Thập tự giá mà nhiều người coi là vật tượng trưng cho Cơ Đốc giáo vốn dĩ là hình tượng có nguồn gốc từ ngoại đạo. Nó được sử dụng như vật biểu tượng cho tín ngưỡng trong tôn giáo ngoại bang từ rất lâu trước khi Cơ Đốc giáo được hình thành. Trong sách Kinh Thánh Tân Ước được ghi chép vào thời đại các sứ đồ, không có bất cứ chỗ nào ghi chép về việc dựng nên hoặc lấy thập tự giá làm biểu tượng của Hội Thánh. Trái lại, các sứ đồ luôn phản đối việc thờ lạy hình tượng, họ còn dạy dỗ rằng những kẻ tôn kính hình tượng là kẻ không công bình và sẽ không được hưởng cơ nghiệp của nước Đức Chúa Trời (I Côrinhtô 6:9-10). Vậy, làm thế nào mà thập tự giá đã công khai nắm giữ vị thế trong hội thánh?
Nguồn gốc của thập tự giá
Thập tự giá được sử dụng trong nhà thờ, hội thánh ngày nay đã bắt nguồn từ nước Babylon cổ đại, chứ không phải là một biểu tượng tôn giáo xuất hiện lần đầu sau cuộc khổ nạn của Đấng Christ.
“Hình thức thập tự giá được làm bằng hai thanh gỗ mà các nhà thờ sử dụng được bắt nguồn từ Canhđê (Chaldea) cổ đại, nó được sử dụng làm biểu tượng của thần Thammu (Tammuz) ở quốc gia lân cận bao gồm cả Ai Cập và quốc gia đó (hình dạng chữ Tau huyền bí, là ký tự đầu tiên trong tên của thần ấy).” “Thập tự giá”, W. E. Vine, “Từ điển chú thích thuật ngữ Kinh Thánh Tân Cựu Ước của Vine”, nhà xuất bản Thomas Nelson, năm 1996.
Canhđê là khu vực trung tâm của Babylôn. Ở Babylôn, người ta mượn chữ “T” là ký tự đầu tiên trong tên của Thammu để tôn thờ Thammu, nên đã được sử dụng như là vật tượng trưng cho tín ngưỡng. Điều này cũng được truyền bá đến các nước xung quanh, nên có thể phát hiện thập tự giá trong di vật của quốc gia cổ đại như Êdíptô hoặc Asiri. Kể cả sau khi đế quốc La Mã được dựng nên, tập tục tôn kính thập tự giá vẫn được duy trì.
Lịch sử thập tự giá du nhập vào hội thánh
Thập tự giá bắt đầu được sử dụng trong hội thánh từ thời đại Constantine. Trước khi hoàng đế Constantine công nhận Cơ Đốc giáo, Hội Thánh đã chịu sự bắt bớ từ đế quốc La Mã. Thập tự giá đã được sử dụng như một khung hành hình các thánh đồ. Trong tình huống thể ấy, việc Hội Thánh mỹ hóa thập tự giá – là khung hành hình khủng khiếp và sử dụng như biểu tượng của Cơ Đốc giáo là điều không thể. Thật ra, Hội Thánh đã không hề dựng nên thập tự giá trong suốt khoảng 300 năm từ sau thời kỳ Đức Chúa Jêsus cho đến thời đại Constantine.
“Các Cơ Đốc nhân đã chính thức sử dụng thập tự giá như là biểu tượng của đạo Cơ Đốc từ thời Constantine. Ðối với các thánh đồ Hội Thánh sơ khai, chỉ mới nghe nói đến thập tự giá thì họ đã rùng mình run sợ, nên hoàn toàn không có động cơ nào để mỹ hóa thập tự giá cho thẩm mỹ hơn.” “Thập tự giá”, “Từ điển thần học của Baker”, Shin Seong Jong dịch, Emmaút, năm 1996.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi hoàng đế Constantine công nhận Cơ Đốc giáo. Hội Thánh đã nhanh chóng bị thế tục hóa do chính sách ưu đãi Cơ Đốc giáo được thi hành, những kẻ lãnh đạo của giáo hội Công giáo La Mã hư hỏng đã chấp nhận tư tưởng và vật biểu tượng của ngoại đạo dưới danh nghĩa truyền đạo cho người ngoại đạo nhiều hơn. Thập tự giá cũng là một trong số đó. Để nhắc nhở về việc Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá cho những người cải đạo từng thần thánh hóa hình tượng thập tự giá, nên đã đưa thập tự giá vào trong hội thánh để tôn thờ. Ngoài ra, họ còn thần thánh hóa Mari – mẹ của Đức Chúa Jêsus để những người vốn tôn thờ các nữ thần ngoại bang có thể thích nghi được, và thờ lạy các thánh nhân và những người tử vì đạo thay cho các thần ngoại bang.
