- Lý do lễ trọng thể của Đức Chúa Trời quan trọng
- Phân loại và tên gọi của 3 kỳ 7 lễ trọng thể (7 đại lễ)
- Lễ trọng thể Cựu Ước là lời tiên tri về công việc của Đức Chúa Jêsus trong thời đại Tân Ước
- Khởi nguyên của 7 lễ trọng thể (7 đại lễ) và sự ứng nghiệm lời tiên tri
- 1) Lễ Vượt Qua
- 2) Lễ Bánh Không Men
- 3) Lễ Trái Đầu Mùa (Lễ Phục Sinh)
- 4) Lễ Bảy Tuần (Lễ Ngũ Tuần)
- 5) Lễ Kèn Thổi
- 6) (Ðại) Lễ Chuộc Tội
- 7) Lễ Lều Tạm
Trong Kinh Thánh có xuất hiện 7 lễ trọng thể (7 đại lễ) mà Đức Chúa Trời đã phán lệnh cho người dân của Ngài phải giữ gìn. Nếu là thánh đồ mong muốn được gặp gỡ Đức Chúa Trời chân thật và nhận lãnh sự sống đời đời thì nhất định phải hiểu biết một cách đúng đắn và giữ gìn các lễ trọng thể này. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của 7 lễ trọng thể, và ý nghĩa tiên tri được chứa đựng trong mỗi lễ trọng thể ấy.
Lý do lễ trọng thể của Đức Chúa Trời quan trọng
Sở dĩ chúng ta cần hiểu biết tường tận và phải giữ gìn lễ trọng thể của Đức Chúa Trời là để nhận được sự tha tội và sự sống đời đời. Vào thời đại Cựu Ước, Đức Chúa Trời tiên tri rằng Ngài sẽ ngụ ở “Siôn” đời đời, và tại đó Ngài ban phước lành sự sống đến đời đời (Thi Thiên 132:13-14, 133:3). Siôn được nhắc tới ở đây không phải là thành Siôn được dựng nên bởi Đavít – vị vua thứ hai của Ysơraên, nhưng chỉ ra Siôn phần linh hồn được dựng nên bởi Đức Chúa Jêsus – là vua Đavít phần linh hồn. Siôn phần linh hồn này là nơi như thế nào?
“Hãy nhìn xem Siôn, là thành của các kỳ lễ trọng thể chúng ta!… Vì Ðức Giêhôva sẽ ở đó với chúng ta trong sự oai nghi… Kẻ ở trong nó sẽ được tha tội.” Êsai 33:20-22
Siôn thường xuyên được đề cập đến trong các lời tiên tri Kinh Thánh chính là nơi gìn giữ các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời. Ấy là nơi Đức Chúa Trời ở cùng, và có phước lành sự tha tội. Vì tiền công của tội lỗi là sự chết (Rôma 6:23), nên nếu nhận được sự tha tội rồi thì có thể được sống đời đời vì sự chết không còn nữa. Siôn như thế này được lập nên bởi chính Đức Chúa Trời (Thi Thiên 87:5, 102:16). Theo lời tiên tri, Đức Chúa Jêsus đã xây dựng Siôn bởi lễ trọng thể của giao ước mới như ngày Sabát, Lễ Vượt Qua, Lễ Lều Tạm v.v…, và hứa ban sự tha tội cùng sự sống đời đời (Luca 4:16, Mathiơ 26:17-28, Giăng 7:2,14).
Cho nên, bất cứ ai muốn nhận được sự cứu rỗi thì nhất định phải tìm kiếm được “Siôn”, là Hội Thánh giữ gìn lễ trọng thể của Đức Chúa Trời. Muốn vậy thì trước tiên cần phải tìm hiểu cụ thể về lễ trọng thể của Đức Chúa Trời.
Phân loại và tên gọi của 3 kỳ 7 lễ trọng thể (7 đại lễ)
Lễ trọng thể mà Đức Chúa Trời phán lệnh phải giữ gìn gồm có những lễ nào? Kinh Thánh cho biết có các lễ trọng thể trong 3 kỳ mà người dân của Đức Chúa Trời phải giữ hàng năm.
