Câu chuyện về đấng tiên tri Môise trong Kinh Thánh
| 120 năm cuộc đời từ khi sanh ra cho đến lúc qua đời.

9584 읽음

Môise là đấng tiên tri đã tiếp nhận ý muốn của Đức Chúa Trời mà dẫn dắt người dân Ysơraên đang làm nô lệ tại xứ Êdíptô. Nội dung về cuộc đời của Môise được ghi chép trong Kinh Thánh tại sách Xuất Êdíptô Ký và Dân Số Ký. Ông đã quay lưng với cuộc sống xa hoa của hoàng thất tại xứ Êdíptô, và trở thành người lãnh đạo dân Ysơraên để sống một cuộc đời đồng cam cộng khổ với họ. Ông đã nghe trực tiếp giọng tiếng của Đức Chúa Trời và truyền lại cho dân sự, khiến cho họ thức tỉnh về vinh hiển và quyền năng của Đức Chúa Trời để cho người dân có thể đi vào vùng đất hứa là xứ Canaan.

Sự ra đời của Môise và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời

Giacốp (Ysơraên) theo lời khuyên của Giôsép đã dẫn gia đình mình đến định cư tại khu vực Gôsen của Êdíptô, sau đó con cháu của Ysơraên, tức là dân tộc Hêbơrơ ngày càng thêm nhiều lên (Xuất Êdíptô Ký 1:7). Thời gian trôi qua, những người sống cùng thời với Giôsép đều chết hết, và một vua (Pharaôn) mới lên ngôi, người này chẳng quen biết Giôsép. Pharaôn thấy bất an và lo ngại rằng nếu có chiến tranh xảy đến, dân Hêbơrơ sẽ hiệp cùng quân địch mà tấn công Êdíptô chăng. Dù Pharaôn đã lập lên các đốc công để cưỡng ép dân Hêbơrơ nô dịch khó nhọc, nhưng càng bị ngược đãi thì dân số Ysơraên lại càng thêm nhiều lên. Lúc này, Pharaôn ra lệnh rằng hễ người Hêbơrơ sanh con trai thì ném xuống sông Nile, còn nếu sanh con gái thì để cho sống.

Khi ấy, một con trai được sanh ra từ Amram và Giôkêbết thuộc dòng dõi Lêvi. Giôkêbết đã lén nuôi con trai mình trong ba tháng, nhưng không thể giấu lâu hơn nữa, nàng bèn để đứa trẻ vào một cái rương mây rồi đem thả trong đám sậy. Đúng lúc ấy, con gái của Pharaôn ra sông tắm thì phát hiện ra đứa trẻ. Nàng biết rằng đứa trẻ là con của người Hêbơrơ nhưng động lòng thương xót nên đã nhận làm con nuôi của mình, nàng nói rằng ta đã vớt nó khỏi nước nên đặt tên cho là “Môise”. Sau này, Môise đã sống như là hoàng tộc của Êdíptô đến năm 40 tuổi (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:21-23).

Sau khi trưởng thành, một ngày kia Môise đi ra ngoài cung điện và chứng kiến dân mình chịu cực khổ bởi lao động nặng nhọc. Khi ấy, trông thấy một người Êdíptô đánh một người Hêbơrơ, Môise đã phẫn nộ và lỡ giết người Êdíptô ấy. Pharaôn hay biết chuyện Môise giết chết người Êdíptô, nên định tìm giết người đi, nhưng Môise đã trốn qua xứ Mađian. Môise đi Mađian và kết hôn với Sêphôra, con gái của Rêuên là thầy tế lễ, rồi ở lại nơi đó.

