt vào thời Sêđêkia, có tổng cộng 20 vị vua. Trong số đó, các vua được công nhận trong Kinh Thánh là “người làm giống như Đavít”, “người làm theo đường lối của Đavít” chỉ có 4 vua là Asa, Giôsaphát, Êxêchia, Giôsia. Vương quốc Giuđa trong thời gian trị vì của các vua này đã được Đức Chúa Trời bảo hộ vì họ đã giữ gìn điều răn và luật lệ của Đức Chúa Trời giống như Đavít (I Các Vua 15:11, II Sử Ký 17:3, II Các Vua 18:3-6, 22:2).

Asa – vị vua thứ ba của Nam Giuđa đã làm theo luật lệ và phép đạo của Đức Chúa Trời. Ông cũng cấm việc thờ lạy hình tượng vốn thịnh hành trong xứ Giuđa vào thời kỳ đó. Đức Chúa Trời đã ban hòa bình cho vua Asa, và khiến cho vua chiến thắng đạo binh một triệu người của Êthiôbi kéo đến để xâm chiếm (II Sử ký 14:9-15).

Giôsaphát – vị vua thứ tư đã trông thấy đường lối của cha mình và nhận ra sự thật rằng phải vâng phục Đức Chúa Trời thì mới có thể nhận được phước lành. Vua đã vâng giữ các luật lệ và phép đạo của Đức Chúa Trời, đồng thời nghiêm cấm tuyệt đối việc thờ hình tượng (II Sử Ký 17:3-9). Sau đó, Giôsaphát đã nhận phước lành kể cả trong mối nguy hại lớn bởi quân liên minh của dân Ammôn, Môáp và những người trên núi Sêirơ kéo đến. Nhờ sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, vua đã giành thắng lợi trong trận chiến mà không gặp bất khó khăn nào, và trở về với nhiều chiến lợi phẩm (II Sử Ký 20:1-30).

Êxêchia – vị vua thứ 13, người làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bởi việc gìn giữ Lễ Vượt Qua mà bấy lâu đã không giữ, và phá hủy các hình tượng. Kết quả là vua Êxêchia đã có thể bảo toàn đất nước nhờ sự bảo hộ của Đức Chúa Trời trong mối nguy hiểm mang tính quốc gia khi cường quốc Asiri đã tiêu diệt Bắc Ysơraên và sau đó kéo đến để chinh phục Nam Giuđa (II Các Vua 19:30-35).

Giôsia – vị vua thứ 16 cũng vinh dự được khen ngợi rằng “Trước và sau Giôsia, chẳng có một vua nào hết lòng, hết ý, hết sức mình làm theo trọn vẹn luật pháp giống như người nữa”, bởi người đã giữ Lễ Vượt Qua (II Các Vua 23:23-25).

Thế nhưng, các vua còn lại không hầu việc Đức Chúa Trời một cách đúng đắn, họ xa rời điều răn của Đức Chúa Trời và rơi vào con đường tôn kính hình tượng khiến đất nước rơi vào nguy hiểm. Vua Acha đã đúc các hình tượng Baanh để thờ lạy, và thậm chí thiêu các con trai của mình trong lửa tại trũng Hinôm để dâng làm của tế lễ. Cuối cùng, một số quốc gia bao gồm Arập, Bắc Ysơraên, Êđôm và Philitin đã tấn công, giết chết nhiều người, bắt các tù binh, cướp bóc tài sản và chiếm lấy nhiều thành. Thậm chí sau khi chết, Acha còn không được chôn cất trong lăng mộ của các vị vua (II Sử Ký 28:1-27).

Manase, con trai của vua Êxêchia, đã xây cất lại những nơi cao và bàn thờ Baanh mà cha mình đã phá bỏ. Ông đã ra làm các hình tượng và đặt chúng trong đền thờ của Đức Chúa Trời để thờ phượng, và ông đã thiêu các con trai của mình trong lửa ở trũng Hinôm. Đức Chúa Trời nổi giận nên đã khiến quân đội của Asiri kéo đến tấn công Nam Giuđa, còn Manase bị bắt đến Babylôn và đã hối cải sau khi trải qua thời gian khổ sở (II Sử Ký 33:1-20).

Như vậy, ở vương quốc Nam Giuđa, khi vua và dân sự rời bỏ Đức Chúa Trời và thờ lạy hình tượng thì phải chịu sự thống khổ và đau đớn không ngừng bởi sự xâm lược của ngoại bang, còn khi họ tuân theo các điều răn và mạng lịnh của Đức Chúa Trời thì được nhận phước lành và sự bảo hộ của Đức Chúa Trời. Lịch sử này cứ được lặp lại. Tuy nhiên, nhiều vị vua Nam Giuđa không nhận ra điều này và lặp đi lặp lại hành vi ngốc nghếch là thờ hình tượng và phải chịu sự nguyền rủa.

Sự diệt vong của Nam Giuđa

Sêđêkia, là vua cuối cùng cũng phạm tội ác thờ lạy hình tượng. Các thầy tế lễ và dân Giuđa cũng theo vua Sêđêkia mà tôn kính hình tượng. Đức Chúa Trời liên tục cử các đấng tiên tri đến để cảnh báo họ, nhưng họ phớt lờ những lời cảnh báo ấy. Cuối cùng, khi Babylôn kéo đến xâm chiếm Giuđa, chính mắt vua Sêđêkia đã phải chứng kiến cảnh người Babylôn giết các con trai mình, rồi vua bị móc mắt và xích lại, sau đó bị dẫn đi làm phu tù. Đền thờ và các tòa nhà của Giuđa đều bị thiêu cháy, dân chúng bị giết chết hoặc bị bắt làm nô lệ, và tất cả tài sản đều bị cướp bóc (II Các Vua 25:7-17). Giuđa, đất nước từ bỏ Đức Chúa Trời, đã bị diệt vong vào khoảng năm 586 TCN.

Đức Chúa Trời cho biết lý do sự hủy diệt kinh hoàng xảy đến đối với Nam Giuđa không phải vì điều gì khác mà ấy là vì dân sự đã không gìn giữ các luật lệ và phép đạo của Đức Chúa Trời (Giêrêmi 16:10-11, Giêrêmi 44:23). Đức Chúa Trời đã sai các đấng tiên tri đến với những người dân đã rời bỏ luật lệ và phép đạo của Ngài nhằm tuyên bố sự hủy diệt sắp đến và cho họ cơ hội hối cải, nhưng dân sự đã không lắng nghe lời của Đức Chúa Trời mà lại coi khinh điều ấy. Cuối cùng họ đã bỏ lỡ cơ hội được nhận sự cứu rỗi và đã bị hủy diệt. Nước Nam Giuđa cũng đi theo vết xe đổ của Bắc Ysơraên, là đất nước bị hủy diệt vì không gìn giữ luật pháp của Đức Chúa Trời.

Sự hưng vong thịnh suy của một quốc gia và cá nhân trong lịch sử của vương quốc Ysơraên thời đại Cựu Ước đã làm thức tỉnh cho người dân của Đức Chúa Trời đang sống trong thời đại Tân Ước biết rằng điều răn của Đức Chúa Trời thật tôn nghiêm và quý trọng biết bao. Và là giáo huấn cho chúng ta biết rằng chỉ khi làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, vâng giữ điều răn và phép đạo của Ngài bằng tấm lòng trọn vẹn như Đavít thì mới có thể nhận lãnh phước lành của Đức Chúa Trời.

Bài viết liên quan
Trở lại

Site Map

사이트맵 전체보기