Tư tưởng ngoại đạo hoặc những vật tượng trưng được du nhập vào theo cách này đã nắm giữ vị trí vững chắc trong hội thánh khi thời gian trôi qua. Các tín đồ bị khiến cho tin rằng những thứ đó là công cụ để hầu việc Đức Chúa Trời hoặc là vật tượng trưng cho tín ngưỡng Cơ Đốc giáo. Vào khoảng năm 431 SCN, thập tự giá được đưa vào bên trong nhà thờ, rồi sau đó được dựng lên trên nóc nhà thờ.
“Thập tự giá được du nhập vào văn phòng và nhà thờ vào khoảng năm 431, và đến khoảng năm 568 thì được dựng lên trên nóc nhà thờ.” “Thập tự giá”, Joseph H. Wilsh, “Harper’s Book of Facts”, Harper and Brothers, năm 1895.
Tôn kính thập tự giá là tôn kính hình tượng
Như vậy, thập tự giá không có liên quan gì đến tín ngưỡng của thời đại các sứ đồ, mà đó là hình tượng được du nhập vào trong quá trình hội thánh bị thế tục hóa sau đó.
“Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó…” Xuất Êdíptô Ký 20:4-5
Thông qua điều răn thứ hai trong Mười Điều Răn, Đức Chúa Trời đã phán cấm lệnh một cách nghiêm khắc rằng người dân của Ngài không được làm ra hoặc thờ lạy hình tượng. Ngài đã phán rằng chớ làm ra kể cả hình tượng để hầu việc Đức Chúa Trời, chứ đừng nói đến làm ra hình tượng vì thần khác (Xuất Êdíptô Ký 20:23). Kinh Thánh làm chứng rõ ràng rằng việc làm ra và dựng nên hình tượng là hành vi ghét Đức Chúa Trời, và là việc đáng bị rủa sả (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15).
Bất chấp lời cảnh báo như thế, sau khi đi vào xứ Canaan, người dân Ysơraên thời đại Cựu Ước đã chấp nhận các loại hình tượng như Baanh, Asêra v.v… là hình tượng mà các dân ngoại đạo xung quanh hầu việc, họ đã lấy sự đó kết hợp với tín ngưỡng của mình. Dù họ làm ra đủ mọi loại hình tượng để thờ lạy, nhưng lại luôn hợp lý hóa rằng đó là hành vi siêng năng hầu việc Đức Chúa Trời. Kết quả là họ phải nhận sự rủa sả từ Đức Chúa Trời và bị diệt vong (Giêrêmi 2:27-28).
Các nhà thờ, hội thánh ngày nay cũng đang lặp lại hành vi ngốc nghếch như thế. Việc du nhập và dựng nên thập tự giá – là vật tượng trưng cho ngoại đạo làm vật biểu tượng cho Cơ Đốc giáo, là hành vi đi ngược lại điều răn của Đức Chúa Trời rằng chớ làm ra và hầu việc các hình tượng đó. Hơn nữa, dù biện minh rằng thập tự giá chỉ là vật tượng trưng cho nhà thờ, hội thánh thì cũng không thể ngăn cản được việc nhiều người thổi ý nghĩa đặc biệt vào thập tự giá.
Lời tiên tri về việc tôn kính thập tự giá được chứa đựng trong lịch sử của Ysơraên
Người dân Ysơraên tôn kính con rắn đồng
Thông qua lịch sử đã qua, Đức Chúa Trời đã tiên tri trước về việc tôn kính thập tự giá trong nhà thờ, hội thánh. Sau khi ra khỏi Êdíptô, người dân Ysơraên từ trong đồng vắng đi hướng đến xứ Canaan nhưng họ đã lằm bằm với Đức Chúa Trời bởi cớ đường đi. Kết quả là nhiều người dân bị rắn cắn chết (Dân Số Ký 21:4-6). Khi họ hối cải muộn màng và cầu khẩn sự cứu rỗi, Đức Chúa Trời đã cho biết phương pháp để cứu sống những người dân đang chết dần vì bị rắn cắn.