Môise trở thành người chăn chiên cho cha vợ mình. Một ngày nọ, Môise dẫn bầy chiên mà đến Hôrếp, là núi của Đức Chúa Trời (Xuất Êdíptô Ký 3:1). Tại nơi đó, Môise phát hiện một bụi gai đương cháy nhưng không hề tàn, nên đã tiến lại gần để xem kỹ quang cảnh kỳ lạ này. Khi ấy Đức Chúa Trời từ trong bụi gai phán với Môise. Ngài đã nghe tiếng kêu van và thấy sự khổ cực của dân Ngài ở Êdíptô, và giao phó cho Môise sứ mệnh dẫn dắt con cháu Ysơraên ra khỏi Êdíptô. Ban đầu, Môise đã khó tiếp nhận sứ mệnh mà Đức Chúa Trời ban cho. Tuy nhiên, ngay khi Môise nhận biết năng lực và sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, ông đã vâng phục lời của Ngài và từ giã ông gia mình, rồi lên đường đến Êdíptô cùng với gia đình. Vào lúc đó, Môise được 80 tuổi (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:30-34).

Mười tai ương và Lễ Vượt Qua

Môise cùng với Arôn anh mình đi đến Pharaôn và truyền lời rằng “Giêhôva, Ðức Chúa Trời của dân Ysơraên phán rằng hãy cho dân Ysơraên đi.” Pharaôn đã từ chối mà rằng “Giêhôva là ai mà trẫm phải vâng lời người?” Môise và Arôn lại yêu cầu một lần nữa, nhưng đối lại Pharaôn càng tăng thêm công việc nặng nhọc cho người Hêbơrơ. Bị rơi vào cảnh khốn cùng, dân Ysơraên oán trách Môise và Arôn. Lúc này, Môise kêu than lên Đức Chúa Trời rằng từ khi tìm đến Pharaôn và truyền lời của Đức Chúa Trời thì Pharaôn lại càng ngược đãi người dân Ysơraên hơn nữa.

Đức Chúa Trời lần lượt giáng mười tai vạ lớn xuống Êdíptô. Các tai vạ giáng xuống khắp xứ Êdíptô, bắt đầu từ tai vạ thứ nhất là nước sông hóa thành huyết, kế đến là tai vạ ếch nhái, tai vạ muỗi, tai vạ ruồi mòng, tai vạ súc vật đều chết vì dịch lệ, tai vạ da thịt bị ghẻ chốc, tai vạ mưa đá, tai vạ châu chấu, tai vạ sự tối tăm. Tuy nhiên, tại Gôsen mà người dân Ysơraên sống, đã không có tai nạn nào giáng xuống. Mỗi khi tai vạ giáng xuống, Môise và Arôn tìm đến Pharaôn và yêu cầu thả người dân Ysơraên đi. Mỗi khi ấy, Pharaôn không chịu nổi khổ sở nên hứa rằng sẽ để cho dân Ysơraên đi, nhưng khi tai vạ ngừng lại thì lòng vua càng trở nên cứng cỏi hơn và phá vỡ lời hứa.

Tai vạ thứ mười là tai vạ hủy diệt con đầu lòng. Đức Chúa Trời đã gọi Môise và Arôn đến, để cho biết phương pháp được bảo hộ khỏi tai vạ. Đó chính là giữ Lễ Vượt Qua. Đức Chúa Trời phán rằng nhà nào có bôi huyết của chiên con Lễ Vượt Qua thì huyết ấy trở thành dấu hiệu và tai vạ sẽ vượt qua nhà đó. Môise gọi các trưởng lão Ysơraên đến và thuật lại cho họ mọi lời Đức Chúa Trời đã phán dặn, còn dân sự đã làm theo y như lời của Đức Chúa Trời.

