Đức Chúa Jêsus sẽ tái lâm trong xác thịt vào thời đại cuối cùng gần ngày phán xét cuối cùng và dẫn dắt nhân loại vào lẽ thật cứu rỗi. Thế thì, thời điểm Đức Chúa Jêsus tái lâm cụ thể là khi nào? Kinh Thánh cho biết một cách chính xác về thời điểm Đức Chúa Jêsus tái lâm thông qua một điềm báo mang tính quyết định. Đó là thông qua ví dụ về cây vả.
“Hãy nghe lời ví dụ về cây vả”
Cách đây 2000 năm trước, có lần các môn đồ đã hỏi Đức Chúa Jêsus về điềm báo sẽ xảy ra vào thời tái lâm (Mathiơ 24:3). Khi ấy, Đức Chúa Jêsus giải thích về thời điểm tái lâm của Ngài và đề cập đến lời ví dụ về cây vả.
“Khi ấy… mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia. Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.” Mathiơ 24:30-33
Sau khi phán lời “Hãy nghe lời ví dụ về cây vả”, Đức Chúa Jêsus phán rằng “Khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người đương ở trước cửa.” Lời này nghĩa là nếu xem thấy điềm báo được cho biết thông qua ví dụ về cây vả thì sẽ biết được thời điểm đến của Đức Chúa Jêsus Tái Lâm.
Cây vả trong Kinh Thánh tượng trưng cho điều gì?
Cây vả trong Kinh Thánh tượng trưng cho nước Ysơraên (Giêrêmi 24:5). Đức Chúa Jêsus cũng từng ám chỉ nước Ysơraên với cây vả trong lời giáo huấn của Ngài.
“Sáng ngày, khi đã lìa làng Bêthani rồi, thì Ngài đói. Vừa thấy đàng xa một cây vả có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng; song, tới gần rồi, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả. Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa! Các môn đồ đều nghe lời ấy… Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, thấy cây vả đã khô cho tới rễ; bấy giờ Phierơ nhớ lại chuyện đã qua, thưa cùng Ngài rằng: Thầy, coi kìa! Cây vả thầy đã rủa nay khô đi rồi.” Mác 11:12-14, 20-21
Ðang đi trên đường, Ðức Chúa Jêsus trông thấy một cây vả, Ngài định tìm trái mà không thấy có trái nào trên cây ấy. Thật ra cây vả không có trái là điều rất hiển nhiên vì “bấy giờ không phải mùa vả”. Thế mà Ðức Chúa Jêsus đã rủa sả cây vả không có trái và khiến nó chết khô. Cây vả là loại cây phổ biến nhất ở nước Ysơraên. Hơn nữa, Đức Chúa Jêsus vốn là Đức Chúa Trời, không lẽ nào Ngài lại không biết thời điểm cây vả ra trái.
Vậy, vì sao Đức Chúa Jêsus đã rủa sả cây vả? Việc đó không đơn thuần chỉ là rủa sả bản thân cây vả ấy đâu, mà Ngài có ý muốn cho họ được biết thông qua sự kiện ấy. Cây vả không có trái biểu tượng cho Ysơraên đã đối nghịch với Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus đã rủa sả cây vả và khiến nó bị chết khô đi là để cho biết rằng mặc dù Ngài đã rao truyền Tin Lành nhưng nước Ysơraên đã không tiếp nhận mà lại còn đối nghịch Ngài, rốt cuộc sẽ phải chịu sự phán xét và bị diệt vong.
Lời tiên tri về sự diệt vong của nước Ysơraên thông qua ví dụ về cây vả
Đức Chúa Jêsus còn tiên tri về sự diệt vong của nước Ysơraên thông qua ví dụ khác về cây vả.
“Ngài lại phán thí dụ nầy: Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình, đến hái trái mà không thấy; bèn nói cùng kẻ trồng nho rằng: Kìa đã ba năm nay ta đến hái trái nơi cây vả nầy mà không thấy: Hãy đốn nó đi; cớ sao nó choán đất vô ích? Kẻ trồng nho rằng: Thưa chúa, xin để lại năm nầy nữa, tôi sẽ đào đất xung quanh nó rồi đổ phân vào. Có lẽ về sau nó sẽ ra trái; bằng không, chúa sẽ đốn.” Luca 13:6-9
Người đến tìm trái vả suốt 3 năm trong ví dụ này chính là Đức Chúa Jêsus. Ðức Chúa Jêsus đã chịu phép Báptêm vào năm 30 tuổi và rao truyền Tin Lành cho nước Ysơraên trong suốt ba năm cho đến tận khi qua đời trên thập tự giá. Ngài ví dụ sự thật ấy với sự một người tìm trái từ cây vả trong suốt 3 năm.
Ngài phán rằng dù đã tìm trái từ cây vả nhưng nó không có trái, nên hãy đốn nó đi. Một lần nữa, Đức Chúa Jêsus cảnh báo rằng nước Ysơraên đã đối nghịch Ngài và không tiếp nhận Tin Lành sẽ phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời và bị diệt vong. Lời “Xin để lại năm nầy nữa, tôi sẽ đào đất xung quanh nó rồi đổ phân vào.” nghĩa là Đức Chúa Trời không hủy diệt nước Ysơraên ngay sau khi Đức Chúa Jêsus hy sinh trên thập tự giá, mà Ngài cho họ cơ hội để ăn năn, dầu vậy mà họ vẫn không ăn năn thì Ngài sẽ hủy diệt họ.
