Lễ cưới là việc hết sức vui mừng. Đức Chúa Jêsus đã ví dụ việc chúng ta nhận được sự cứu rỗi và đi vào Nước Thiên Đàng giống như việc được mời tham dự vào tiệc cưới. Cũng có nhiều bữa tiệc khác, thế mà vì sao phải là tiệc cưới vậy? Trong đó có một lý do quan trọng. Khi dò xem ví dụ về tiệc cưới Nước Thiên Đàng mà Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ và lời tiên tri trong Khải Huyền, thì có thể biết được các thánh đồ vào thời đại này phải thông qua ai để được nhận lãnh phước lành sự sống đời đời và được đi vào Nước Thiên Đàng.
Ví dụ về tiệc cưới mà Đức Chúa Jêsus dạy dỗ
“Ðức Chúa Jêsus lại phán ví dụ cùng chúng nữa, rằng: Nước thiên đàng giống như một vua kia làm tiệc cưới cho con mình… Ðoạn, vua phán cùng đầy tớ mình rằng: Tiệc cưới đã dọn xong rồi; song những người được mời không xứng dự tiệc đó. Vậy, các ngươi hãy đi khắp các ngã tư, hễ gặp người nào thì mời cả đến dự tiệc. Ðầy tớ đi khắp các đường cái, nhóm lại hết thảy những người họ gặp, bất luận dữ lành, đến nỗi trong phòng đầy những người dự tiệc.” Mathiơ 22:1-10
Nếu muốn tổ chức lễ cưới, thì nhất định phải có chú rể và cô dâu. Đương nhiên cũng có cả khách được mời đến dự tiệc nữa. Chú rể, cô dâu và khách mời là yếu tố cần thiết để tổ chức tiệc cưới. Trong ví dụ về tiệc cưới tại sách Mathiơ chương 22, chúng ta có thể phát hiện ra “con trai của vua”, tức là Chàng Rể. Tại đây, con của vua có nghĩa là Đức Chúa Jêsus – Đấng đã đến với tư cách là “Con của Đức Chúa Trời”. Còn những khách được mời nghĩa là các thánh đồ được đi vào Nước Thiên Đàng bởi tiếp nhận Đức Chúa Jêsus.
Tuy nhiên, trong ví dụ về tiệc cưới này lại không thấy Cô Dâu – là nhân vật chính không thể thiếu trong lễ cưới. Tiệc cưới không có cô dâu là điều không thể. Vì sao Đức Chúa Jêsus đã không đề cập đến Cô Dâu? Không phải vì trong tiệc cưới Nước Thiên Đàng không có Cô Dâu đâu. Mà vì thời kỳ Đức Chúa Jêsus Sơ Lâm 2000 năm trước vẫn chưa phải là thời điểm Cô Dâu xuất hiện. Kinh Thánh tiên tri rằng Cô Dâu xuất hiện vào thời Tái Lâm của Đấng Christ.
Cô Dâu xuất hiện vào thời Tái Lâm
Khải Huyền là sách được ghi chép vào khoảng năm 96 SCN, tức là sau khi Đức Chúa Jêsus đã thăng thiên. Đức Chúa Jêsus đã cho sứ đồ Giăng thấy sự mặc thị về những việc sẽ xảy đến trong tương lai (Khải Huyền 1:1). Trong số đó có sự mặc thị về tiệc cưới Nước Thiên Đàng, và sự xuất hiện của Cô Dâu mà đã chưa xuất hiện trong ví dụ về tiệc cưới cách đây 2000 năm trước.
“… vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ). Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!…” Khải Huyền 19:7-9
Đã được chép rằng lễ cưới Chiên Con đã tới, và Vợ Ngài đã sửa soạn, phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới. Chiên Con trong sách Khải Huyền là biểu hiện chỉ về Đức Chúa Jêsus (Giăng 1:29) Tại đây, Chiên Con nghĩa là Đức Chúa Jêsus (Tái Lâm) đến lần thứ hai. Còn những người được mời nghĩa là các thánh đồ sẽ nhận phước lành sự sống đời đời.
Chiên Con là Chàng Rể xuất hiện cùng với Vợ Chiên Con, tức là Cô Dâu mà đã không xuất hiện vào thời Sơ Lâm. Giống như bất kỳ tiệc cưới nào, tiệc cưới Nước Thiên Đàng cũng phải có Cô Dâu chứ không chỉ có Chàng Rể và khách mời. Chính vì lý do này mà Đức Chúa Jêsus đã ví dụ sự các thánh đồ được cứu rỗi và đi vào Nước Thiên Đàng với sự đi vào tiệc cưới chứ không phải là bữa tiệc nào khác. Từ 2000 năm trước, Ngài cũng đã ngụ ý về sự tồn tại của Cô Dâu. Vậy, Cô Dâu, tức là Vợ Chiên Con, quả thật là ai?
“Một vị trong bảy thiên sứ đã cầm bảy bát đựng đầy bảy tai nạn cuối cùng, đến gần tôi, bảo rằng: Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con… chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giêrusalem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống.” Khải Huyền 21:9-10
Thiên sứ phán rằng sẽ chỉ cho thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con, nhưng rồi lại chỉ cho thấy Giêrusalem từ trên trời xuống. Chàng Rể trong tiệc cưới Nước Thiên Đàng được biểu hiện như là Chiên Con, nhưng không phải là đang nói về động vật thực tế. Giống như vậy, Cô Dâu – Vợ Mới cũng là Đấng được biểu tượng bởi thành Giêrusalem trên trời chứ không phải là một cái thành thực tế.