Trong đêm Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Trời hủy diệt hết thảy con trưởng nam của người Êdíptô cùng con đầu lòng của súc vật, có tiếng kêu khóc inh ỏi trong khắp xứ Êdíptô. Pharaôn không thể chịu đựng thêm nữa, trong đêm đó cho gọi Môise cùng Arôn đến và phán rằng hãy dẫn hết thảy dân Ysơraên, kể cả gia súc ra khỏi đó mà đi hầu việc Đức Chúa Trời. Người dân Êdíptô cũng thúc giục người dân Ysơraên mau ra khỏi. Môise và người dân Ysơraên kết thúc cuộc sống nô lệ lâu dài vào ngày 15 tháng 1, tức là ngày hôm sau của Lễ Vượt Qua, và cuối cùng họ đã ra khỏi xứ Êdíptô (Dân Số Ký 33:3). Đức Chúa Trời phán dặn người dân Ysơraên phải giữ Lễ Vượt Qua trải qua mọi đời như một lệ định đời đời, vì ấy là ngày quyền năng mà Ngài đã giải phóng cho họ khỏi kiếp sống nô lệ (Xuất Êdíptô Ký 12:1-14). Ngài cũng định ra Lễ Bánh Không Men làm lễ trọng thể để họ ghi nhớ sự khổ nạn từ ngày hôm sau Lễ Vượt Qua đến tận khi đi lên khỏi Biển Đỏ.

Kỳ tích Biển Đỏ và ban bố Mười Điều Răn

Sau khi ra khỏi xứ Êdíptô, người dân Ysơraên đã đến ngay trước Biển Đỏ (Xuất Êdíptô Ký 14:1-2). Pharaôn thay đổi tấm lòng, liền chỉ đạo hết thảy binh xa và quân đội của Êdíptô để đuổi theo họ. Dân sự hãi hùng bèn kêu khóc lên Đức Chúa Trời và oán trách Môise. Khi ấy, Môise giơ tay ra trên biển theo lệnh của Đức Chúa Trời, nước bèn phân rẽ ra và biển trở nên đất khô. Dân sự đi ngang qua biển suốt đêm, còn nước biển làm thành một tấm vách ngăn bên hữu và bên tả.

Đến sớm mai, người dân Ysơraên đi ngang qua biển và lên đến đất liền phía bên kia một cách bình an vô sự. Môise lại giơ tay trên biển theo lời của Đức Chúa Trời, nước biển trở lại trạng thái như ban đầu. Quân đội của Pharaôn đuổi theo dân Ysơraên xuống biển đều bị chôn vùi hết thảy. Trông thấy năng lực đáng ngạc nhiên của Đức Chúa Trời, người dân bắt đầu kính sợ Đức Chúa Trời và tin vào Môise, họ đã dâng cảm tạ và vinh hiển lên Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời quy định ngày lên khỏi Biển Đỏ là Lễ Trái Đầu Mùa và khiến họ kỷ niệm hàng năm.

Ngày 15 tháng 2 thánh lịch, tức là 1 tháng kể từ khi ra khỏi Êdíptô, người dân Ysơraên đi đến đồng vắng Sin nằm giữa Êlim và núi Sinai. Vừa khi hết lương thực, dân sự lại lằm bằm với Môise và Arôn rằng hai người khiến cho họ phải chết đói nơi đồng vắng. Lúc này, Đức Chúa Trời ban cho mana từ trên trời xuống. Vào ngày thứ sáu, Ngài ban cho gấp đôi mana để sắm sẵn cho ngày thứ bảy Sabát.

Vào ngày 1 tháng 3 thánh lịch, tức là ngày thứ 40 từ khi lên khỏi Biển Đỏ, dân Ysơraên đến đồng vắng Sinai, và đóng trại đối diện núi Sinai. Môise lên núi Sinai theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Đến ngày thứ ba kể từ hôm đó, Đức Chúa Trời giáng lâm trên núi Sinai giữa ngọn lửa và tuyên bố Mười Điều Răn. Dân sự thấy chớp nhoáng, tiếng kèn thổi, núi ra khói thì run rẩy. Dân sự lo sợ rằng họ sẽ chết nếu nghe giọng tiếng của Đức Chúa Trời, nên đã đề nghị Môise truyền đạt lại lời của Đức Chúa Trời cho họ. Vì thế, Đức Chúa Trời cho dân sự trở về trại mình và gọi Môise đến, rồi lập ra mọi mạng lịnh, luật lệ và phép đạo bao gồm lễ trọng thể của 3 kỳ. Ngài phán rằng hãy dạy cho dân sự và khiến họ phải làm theo.