“Mọi người nam trong các ngươi, mỗi năm ba lần, phải ra mắt Giêhôva Ðức Chúa Trời ngươi, tại nơi mà Ngài sẽ chọn: tức là nhằm lễ bánh không men, lễ bảy tuần và lễ lều tạm; người ta chẳng nên đi tay không ra mắt Ðức Giêhôva. Mỗi người sẽ dâng tùy theo của mình có, tùy theo phước mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi.” Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16-17
Như vậy, lễ trọng thể của Đức Chúa Trời có 3 kỳ lễ trong một năm tức là Lễ Bánh Không Men, Lễ Bảy Tuần và Lễ Lều Tạm (II Sử Ký 8:13). Trong đó, Lễ Bảy Tuần cũng được gọi là Lễ Mùa Màng, và Lễ Lều Tạm còn gọi là Lễ Mùa Gặt (Xuất Êdíptô Ký 23:14-17, 34:18-23).
Dù được gọi là 3 kỳ lễ nhưng không phải chỉ có 3 lễ trọng thể, nếu phân loại một cách chi tiết thì có tất thảy 7 lễ trọng thể (Lêvi Ký chương 23). 3 kỳ lễ trọng thể được gọi theo tên của lễ trọng thể đại diện khi chia 7 lễ trọng thể thành 3 kỳ lớn. Cho nên được gọi là “3 kỳ 7 lễ trọng thể”. Tên gọi của 7 lễ trọng thể trong 3 kỳ như sau.
- Lễ trọng thể kỳ 1: Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men
- Lễ trọng thể kỳ 2: Lễ Trái Đầu Mùa, Lễ Bảy Tuần
- Lễ trọng thể kỳ 3: Lễ Kèn Thổi, Lễ Chuộc Tội, Lễ Lều Tạm
Lễ trọng thể Cựu Ước là lời tiên tri về công việc của Đức Chúa Jêsus trong thời đại Tân Ước
Đức Chúa Trời đã định ra lễ trọng thể tùy theo công việc mà Môise đã làm từ khi ra khỏi xứ Êdíptô cho đến khi dựng nên đền tạm. Điều này không đơn thuần chỉ là lịch sử đã qua, nhưng là lời tiên tri về công việc mà Đức Chúa Jêsus sẽ làm trong tương lai.
“Ta sẽ lập lên cho chúng một đấng tiên tri như ngươi (Môise), thuộc trong anh em chúng, ta sẽ lấy các lời ta để trong miệng người…” Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:18-19
“Môise có nói rằng: Chúa là Ðức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một Ðấng tiên tri như ta (Môise)… Hết thảy các tiên tri đã phán, từ Samuên và các đấng nối theo người, cũng đều có rao truyền những ngày nầy nữa (khi Đức Chúa Jêsus xuất hiện).” Công Vụ Các Sứ Đồ 3:22-24
Đức Chúa Jêsus đã đến với tư cách là “Đấng tiên tri như Môise”. Lời này nghĩa là công việc Môise đã làm trong thời đại Cựu Ước là hình bóng cho thấy công việc mà Đức Chúa Jêsus sẽ làm vào thời đại Tân Ước. Vì vậy, công việc của Môise thể hiện trong mỗi lễ trọng thể là lời tiên tri cho thấy trước công cuộc cứu rỗi của Đức Chúa Jêsus.
Khởi nguyên của 7 lễ trọng thể (7 đại lễ) và sự ứng nghiệm lời tiên tri
Khởi nguyên của 7 lễ trọng thể (7 đại lễ) được định ra tùy theo công việc của Môise trong thời đại Cựu Ước và sự ứng nghiệm lời tiên tri như sau.
1) Lễ Vượt Qua
- Ngày tháng: Buổi chiều tối, ngày 14 tháng 1 (Nisan) thánh lịch
- Khởi nguyên: Giải phóng người dân Ysơraên đương làm nô lệ tại xứ Êdíptô (Xuất Êdíptô Ký 12:1-14).
