Đức Chúa Trời lập giao ước với Ápraham

5480 읽음

Vâng theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, Ápraham đã rời khỏi quê hương bằng đức tin vâng phục dù không biết mình đi đâu, và cứ hướng đến vùng đất mà Đức Chúa Trời đã phán bảo (Hêbơrơ 11:8-10). Đức Chúa Trời coi đức tin của Ápraham là công bình và ban phước cho người. Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Ápraham, là người vâng phục tuyệt đối lời phán của Ngài, và Ngài đã làm hoàn thành lời giao ước ấy. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về đức tin của Ápraham – là người được xưng là “tổ phụ đức tin” và giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Ápraham.

Hướng đến Canaan

Ápraham xuất thân ở Urơ, một thành bang thuộc về xứ Mêsôbôtami cổ đại khoảng vào khoảng năm 2000 TCN. Ông thuộc dòng dõi của Sem – con trưởng của Nôê và là nhân vật đầu tiên được gọi là “người Hêbơrơ” trong Kinh Thánh, ông cũng là tổ tiên1 của Ysơraên (Sáng Thế Ký 11:10-26, 14:13, 15:13-14). “Urơ xứ Canhđê2” là quê hương của Ápraham, nơi được biết đến như một đô thị từng tồn tại gần sông Ơphơrát, phía Đông Nam Iraq hiện nay.

  1. Trên thực tế, người Giuđa thuộc dòng dõi của Sem.
  2. Sau này là Babylonia.

Khác với Tharê cha mình là người hầu việc thần khác, Ápraham chỉ hầu việc Đức Chúa Trời mà thôi (Giôsuê 24:2, Sáng Thế Ký 12:4, 7-8). Đức Chúa Trời phán với Ápraham rằng “Hãy ra khỏi quê hương và bà con ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho.”, Ápraham đã rời khỏi quê hương cùng với cha mình là Tharê, vợ là Sara, và cháu trai là Lót (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:2-3). Đương thời đang là xã hội bộ tộc, việc rời khỏi quê hương mà đi đến vùng đất lạ lẫm là một vấn đề lớn đến nỗi có thể đánh đổi bằng cả mạng sống, nhưng Ápraham đã vâng theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời mà không hề do dự. Gia đình của Ápraham rời khỏi Urơ và cư ngụ tại Charan (Sáng Thế Ký 11:31). Các học giả Kinh Thánh đoán định rằng Charan là một thị trấn cùng tên nằm ở tỉnh Sanliurpa ở phía Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, và Ápraham đã di chuyển về phía Tây Bắc dọc theo sông Ơphơrát. Charan nằm ở khu vực giáp ranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cách Urơ khoảng 970km đi theo đường thẳng.

Gia đình của Ápraham sinh sống ở Charan và di chuyển đến Canaan sau khi Tharê qua đời. Lúc này Ápraham đã 75 tuổi. Ápraham vào xứ Canaan, lập một bàn thờ cho Đức Chúa Trời tại Bêtên. Khi xảy ra cơn hạn hán nghiêm trọng ở xứ Canaan, người đã tạm thời lánh xuống Êdíptô (Ai Cập), nhưng sau đó quay trở về và sống tại Bêtên.

Nhận sự chúc phước của Mênchixêđéc

Ápraham và cháu mình là Lót quyết định sống xa nhau vì tài sản như gia súc tăng lên nhiều. Bởi vì, dân Canaan và dân Phêrêsít cũng cư ngụ trong xứ Bêtên, nên xứ ấy trở nên quá chật chội để cho nhiều gia đình chung sống. Ápraham để cho Lót lựa chọn vùng đất mà Lót mong muốn trước, Lót đã lựa chọn vùng đồng bằng Giôđanh màu mỡ và nhiều nước chảy qua. Ápraham đã định cư ở xứ Canaan, còn Lót thì di chuyển qua nhiều thị trấn ở đồng bằng sông Giôđanh rồi định cư ở Sôđôm.

Sau đó, có cuộc nổi dậy bởi các vua của năm quốc gia xung quanh Biển Chết như Sôđôm và Gômôrơ, là các nước từng phục dịch Kếtrô Laome – vua của Êlam. Lúc này, Kếtrô Laome liên kết các vua Sinêa, Êlasa và Gôim để tranh chiến lại. Đội quân của Kếtrô Laome và Êlam thắng trận đã cướp đi tài sản và lương thực của người dân thành Sôđôm và Gômôrơ. Kể cả Lót đang sinh sống ở Sôđôm cũng bị cướp tài sản, và bị bắt đi. Lúc bấy giờ, Ápraham đương sống tại Mamrê hay tin Lót bị bắt đi, bèn cùng với 318 binh sĩ và những người đã có kết ước cùng mình là Mamrê, Ếchcôn, Ane đuổi theo cho đến đất Đan. Sau khi giải cứu Lót, họ chiếm lại được hết thảy mọi tài sản đã bị cướp và kể cả những người đã bị bắt.