Khi Môise trở lại và thuật cho họ mọi lời Đức Chúa Trời đã phán, dân sự đều đồng thanh đáp rằng sẽ vâng làm theo lời phán của Ngài. Sáng hôm sau, Môise lập bàn thờ nơi chân núi, rồi dâng của lễ thiêu và của lễ thù ân lên Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời gọi Môise lên núi Sinai lần nữa và phán rằng Ngài sẽ ban cho bảng đá mà đích thân Ngài đã viết Mười Điều Răn, tức là điều răn và luật pháp đặng dạy dân sự. Ngày thứ 50 kể từ khi vượt qua Biển Đỏ, Môise đi lên núi. Mây che phủ núi, sự vinh quang của Đức Chúa Trời ở trên núi. Môise ở trên núi Sinai trong 40 ngày (Xuất Êdíptô Ký 24:18). Đức Chúa Trời chỉ cho Môise thấy cấu tạo và kích thước của nơi thánh, rồi phán lệnh hãy dựng nên nơi thánh theo y như Ngài đã chỉ cho (Xuất Êdíptô Ký 25:1-9). Và Ngài ban cho Môise hai bảng chứng mà đích thân Ngài viết ra. Ngày mà Môise đi lên núi Sinai để nhận Mười Điều Răn là nguồn gốc của Lễ Bảy Tuần Lễ.

Thờ lạy hình tượng con bò vàng và công việc dựng nên đền tạm

Khi Môise ở trên núi suốt 40 ngày mà chưa xuống, dân sự đã làm ra và thờ lạy hình tượng bò con vàng. Môise trông thấy cảnh tượng ấy khi từ trên núi trở xuống, bèn nổi giận mà liệng hai bảng đá Mười Điều Răn, làm bể ra nơi chân núi. Khi dân sự hành động buông lung, Môise ra lệnh cho con cháu Lêvi giết những kẻ hầu việc hình tượng bò con vàng. Trong ngày đó, khoảng 3.000 người bị chết.

Môise thay mặt cho dân sự hối cải tội lỗi và cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ. Còn dân sự thì buồn rầu, cất hết đồ trang sức trong mình, ra ngoài trại quân sau khi đã làm tinh sạch lòng mình, và thờ lạy Đức Chúa Trời. Môise dựng hội mạc xa ra ngoài trại quân và cầu khẩn Đức Chúa Trời ở cùng với dân sự. Nhờ cầu nguyện khẩn thiết của Môise, Đức Chúa Trời phán rằng hãy đục hai bảng đá như hai bảng trước và lên núi Sinai. Ngày 1 tháng 6 thánh lịch, Môise cầm hai bảng đá đi lên núi Sinai, Đức Chúa Trời chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là Mười Điều Răn mà Ngài đã ghi chép trên hai bảng trước. Trải qua 40 ngày, vào ngày 10 tháng 7, Môise cầm lấy Mười Điều Răn xuống núi, và truyền lại cho dân Ysơraên mọi lời Đức Chúa Trời đã phán (Xuất Êdíptô Ký 34:32). Đức Chúa Trời đã quy định ngày Môise nhận lấy Mười Điều Răn lần thứ hai là Đại Lễ Chuộc Tội, và chọn ngày 1 tháng 7, tức là 10 ngày trước đó làm Lễ Kèn Thổi.

