Ngày nay, dù có nhiều người tin vào Đức Chúa Jêsus Christ nhưng không thể tìm được Cơ Đốc nhân nào gìn giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới mà Đức Chúa Jêsus đã lập ra bởi huyết Ngài. Ấy là vì Lễ Vượt Qua đã bị xóa bỏ tại Công đồng Nicaea năm 325 SCN. Công đồng Nicaea được triệu tập bởi sự chủ trì của hoàng đế Constantine đã ghi một dấu ấn lớn trong lịch sử Hội Thánh và lịch sử thế giới như là hội nghị tôn giáo đầu tiên trên thế giới được tổ chức vào thời điểm ấy.
Đức Chúa Jêsus đã phán rằng “Ta rất muốn ăn Lễ Vượt Qua nầy với các ngươi trước khi Ta chịu đau đớn.” và khẩn thiết dặn dò về việc giữ gìn Lễ Vượt Qua. Vậy, vì sao Lễ Vượt Qua giao ước mới này đã bị biết mất và biến mất như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu điều này dựa trên lịch sử Hội Thánh.
Lẽ thật Lễ Vượt Qua giao ước mới bị biến đổi
Đức Chúa Jêsus giữ lễ tiệc thánh vào Lễ Vượt Qua (buổi tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch, Thứ Năm) và Ngài đã qua đời trên thập tự giá vào ngày hôm sau – là Lễ Bánh Không Men (ngày 15 tháng 1 thánh lịch, Thứ Sáu). Rồi Ngài đã phục sinh vào ngày thứ nhất (Chủ nhật) – là hôm sau ngày Sabát đến ngay sau Lễ Bánh Không Men. Tức là, Lễ Phục Sinh là ngày Chủ nhật đầu tiên sau Lễ Bánh Không Men, là ngày hoàn toàn khác với Lễ Vượt Qua mà Đức Chúa Jêsus đã giữ trước khi chịu khổ nạn (Luca 22:15).
Hội Thánh sơ khai đã cử hành lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua – là ngày kỷ niệm sự chết của Đấng Christ vào buổi tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch theo chúc thơ của Đấng Christ (I Côrinhtô 5:7, 11:23-26). Vào ngày 15 – tức là ngày hôm sau, họ giữ Lễ Bánh Không Men và kiêng ăn (Mác 2:19-20), rồi vào Chủ nhật đầu tiên sau Lễ Bánh Không Men, họ bẻ bánh và giữ Lễ Phục Sinh (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:6-7, Luca 24:30-31). Thế nhưng, sau khi các sứ đồ qua đời thì lẽ thật giao ước mới như thế này đã dần bị biến đổi.
Hội thánh La Mã ở La Mã được gọi là “thủ đô của thế giới” lúc bấy giờ, bắt đầu hành xử có sức ảnh hưởng đến các Hội Thánh lân cận khi sự gia nhập đạo của tầng lớp trung lưu và quý tộc dần tăng lên, khác với thời kỳ đầu các tín đồ chủ yếu thuộc tầng lớp hạ lưu như nô lệ. Thế rồi, hội thánh La Mã này đã xa rời sự dạy dỗ của Đấng Christ, họ từ chối việc giữ lễ tiệc thánh vào Lễ Vượt Qua và làm ra phong tục cử hành nghi thức tiệc thánh vào Chủ nhật (Lễ Phục sinh) sau Lễ Vượt Qua. Bất chấp việc lễ tiệc thánh là nghi thức kỷ niệm sự chết chứ không phải kỷ niệm sự phục sinh của Đấng Christ (I Côrinhtô 11:26), họ đã hợp nhất hai lễ trọng thể khác nhau là Lễ Vượt Qua và Lễ Phục Sinh thành một lễ trọng thể.
Tranh luận lần thứ nhất về Lễ Vượt Qua
Truyền thống mới của hội thánh phương Tây có trung tâm là La Mã đã gây xung đột với Hội Thánh phương Đông vốn giữ lễ tiệc thánh vào buổi tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch từ thời Đức Chúa Jêsus. Vào khoảng năm 155, đã xảy ra cuộc tranh luận giữa Anicetus – người lãnh đạo hội thánh La Mã và Polycap – quản đốc của Hội Thánh Simiệcnơ. Polycap là người từng được nhận sự dạy dỗ trực tiếp từ sứ đồ Giăng – môn đồ của Đức Chúa Jêsus, nói rằng bản thân mình cùng với các sứ đồ đã giữ Lễ Vượt Qua hằng năm, tức là ngày 14 tháng 1 (Nisan) thánh lịch và nhấn mạnh rằng cử hành nghi thức tiệc thánh vào Lễ Vượt Qua là sự được truyền lại từ thời Đức Chúa Jêsus. Song, hai bên đều không thể thuyết phục nhau.