- Lời hứa: Sự tha tội, sự sống đời đời, vượt qua tai vạ, xét đoán các thần khác, ấn của Ðức Chúa Trời
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Lịch sử người dân Ysơraên bị làm nô lệ tại xứ Êdíptô là hình bóng cho thấy loài người bị trở thành nô lệ của tội lỗi về phần linh hồn trên thế gian tội ác (Giăng 8:32-34). Thông qua Môise, người dân Ysơraên đã được giải phóng khỏi xứ Êdíptô nhờ giữ gìn Lễ Vượt Qua bằng thịt và huyết của chiên con. Điều này cho thấy lời tiên tri rằng người dân của Đức Chúa Trời sẽ được giải phóng khỏi thế gian tội ác nhờ giữ gìn Lễ Vượt Qua thông qua Đức Chúa Jêsus Christ. Đức Chúa Jêsus là thực thể của chiên con Lễ Vượt Qua (I Côrinhtô 5:7), vào ngày này, Ngài đã lập ra giao ước mới, ban phước lành sự tha tội và sự sống đời đời bởi bánh và rượu nho tượng trưng cho thịt và huyết Ngài (Mathiơ 26:17-28, Luca 22:7-20).
2) Lễ Bánh Không Men
- Ngày tháng: Ngày 15 tháng 1 thánh lịch
- Khởi nguyên: Ngày 15 tháng 1 thánh lịch, khởi hành từ Ramse, chịu khổ nạn cho đến khi vượt qua Biển Đỏ trong tình huống bị quân đội Êdíptô đuổi theo.
- Lời hứa: Được trọn vẹn thông qua sự hoạn nạn. Được chép rằng Nước Thiên Đàng là của những người chịu khổ nạn vì Đấng Christ (Mathiơ 5:10).
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Vào thời đại Cựu Ước, người dân Ysơraên đã giữ Lễ Bánh Không Men bằng cách ăn bánh không men trong vòng 7 ngày để ghi nhớ sự hoạn nạn từ ngày hôm sau Lễ Vượt Qua cho đến khi lên khỏi Biển Đỏ (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:3, Lêvi Ký 23:5-6). Đức Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm lời tiên tri bởi việc Ngài chịu thống khổ vì bị treo trên thập tự giá suốt 6 tiếng từ 9 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, để gánh vác thay tội lỗi của nhân loại. Vào thời đại Tân Ước, chúng ta đồng tham vào khổ nạn của Đấng Christ bằng cách kiêng ăn vào ngày này (Mác 2:20).
3) Lễ Trái Đầu Mùa (Lễ Phục Sinh)
- Ngày tháng: Ngày hôm sau ngày Sabát đầu tiên (Chủ nhật đầu tiên) sau Lễ Bánh Không Men
- Khởi nguyên: Lên khỏi Biển Đỏ, quân đội Êdíptô đuổi theo phía sau bị toàn diệt.
- Lời hứa: Sự phục sinh
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Việc Môise dẫn dắt người dân Ysơraên đi xuống Biển Ðỏ biểu tượng cho sự Ðức Chúa Jêsus đi xuống mồ, còn việc đi lên khỏi Biển Ðỏ biểu tượng cho sự Đức Chúa Jêsus sẽ phục sinh khỏi mồ. Vào thời đại Cựu Ước, người dân đã dâng lên Đức Chúa Trời bó lúa mì chín đầu mùa vào hôm sau ngày Sabát đầu tiên (Chủ nhật) sau Lễ Bánh Không Men. Giống như vậy, Đức Chúa Jêsus cũng trở thành trái đầu mùa của những kẻ ngủ và đã phục sinh vào Chủ nhật (I Côrinhtô 15:20).
4) Lễ Bảy Tuần (Lễ Ngũ Tuần)
- Ngày tháng: Ngày thứ 50 kể từ Lễ Trái Ðầu Mùa
- Khởi nguyên: Ngày Môise đi lên núi để nhận hai bảng đá Mười Điều Răn lần thứ nhất.
- Lời hứa: Thánh Linh mưa đầu mùa
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Ðức Chúa Jêsus đổ xuống Thánh Linh vào Lễ Ngũ Tuần, là ngày thứ 50 kể từ ngày Ngài phục sinh, bởi đó Hội Thánh sơ khai đã được thịnh vượng (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-4).