Sau đó, Môise bắt đầu dựng nên đền tạm để bảo quản Mười Điều Răn như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn. Sau khi nhóm lại người dân Ysơraên, Môise nói rằng cần có các lễ vật đa dạng để dựng nên đền tạm và những người khôn ngoan để làm nơi thánh và các khí dụng. Khi ấy, những người có lòng cảm động cùng những người tình nguyện đều vui mừng đem đến lễ vật (Xuất Êdíptô Ký 35:1-29). Trong khoảng một tuần, dân sự đã dốc hết nỗ lực đem đến nguyên vật liệu đền tạm. Môise lập Bếtsalêên và Ôhôliáp làm người phụ trách xây dựng đền tạm, còn hết thảy những người tình nguyện đều tham gia vào việc xây dựng. Đức Chúa Trời đã định ra Lễ Lều Tạm và hầu cho giữ lễ ấy nhằm kỷ niệm công việc nhóm lại các nguyên vật liệu để dựng nên đền tạm. Ngày 1 tháng 1 năm sau, đền tạm được hoàn thành, áng mây bao phủ phía trên và vinh hiển của Đức Chúa Trời đầy dẫy đền tạm.

Vào buổi chiều tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch năm đó, dân Ysơraên giữ Lễ Vượt Qua tại đồng vắng Sinai theo lời của Đức Chúa Trời. Ngày 1 tháng 2, Đức Chúa Trời phán lệnh cho Môise điều tra dân số (Dân Số Ký 1:1-2).

Sau khi do thám xứ Canaan

Môise và dân Ysơraên đi đến đóng trại tại Cađe Banêsa nơi đồng vắng Pharan (Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:19). Tại đây, Môise chọn 12 người mỗi chi phái một người, và sai đi do thám xứ Canaan theo lời của Đức Chúa Trời. Sau khi do thám xứ Canaan trong 40 ngày rồi trở về, mười người trong số những người đi do thám đã phê bình vùng đất ấy mà nói rằng dân sự trong xứ ấy quá mạnh nên dân Ysơraên không thể nào thắng được dân ấy. Dân sự ngã lòng bèn cất tiếng khóc lóc trong đêm đó, rồi lằm bằm cùng Môise và Arôn. Giôsuê và Calép – hai người trong bọn đi do thám xứ bèn xé quần áo mình, kêu lên rằng vì Đức Chúa Trời ở cùng nên Ngài sẽ ban cho xứ ấy và dân Canaan chỉ là đồ nuôi của dân mình. Song, dân sự chìm trong nỗi sợ hãi, không chịu nghe những lời ấy và định ném đá Giôsuê và Calép. Đức Chúa Trời nổi cơn giận phừng, Ngài trách mắng dân sự và phán rằng, hết thảy nam đinh từ hai mươi tuổi sắp lên, là những kẻ đã lằm bằm cùng Đức Chúa Trời thì chẳng hề được vào xứ hứa, chỉ ngoại trừ Giôsuê và Calép. Sau đó dân Ysơraên đi lang thang trên đồng vắng.

Côrê thuộc chi phái Lêvi cùng với Ðathan, Abiram và Ôn trong chi phái Rubên tham muốn chức thầy tế lễ nên đã lập bè đảng cùng với 250 quan trưởng, hiệp nhau dấy nghịch với Môise và Arôn (Dân Số Ký 16:1-2). Môise đã quở trách họ rằng cớ sao họ coi chức phận của mình là nhỏ mọn, lại tham muốn chức tế lễ mà phản nghịch Đức Chúa Trời, nhưng họ không nghe lời người. Hậu quả ấy là đất bèn nuốt họ, gia quyến và hết thảy phe Côrê cùng tài sản của chúng nó. Kể cả 250 quan trưởng cũng bị tiêu diệt bởi ngọn lửa của Đức Chúa Trời. Qua ngày hôm sau, dân sự kéo đến gặp Môise và Arôn, họ lằm bằm rằng hai người đã làm chết dân của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phẫn nộ, giáng xuống tai vạ, 14.700 người bị chết bởi tai vạ này.