Khi Ápraham thắng trận trở về, Mênchixêđéc vua Salem và vua Sôđôm ra đón rước người. Mênchixêđéc là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, sai đem bánh và rượu nho ra và chúc phước cho Ápraham. Được nhận sự chúc phước của Mênchixêđéc, Ápraham đã lấy một phần mười trong số chiến lợi phẩm dâng cho Mênchixêđéc (Sáng Thế Ký 14:20). Sau khi nhận sự chúc phước của Mênchixêđéc và trở về, một ngày kia Đức Chúa Trời đã hiện ra với Ápraham trong sự hiện thấy (Sáng Thế Ký 15:1). Ápraham lúc ấy chưa có con cái đã thưa với Đức Chúa Trời rằng sẽ cho Êliêse – người Đamách, kẻ tôi tớ sanh trưởng trong nhà mình, làm người kế nghiệp mình. Thế nhưng Đức Chúa Trời phán rằng Êliêse không phải là người kế nghiệp Ápraham mà “ai ở trong gan ruột ngươi ra sẽ là người kế nghiệp ngươi”. Rồi Ngài phán tiếp rằng sẽ làm cho dòng dõi của Ápraham nhiều như sao trên trời. Ápraham tin lời ấy, Đức Chúa Trời kể đức tin của người là công bình.

Giao ước Đức Chúa Trời lập với Ápraham

Đã trôi qua 10 năm kể từ khi Ápraham rời khỏi Charan đi đến xứ Canaan. Cho đến lúc ấy, Ápraham và Sara vợ mình vẫn chưa có con. Ápraham đã làm theo lời của Sara và đã sanh được một con trai bởi con đòi Aga, và người đặt tên cho đứa trẻ là Íchmaên. Lúc này Ápraham đã được 86 tuổi.

Đức Chúa Trời hiện ra cùng Ápraham khi người được 99 tuổi. Đức Chúa Trời phán với Ápraham rằng “Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, và làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều.”, Ngài cũng đổi tên cho người từ Ápram (nghĩa là “cha cao quý”) thành Ápraham (nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”). Đức Chúa Trời phán rằng nhiều vua sẽ từ nơi Ápraham mà ra, Ngài sẽ trở thành Đức Chúa Trời của Ápraham và dòng dõi Ápraham. Ngài cũng hứa ban xứ Canaan cho họ. Đức Chúa Trời phán rằng “Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước Ta.”, cùng quy định phép cắt bì là dấu của sự giao ước (Sáng Thế Ký 17:8-11). Sarai vợ của Ápraham cũng được Đức Chúa Trời gọi là “Sara” nghĩa là “công chúa”, “người nữ tự chủ”, và được đặt thêm cho danh hiệu là “mẹ các dân tộc”. Đức Chúa Trời chúc phước rằng “Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng Ta sẽ cho ngươi một con trai. Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng mà ra.”

Nghe lời này, Ápraham sấp mình xuống đất và cười mà nói thầm rằng: “Năm sau nữa thì tôi được 100 tuổi, còn vợ tôi, Sara tuổi đã được 90 mà làm sao có thể sanh con được?” Ápraham đã thưa cùng Đức Chúa Trời rằng mong muốn Íchmaên, con trai được sanh ra bởi Aga được sống trong khi nhận phước lành của Đức Chúa Trời, và bày tỏ ý định cho Íchmaên làm người kế nghiệp mình. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời lại phán rằng khoảng một năm sau, Sara sẽ sanh một con trai, hãy đặt tên con là Ysác (có nghĩa là “cười”). Ngài còn phán rằng sẽ lập giao ước đời đời với Ysác – con trai được sanh ra bởi Sara (Sáng Thế Ký 17:19-21).

Lời hứa của Đức Chúa Trời rằng sẽ làm cho dòng dõi của Ápraham nhiều vô số như sao trên trời đã được hoàn thành y nguyên như vậy. Đức Chúa Trời đã hầu cho Ysác được sanh ra thông qua Sara vào đúng năm Ápraham được 100 tuổi. Ysác sanh Giacốp được gọi là Ysơraên; mười hai con trai do Giacốp sanh ra trở thành tổ tiên của mười hai chi phái Ysơraên; và hình thành dân tộc Ysơraên là dân được lựa chọn của Đức Chúa Trời.

Bài viết liên quan
Trở lại

Site Map

사이트맵 전체보기