“… Ðức Giêhôva phán cùng Môise rằng: Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó trên một cây sào. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống. Vậy, Môise làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây sào; nếu người nào đã bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng, thì được sống.”Dân Số Ký 21:7-9
Sự việc đáng ngạc nhiên đã xảy ra, đó là bất cứ ai nhìn con rắn đồng treo trên cây sào thì đều được sống. Không phải tự bản thân con rắn đồng có năng lực, mà việc ấy được thành là vì có lời phán của Đức Chúa Trời rằng “nhìn con rắn bằng đồng, thì được sống”. Thế nhưng, thời gian trôi qua, dân sự lại tưởng rằng con rắn đồng đã cứu sống họ, nên họ đã tôn kính con rắn đồng ấy cho đến thời đại vua Êxêchia.
“Người (Êxêchia) làm điều thiện trước mặt Ðức Giêhôva y như Ðavít, tổ phụ người, đã làm. Người phá hủy các nơi cao, đập bể những trụ thờ, đánh hạ các Asêra, và bẻ gãy con rắn đồng mà Môise đã làm; bởi vì cho đến khi ấy dân Ysơraên xông hương cho nó. Người ta gọi hình rắn ấy là Nêhutan.” II Các Vua 18:3-4
Sau khi giữ Lễ Vượt Qua, Êxêchia đã đánh đổ việc tôn kính hình tượng, ông đã bẻ gãy con rắn đồng và gọi nó là “Nêhutan”, tức là một miếng đồng. Sự việc này đã làm thức tỉnh về sự thật rằng con rắn đồng là hình tượng chẳng qua chỉ là một miếng đồng mà thôi.
Các nhà thờ, hội thánh tôn kính thập tự giá
Lịch sử này là lời tiên tri về công việc cứu rỗi mà Ðức Chúa Jêsus sẽ hoàn thành trên thập tự giá.
“Xưa Môise treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.” Giăng 3:14-15
Đức Chúa Jêsus phán rằng xưa Môise treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Ngài cũng phải bị treo lên dường ấy. Lịch sử Môise treo con rắn đồng là lời tiên tri về việc Ðức Chúa Jêsus sẽ bị treo lên thập tự giá. Giống như người dân đang chết dần được sống lại bởi việc nhìn con rắn đồng, thì loài người cũng sẽ được cứu rỗi bởi hy sinh trên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus.
Vào thời đại Cựu Ước, điều khiến cho người dân Ysơraên được sống lại không phải là năng lực của bản thân con rắn đồng, thế mà người dân lại thờ lạy con rắn đồng mà mắt mình trông thấy trong khi quên đi quyền năng của lời Đức Chúa Trời. Các hội thánh ngày nay cũng vậy. Sự cứu rỗi của nhân loại được trọn vẹn bởi huyết hy sinh của Đấng Christ đổ ra trên thập tự giá (Êphêsô 1:7, I Phierơ 1:18-19), bản thân thập tự giá tuyệt đối không phải là thứ ban cho sự cứu rỗi hoặc sự tha tội. Dầu vậy, nhiều người nói rằng mình tin vào Đức Chúa Trời mà lại tôn kính thập tự giá trong khi quên đi huyết hy sinh của Đấng Christ – Đấng cứu rỗi nhân loại.
Êxêchia – người phá vỡ thói quen tôn kính hình tượng lâu dài của dân Ysơraên, đã được Đức Chúa Trời khen là “người tríu mến Đức Chúa Trời, gìn giữ trọn vẹn các điều răn mà Đức Chúa Trời đã truyền cho Môise”, và được Ngài ban phước lành lớn lao (II Các Vua 18:6-7). Vào thời đại này cũng vậy, những người đánh đổ sự tôn kính thập tự giá chẳng qua chỉ là hình tượng, những người hiểu biết và làm theo giá trị của giao ước mới được lập nên bởi hy sinh của Đấng Christ, là bản chất của sự cứu rỗi mà thật sự phải chú ý đến, sẽ được nhận lãnh phước lành sự cứu rỗi.