Dân Ysơraên lại đi đến đồng vắng Xin, và dừng lại tại Cađe (Dân Số Ký 20:1, 33:36-37). Vì ở nơi đó không có nước uống, dân sự lại kéo đến đối nghịch với Môise và Arôn. Đức Chúa Trời phán cùng Môise và Arôn rằng “Hãy đập hòn đá bằng cây gậy và khiến nước chảy từ hòn đá ra.” Môise và Arôn nhóm dân sự đến trước hòn đá, và nói rằng “Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe. Chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá này ra cho các ngươi được sao?” Môise đập hòn đá hai lần bằng cây gậy. Nước từ hòn đá bèn chảy tràn ra nhiều, dân sự và súc vật có thể uống nước. Nhưng câu nói này là một sự sai lầm của Môise. Đấng khiến nước chảy ra từ hòn đá là Đức Chúa Trời, nhưng Môise bị mắc vào sự lằm bằm của dân sự nên đã nói ra lời ấy như thể chính mình là người ban cho nước ấy. Đức Chúa Trời phán với Môise và Arôn rằng “Vì hai ngươi không tôn Ta nên thánh trước mặt dân sự, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng này vào xứ mà Ta đã cho nó đâu.”

Sự kiện con rắn đồng và thập tự giá

Dân Ysơraên rời khỏi núi Hôrơ, buộc phải đi vòng qua xứ Êđôm và trở lại xa hơn, vì vua Êđôm không cho họ đi ngang qua xứ mình. Khi ấy, dân sự bị ngã lòng nên lại nói nghịch Đức Chúa Trời và Môise (Dân Số Ký 21:4-5). Bởi vậy, Đức Chúa Trời sai con rắn lửa đến cắn dân sự, và nhiều người dân bắt đầu bị chết.

Dân sự đến cùng Môise mà nói rằng “Chúng tôi có phạm tội, vì đã nói nghịch Đức Chúa Trời và người. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời để Ngài khiến rắn lìa xa chúng tôi.” Khi Môise cầu khẩn cho dân sự thì Đức Chúa Trời phán rằng “Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó trên một cây sào. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống.” Môise làm một con rắn đồng theo lời phán của Đức Chúa Trời, rồi treo nó lên cây sào, những người bị rắn cắn đã nhìn con rắn đồng và được sống.

Con gái của dân Môáp đã cám dỗ dân Ysơraên đương ở tại Sitim và khiến cho họ phạm tội tà dâm. Rồi khi dân Môáp cúng thờ các thần mình thì mời dân Ysơraên đến cùng ăn đồ cúng, khiến dân sự cúi lạy các thần ấy và tôn kính Baanh Phêô, tức là tôn kính hình tượng.

Bởi đó, Đức Chúa Trời nổi cơn thịnh nộ giáng dịch bệnh cho dân Ysơraên, có rất nhiều người chết vì tai vạ ấy. Môise gọi các quan án Ysơraên mà nói rằng hãy giết hết những người thuộc về bọn Baanh Phêo, còn dân sự thì nhóm tại cửa hội mạc khóc lóc. Khi ấy, một người trong tông tộc thuộc chi phái Simêôn dẫn một người nữ Mađian đi vào trại mình trước mặt Môise và cả hội chúng đều xem thấy. Phinêa – con trai của Êlêasa, cháu của thầy tế lễ Arôn đã phẫn nộ nên cầm cây giáo xông vào trại và giết họ, tai vạ bèn dừng lại. Có 24.000 người chết về tai vạ này. Sau khi tai vạ dừng lại, Đức Chúa Trời phán với Môise và thầy tế lễ Êlêasa tại đồng bằng Môáp rằng hãy điều tra dân số lần nữa (Dân Số Ký 26:1-2). Đó là điều tra dân số lần thứ hai sau khoảng 40 năm khi điều tra dân số ở đồng vắng Sinai.