5) Lễ Kèn Thổi
- Ngày tháng: Ngày 1 tháng 7 thánh lịch
- Khởi nguyên: Người dân Ysơraên đã phạm tội thờ lạy bò con vàng khi Môise đi lên núi Sinai để nhận hai bảng đá Mười Điều Răn lần thứ nhất rồi ở lại đó trong suốt 40 ngày. Trông thấy cảnh tượng ấy, Môise đã liệng bể hai bảng đá Mười Điều Răn mà mình đã đem xuống, có 3 nghìn người trong dân sự bị chết vì tai vạ (Xuất Êdíptô Ký 32:1-28). Sau đó, người dân hối cải tội lỗi cùng cất hết đồ trang sức, và Môise đã được nhận hai bảng đá Mười Điều Răn lần thứ hai vào ngày 10 tháng 7 thánh lịch sau khi cầu nguyện cho dân sự (Xuất Êdíptô Ký 34:4-35). Điều này nghĩa là Đức Chúa Trời đã tha thứ tội lỗi cho họ. Vì thế, Ngài đã lấy ngày Môise nhận Mười Điều Răn lần thứ hai mà định ra ngày Đại Lễ Chuộc Tội, và quy định Lễ Kèn Thổi trước đó 10 ngày để thổi lên tiếng kèn hối cải hầu cho chuẩn bị Đại Lễ Chuộc Tội.
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Lịch sử người dân Ysơraên trở nên hư hỏng mà thờ lạy con bò vàng khi thấy Môise lên núi chậm xuống là lời tiên tri về việc vào thời đại Tân Ước Hội Thánh bị hư hỏng mà giữ các ngày của thần mặt trời khi thời gian trôi qua, sau khi Đức Chúa Jêsus rời khỏi thế gian. Giống như việc thổi lên tiếng kèn để thông báo ngày Đại Lễ Chuộc Tội, William Miller đã dấy lên phong trào Đức Chúa Jêsus Tái Lâm trong suốt 10 năm kêu gọi sự hối cải.
6) (Ðại) Lễ Chuộc Tội
- Ngày tháng: Ngày 10 tháng 7 thánh lịch
- Khởi nguyên: Ngày Môise xuống núi sau khi nhận được bảng đá Mười Điều Răn lần thứ hai. Với ý nghĩa là người dân Ysơraên được tha thứ tội lỗi thờ lạy hình tượng con bò vàng.
- Lời hứa: Sự tha tội
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Giống như dân Ysơraên được ban lại Mười Điều Răn vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội sau khi hối cải, một phần lẽ thật đã bắt đầu được khôi phục lại vào ngày 22 tháng 10 năm 1844 (ngày 10 tháng 7 thánh lịch). Hơn nữa, vào Đại Lễ Chuộc Tội của Cựu Ước, thầy tế lễ thượng phẩm thực hiện nghi thức xưng hết thảy mọi tội lỗi của dân sự lên con dê Axasên rồi thả nó ra nơi đồng vắng. Đây là lời tiên tri rằng Satan – được biểu tượng bởi con dê Axasên sẽ gánh vác hết thảy tội lỗi của loài người, sẽ bị bắt vào vực sâu và bị quăng vào hồ lửa địa ngục.
7) Lễ Lều Tạm
- Ngày tháng: Ngày 15 đến ngày 22 tháng 7 thánh lịch
- Khởi nguyên: Sau khi nhận lấy Mười Điều Răn lần thứ hai trở xuống, Môise đã rao truyền cho dân Ysơraên ý muốn của Đức Chúa Trời về việc dựng nên đền tạm. Lúc này người dân đã đem đến nguyên vật liệu đền tạm dư bội phần (Xuất Êdíptô Ký 36:3-5).
- Lời hứa: Truyền đạo nhóm lại người dân của Đức Chúa Trời, Thánh Linh mưa cuối mùa (Giăng 7:37, Xachari 14:16-18)
- Ứng nghiệm lời tiên tri: Trong Lễ Lều Tạm có luật lệ người dân làm nên nhà lều bằng nhánh cây rậm và ở trong nhà lều. Hết thảy nguyên vật liệu nơi thánh và nhánh cây đều tượng trưng cho các thánh đồ sẽ được nhận sự cứu rỗi (Khải Huyền 3:12, Êphêsô 2:20-22, Êsai 60:21, 61:3), vì vậy Lễ Lều Tạm sẽ được ứng nghiệm bởi công việc Tin Lành nhóm lại các thánh đồ sẽ được nhận sự cứu rỗi.