“Song, đã có sự khác biệt giữa hội thánh Đông Tây phương. Ngày được coi là ngày quan trọng nhất ở Asi là ngày 14 tháng Nisan… và đã có thói quen cử hành lễ tiệc thánh cảm tạ (Eucharist). Song, hội thánh phương Tây đã tiếp tục kiêng ăn cho tới tận Chủ nhật đầu tiên sau ngày 14 tháng Nisan, rồi cử hành nghi thức tiệc thánh Lễ Vượt Qua… Vào năm 155, Polycap đã thảo luận về vấn đề này với Anicetus – là giáo hoàng La Mã, nhưng cả hai bên đều đã không thể thuyết phục được đối phương, nên đã thỏa thuận giữ ngày ấy theo cách khác nhau.” J.W.C. Wand, “Sử Hội Thánh (Tập 1)”, Dịch: Lee Jang Sik, Hội Văn thư Cơ Đốc giáo Đại Hàn, năm 2000, trang 121-122.
Tranh luận lần thứ hai về Lễ Vượt Qua
Cuộc tranh luận về Lễ Vượt Qua lại trỗi dậy lần nữa vào khoảng năm 197. Victor – quản đốc hội thánh La Mã (giáo hoàng ngày nay) lúc bấy giờ, đã chủ trương rằng việc cử hành nghi thức tiệc thánh vào Lễ Phục Sinh, tức là Chủ nhật đầu tiên sau Lễ Vượt Qua chứ không phải vào ngày Lễ Vượt Qua (buổi tối ngày 14 tháng 1 thánh lịch) là quy tắc Dominical (quy tắc của Chúa), và đã gây hỗn loạn bởi việc ép buộc các Hội Thánh làm theo. Mặc dù Đức Chúa Jêsus đã cử hành lễ tiệc thánh vào ngày 14 tháng Nisan, thế nhưng Victor lại khăng khăng nói rằng thói quen của La Mã cử hành nghi thức tiệc thánh vào Chủ nhật đến ngay sau Lễ Vượt Qua là quy tắc của Đức Chúa Jêsus.
“Giai đoạn quan trọng hơn trong cuộc tranh luận này đã xảy ra tại La Mã vào năm 197. Victor – giáo hoàng La Mã, người có quyền lực hơn Anicetus rất nhiều, đã làm ngưng lại mọi sự hỗn loạn, và ép buộc tất thảy mọi hội thánh phải tuân thủ quy tắc Dominical mà giữ Lễ Phục Sinh vào Chủ nhật. Đã có nhiều cuộc hội nghị được mở ra ở khắp nơi Đông Tây phương, mà kết quả ấy là khắp mọi nơi đều tuân thủ quy tắc Dominical, ngoại trừ Asi. Victor đã sử dụng đặc quyền của mình vào sự đó mà xử phạt các hội thánh từ chối một cách ngoan cố. Tuy nhiên, cách hành xử này đã dấy lên một cơn bão phản đối.” J.W.C. Wand, “Sử Hội Thánh (Tập 1)”, Dịch: Lee Jang Sik, Hội Văn thư Cơ Đốc giáo Đại Hàn, năm 2000, trang 122.
Do đó, hội thánh phương Tây đã thỏa thuận làm theo quyết định của hội thánh La Mã nhưng các Hội Thánh Asi vốn kỷ niệm nghi thức tiệc thánh Lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng 1 thánh lịch từ thời đại các sứ đồ, đã từ chối điều đó. Polykrates, là quản đốc Hội Thánh Êphêsô đã gửi thư cho Victor và nhắc nhở một sự thật rằng sứ đồ Philíp, sứ đồ Giăng là những người đã chỉ đạo các Hội Thánh Asi và những người tử vì đạo đã giữ Lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng 1. Hơn nữa, ông còn nói rằng bản thân mình là quản đốc đời thứ 8 của Hội Thánh Êphêsô, cũng đang giữ Lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng 1 theo sự kế thừa, và giải thích bằng luận điệu mạnh mẽ rằng phải giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới. Do đó, Victor đã định trục xuất các Hội Thánh Asi bằng cách vu khống là phi chính thống, nhưng vì các lãnh đạo của nhiều Hội Thánh can ngăn nên đành phải hủy lệnh trục xuất.