Đức Chúa Trời Mẹ – Cô Dâu (Vợ Mới) trong ví dụ tiệc cưới
Trong Kinh Thánh, Giêrusalem trên trời biểu tượng cho Đức Chúa Trời Mẹ.
“Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.” Galati 4:26
Được chép rằng Giêrusalem ở trên cao, tức trên trời là “Mẹ chúng ta”. Theo đó, lời tiên tri trong Khải Huyền nói rằng Vợ Mới sẽ xuất hiện có nghĩa là Đức Chúa Trời Mẹ – Đấng ngự trên trời sẽ xuất hiện trên trái đất này. Vì vậy, Kinh Thánh biểu hiện Vợ Mới là Giêrusalem “từ trên trời xuống”.
Còn Chiên Con, Đấng lấy Mẹ Giêrusalem trên trời làm vợ, chính là Đức Chúa Trời Cha. Đức Chúa Trời Cha – tức là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm và Đức Chúa Trời Mẹ – tức là Vợ Mới cùng xuất hiện và mời các thánh đồ đến dự tiệc cưới Nước Thiên Đàng. Điều này đã được tiên tri trong sách Khải Huyền chương 22 rằng Thánh Linh và Vợ Mới cùng xuất hiện.
“Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.” Khải Huyền 22:17
Thánh Linh là Đức Chúa Trời Cha, là nhất thể với Đức Cha, Đức Con. Thánh Linh và Vợ Mới, tức là Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ cùng xuất hiện với mục đích ban nước sự sống, tức là sự sống đời đời. Cho nên, để nhận được sự sống đời đời vào thời đại này, chúng ta không chỉ tiếp nhận Đức Chúa Trời Cha thôi, mà còn phải tiếp nhận Đức Chúa Trời Mẹ nữa. Phải như vậy thì mới có thể nhận được nước sự sống và nhận lãnh phước lành đi vào Nước Thiên Đàng vĩnh cửu với tư cách là khách được mời dự phần vào tiệc cưới (Khải Huyền 19:9).
Ai là Đấng cho biết về Mẹ, là Cô Dâu (Vợ Mới)?
Thế nhưng, nhân loại chưa từng biết đến sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Mẹ, và thậm chí không hề biết đến sự tồn tại của Ngài. Kinh Thánh tiên tri rằng đích thân Đức Chúa Trời Cha sẽ cho biết về Đức Chúa Trời Mẹ hầu cho nhân loại được nhận lấy sự cứu rỗi.
“Hỡi Giêrusalem, ta đã đặt các vọng canh trên thành ngươi; cả ngày và đêm chúng nó chẳng hề im lặng. Hỡi các ngươi là kẻ nhắc nhở Ðức Giêhôva, chớ có nghỉ ngơi chút nào. Ðừng để Ngài an nghỉ cho đến chừng nào đã lập lại Giêrusalem và dùng nó làm sự ngợi khen trong cả đất!” Êsai 62:6-7
Được chép rằng Giêhôva Đức Chúa Trời sẽ lập lại Giêrusalem; Giêrusalem được nhận sự ngợi khen trong cả đất là chỉ về Mẹ Giêrusalem trên trời. Lời này nghĩa là Đức Chúa Trời Cha sẽ làm chứng về Đức Chúa Trời Mẹ. Đức Chúa Trời đã sớm bày tỏ ý muốn thể này thông qua Ađam và Êva xuất hiện trong Sáng Thế Ký.
“Ađam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có.” Sáng Thế Ký 2:23
“Ađam gọi vợ là Êva, vì là mẹ của cả loài người.” Sáng Thế Ký 3:20
Ađam đã làm chứng về Êva rằng “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra”, và đặt tên cho vợ mình là “Êva (nghĩa là sự sống theo tiếng Hêbơrơ)”. Ađam và Êva được tạo ra theo hình ảnh và theo tượng của Đức Chúa Trời, làm biểu tượng cho Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ – Đấng phải đến vào những ngày sau (Rôma 5:14). Ađam và Êva đã được tạo ra ngay trước sự nghỉ ngơi ngày thứ bảy, điều này nghĩa là Đấng Christ Tái Lâm được biểu tượng bởi Ađam, và Đức Chúa Trời Mẹ được biểu tượng bởi Êva sẽ hiện ra với loài người khi gần đến thời điểm đi vào sự nghỉ ngơi đời đời. Việc Ađam đặt tên cho vợ mình là Êva (sự sống) chính là lời tiên tri cho biết rằng Đấng Christ Tái Lâm sẽ làm chứng về Đức Chúa Trời Mẹ – là thực thể của sự sống.
Đấng Christ Tái Lâm – Đức Thánh Linh An Xang Hồng đã làm chứng về Đức Chúa Trời Mẹ là Cô Dâu (Vợ Mới) theo hết thảy mọi lời tiên tri này. Ngài đã dạy dỗ rằng chúng ta phải tin và đi theo Mẹ thì mới được sự sống đời đời. Vì thế, vào thời đại này, những người tin và đi theo Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ mới được nhận phước lành sự sống đời đời và đi vào Nước Thiên Đàng. Chính họ sẽ trở thành những người được phước lành tham dự vào tiệc cưới của Chiên Con.
“… Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!” Khải Huyền 19:9