Sự qua đời của Môise

Sau khi trải qua cuộc sống đồng vắng khoảng 40 năm, Đức Chúa Trời phán với Môise rằng hãy lên núi Nêbô và nhìn xem xứ mà Ngài ban cho dòng dõi của Ysơraên. Rồi Ngài phán rằng Môise sẽ không thể vào xứ hứa vì tại Cađe trong đồng vắng Xin, khi dân sự lằm bằm rằng không có nước, Môise đã không bày tỏ sự chí thánh của Đức Chúa Trời. Ngài cũng phán rằng hãy dẫn Giôsuê, con trai của Nun đến và đặt tay trên người để lập làm người dẫn dắt trước mặt dân sự. Môise cho gọi Giôsuê, con trai của Nun, và cùng với thầy tế lễ Êlêasa đặt tay lên Giôsuê, lập người làm người dẫn dắt dân sự theo lời của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời phán rằng Môise sẽ được về cùng tổ phụ sau khi đã báo thù dân Mađian, là dân đã khiến người Ysơraên rơi vào sự tà dâm và tôn kính hình tượng. Cứ mỗi chi phái, Môise chọn 1.000 lính, tổng cộng là 12.000 người sắm sửa binh khí đặng ra trận. Ysơraên đánh bại và tiêu diệt dân Mađian theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Khi đó, con cháu Rubên và con cháu Gát tìm đến Môise, Êlêasa và các quan trưởng và đề nghị chia cho họ vùng đất phía Đông sông Giôđanh. Lúc đầu Môise đã nổi giận khi nghe những lời này, nhưng họ nói rằng những nam đinh trong chi phái mình sẽ không trở về nhà mà sẽ cùng ra trận cho đến khi đã chiếm hết vùng phía Tây sông Giôđanh (xứ Canaan), vì vậy Môise đã chấp thuận lời đề nghị của họ.

Vào ngày 1 tháng 11 năm thứ 40 ra khỏi Êdíptô, Môise cùng dân Ysơraên tới đồng bằng Môáp ở phía Đông sông Giôđanh. Tại đây, Môise giảng đạo lần cuối cùng cho người dân Ysơraên (Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:5). Sau khi giải thích cho họ hành trình 40 năm từ khi ra khỏi Êdíptô cho tới khi đi đến tận nơi này, Môise nhắc nhở một lần nữa về sự thật rằng nguồn gốc của mọi sinh tử họa phúc đều ở nơi Đức Chúa Trời, nếu vâng phục thì được phước còn nếu không vâng phục thì bị rủa sả, và khuyên bảo họ hãy giữ gìn luật pháp của Ngài. Sau đó, Môise chúc phước cho con cháu Ysơraên, rồi đi lên núi Nêbô nhìn xem vùng đất hứa, người qua đời và được chôn trong thung lũng ở đó. Khi ấy, Môise 120 tuổi.

Nhận xét về Môise

Môise là “người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian” (Dân Số Ký 12:3). Ông đã thương tiếc cho người dân Ysơraên cho dù họ cứ hay lằm bằm và bất bình với mình. Ông đã cầu khẩn lên Đức Chúa Trời thay cho dân sự, và hiến thân để dẫn dắt họ đến xứ Canaan. Vì vậy, Kinh Thánh ghi chép rằng Môise là “người trung tín trong cả nhà Chúa như một kẻ tôi tớ (người hầu việc) (Hêbơrơ 3:5). Môise là đấng tiên tri duy nhất nói chuyện mặt đối mặt cùng Đức Chúa Trời, về sau trong Ysơraên không có đấng tiên tri như người nữa.

Môise cũng là một nhân vật biểu tượng cho Đấng Christ sẽ đến vào ngày sau (Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:17-18, Công Vụ Các Sứ Đồ 3:20-22). Công việc của Môise là hình và bóng cho thấy công việc mà Đức Chúa Jêsus Christ sẽ tiến hành. Điển hình như lịch sử treo con rắn đồng trong đồng vắng là lời tiên tri về việc Đức Chúa Jêsus bị treo trên thập tự giá (Giăng 3:14-15). 3 kỳ 7 lễ trọng thể được định ra theo công việc của Môise cũng là lời tiên tri về những công việc mà Đức Chúa Jêsus sẽ hoàn thành.

Bài viết liên quan
Trở lại

Site Map

사이트맵 전체보기