“Song, các quản đốc của Asi đã cố chấp giữ phong tục được truyền lại cho họ từ các giáo phụ, mà người dẫn dắt họ là Polycrates. Trong bức thư gửi tới Victor và hội thánh La Mã, Polycrates đã giải thích về sự kế thừa được truyền lại cho họ. Nội dung ấy như sau:
“Chúng tôi đang giữ lễ trọng thể một cách đúng đắn chân chính. Chúng tôi không thêm hoặc bớt bất cứ điều gì vào đó cả… Cùng với Philíp là một người trong mười hai sứ đồ… kể cả Giăng cũng đã được chôn tại Êphêsô… Những người này đã không làm trái ngược một chút nào, nhưng theo quy tắc của tín ngưỡng, và theo Tin Lành mà giữ Lễ Vượt Qua vào ngày 14. Và dầu tôi, Polycrates chẳng qua chỉ là người không quan trọng nhất giữa các quý vị, nhưng tôi đang theo sự kế thừa của các quản đốc tiền nhiệm của tôi…”
… Victor, quản đốc hội thánh La Mã, đã nhận bức thư này, ngay lập tức vu cho mọi Hội Thánh ở Asi và các Hội Thánh lân cận ở đó là phi chính thống để trừ khỏi khối thống nhất phổ quát. Ông ta đã gửi thư tín rộng rãi và tuyên bố rằng các anh em ở đó đã bị rút phép thông công hoàn toàn. Song, điều này không phải là ý kiến chung của các quản đốc.”
Eusebius Pamphilus, “Sử Hội Thánh của Eusebius”, Dịch: Eom Seong Ok, Eunseong, 1990, trang 294-295.
Lễ Vượt Qua bị xóa bỏ tại Công đồng Nicaea
Các giáo hoàng La Mã như Anicetus, Victor v.v… đã liên tục gắng sức để xóa bỏ Lễ Vượt Qua nhưng không thành công. Song, mồi lửa cuộc tranh chấp này lại bùng lên một lần nữa vào thế kỷ thứ 4. Cuối cùng, Lễ Vượt Qua đã bị biến mất tại Công đồng Nicaea do hoàng đế La Mã Constantine chủ trì. Hội nghị tôn giáo này được tổ chức tại địa phương Nicaea vào năm 325, đã đưa ra quyết định xóa bỏ Lễ Vượt Qua và cử hành nghi thức tiệc thánh vào Lễ Phục Sinh theo chủ trương của hội thánh La Mã, là hội thánh đã mong muốn xóa bỏ Lễ Vượt Qua bấy lâu nay.
Và định ra ngày tháng Lễ Phục Sinh là Chủ nhật đầu tiên sau trăng tròn tính từ xuân phân. Vì họ xóa bỏ cách tính theo tiêu chuẩn Kinh Thánh là Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men mà định tính toán ngày tháng Lễ Phục Sinh, nên đã tạo ra tiêu chuẩn mới không có trong Kinh Thánh là “sau trăng tròn tính từ xuân phân”, và quy định Chủ nhật đầu tiên sau tiêu chuẩn ấy là Lễ Phục Sinh.
3. Hội nghị Nicaea
1) Ngày tháng và người triệu tập
Tháng 5-6 năm 325, hoàng đế Constantine…
3) Lý do triệu tập
① Vấn đề ngày tháng Lễ Phục Sinh (Đông phương giữ Lễ Vượt Qua, còn Tây phương coi trọng Chúa nhật)…
6) Quyết định
… ③ Quyết định giữ Lễ Phục Sinh vào Chúa nhật Lee Jung Ki, “Tóm lược Sử Hội Thánh”, Nhà xuất bản văn hóa Sejong, năm 2004, trang 64-67.
Từ đó trở sau, những Hội Thánh không phục tùng quyền lực của hội thánh La Mã mà vẫn cử hành lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng 1 thánh lịch thì bị coi là tà đạo và bị bức hại. Những thánh đồ muốn sống theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus thì phải lẩn trốn trong núi, sa mạc hoặc hang động để giữ Lễ Vượt Qua (J.W.C. Wand 283).
Lễ Vượt Qua giao ước mới đã biến mất trong lịch sử như thế. Theo như lời tiên tri rằng Satan sẽ thay đổi thời kỳ và luật pháp của Đức Chúa Trời và giành được thắng lợi tạm thời (Đaniên 7:25). Sau đó, giáo lý không có trong Kinh Thánh và hình tượng đã bị du nhập vào trong Hội Thánh từng điều một, lẽ thật sự sống mà Đức Chúa Jêsus dạy dỗ và các thánh đồ Hội Thánh sơ khai gìn giữ đã hoàn toàn bị mất dấu trong suốt thời đại tối tăm tôn giáo.