Theo lời này, thời gian cơ hội đã được ban cho người dân Ysơraên trong suốt khoảng 40 năm từ sau khi Đức Chúa Jêsus qua đời. Song, đến cuối cùng người dân vẫn không tiếp nhận Tin Lành, do đó nước Ysơraên đã bị hủy diệt vào năm 70 SCN. Mọi việc đều được ứng nghiệm như lời “bằng không, chúa sẽ đốn”.
Lời tiên tri trực tiếp về sự hủy diệt nước Ysơraên
Kinh Thánh cũng ghi chép lời mà Đức Chúa Jêsus đã tiên tri một cách trực tiếp về sự diệt vong của nước Ysơraên chứ không chỉ thông qua ví dụ về cây vả.
“Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giêrusalem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến. Lúc đó, ai ở trong xứ Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành. Vì những ngày đó là ngày báo thù, hầu cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. Trong những ngày ấy, khốn cho đàn bà có thai, và đàn bà cho con bú! Vì sẽ có tai nạn lớn trong xứ, và cơn thạnh nộ nghịch cùng dân nầy. Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại.” Luca 21:20-24
Theo lời tiên tri của Đức Chúa Jêsus, nước Ysơraên đã bị diệt vong bởi quân đội La Mã do tướng quân Titus dẫn đầu vào năm 70 SCN. Vách thành và đền thờ Giêrusalem đã sụp đổ “không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào” (Mác 13:2). Josephus – một nhà sử học người Giuđa đã ghi chép cặn kẽ về sự thảm khốc khi thành Giêrusalem bị hủy diệt. Theo ông, lúc bấy giờ có 1.100.000 người bị thiệt mạng, 97.000 người còn sống sót thì bị bắt đi làm phu tù. Đã được ứng nghiệm như lời phán của Đức Chúa Jêsus rằng “Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại.”
Sự khôi phục của nước Ysơraên và sự xuất hiện của Ðức Chúa Jêsus Tái Lâm
Đức Chúa Jêsus cho biết rằng nước Ysơraên sẽ không ở trong trạng thái diệt vong mãi mãi, mà sẽ được khôi phục khi đến kỳ đã định.
“Thành Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.” Luca 21:24
Ngài phán rằng thời hạn mà thành Giêrusalem bị dân ngoại giày đạp đã được định. Lời này có nghĩa là cho dù kỳ của dân ngoại có lâu dài đến đâu chăng nữa thì một lúc nào đó kỳ hạn ấy đương nhiên sẽ kết thúc, rồi sau đó thành Giêrusalem sẽ được khôi phục lại cho người Giuđa.
Kể từ năm 70 SCN, các dân ngoại bang đã sinh sống trong thành Giêrusalem chứ không phải người Ysơraên. Dân tộc Ysơraên đã trở thành một dân tộc lưu vong không có đất nước và lang thang khắp thế giới trong suốt khoảng 1900 năm. Thế nhưng, sau khi Đại chiến thế giới II kết thúc, nước Ysơraên đã trở lại vùng đất của tổ phụ mình ngày xưa và tuyên bố độc lập vào năm 1948 như một điều kỳ tích. Sự độc lập của nước Ysơraên như thế này đã được biểu hiện bởi lời “Vừa lúc cây vả có nhành non, lá mới đâm” trong lời ví dụ về cây vả.
“Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.” Mathiơ 24:32-33
Vào mùa đông, lá cây bị rụng và cành nó bị khô đi giống như đã chết. Tuy nhiên, trải qua mùa xuân rồi đến mùa hè nó lại hồi sinh và có nhành non, lá mới đâm. Như vậy, nước Ysơraên được biểu tượng bởi cây vả sẽ được khôi phục khi kỳ của các dân ngoại được trọn, tức là khi đến kỳ mà Đức Chúa Trời đã định.
Đức Chúa Jêsus phán rằng hãy nghe lời ví dụ về cây vả trong lời tiên tri liên quan đến sự tái lâm, và phán tiếp rằng “Khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người đương ở trước cửa.” Nước Ysơraên được xây dựng lại là điềm báo cho biết rằng Đức Chúa Jêsus đã tái lâm trên đất này. Trong lịch sử nhân loại, Ysơraên là quốc gia duy nhất tìm lại được đất nước đã bị mất sau 1900 năm. Kể cả các nhà sử học cũng nói rằng độc lập của nước Ysơraên là một kỳ tích không thể tái diễn trong lịch sử nhân loại. Nếu không biết lời tiên tri thì có thể nghĩ rằng vì dân tộc Ysơraên thật đặc biệt nên đã thực hiện được việc này, nhưng thực ra Đức Chúa Trời đã tiến hành để sự việc này được hoàn thành theo mục đích đã định của Ngài.
Mục đích Đức Chúa Trời dấy lên lịch sử giống như một điều kỳ tích như thế này duy chỉ vì một điều thôi. Ấy là để cho biết sự thật rằng Con người, tức là Đức Chúa Jêsus tái lâm vào năm 1948, là năm mà cây vả hồi sinh lại. Khi ấy, Đức Chúa Jêsus Tái Lâm gõ cánh cửa tấm lòng của nhân sinh và rao truyền Tin Lành Nước Thiên Đàng (Khải Huyền 3:20). Theo đó, Đức Chúa Jêsus Tái Lâm phải bắt đầu rao truyền Tin Lành từ năm 1948, là năm nước Ysơraên độc lập.
Đức Chúa Jêsus đã tái lâm theo lời tiên tri Kinh Thánh ấy chính là Đấng An Xang Hồng. Đấng An Xang Hồng đã chịu phép Báptêm và bắt đầu công việc Tin Lành vào năm 1948, khi nước Ysơraên được lập lại. Ngài đã rao truyền lẽ thật giao ước mới mà không một ai gìn giữ trong suốt thời gian dài. Vì thế, Đấng An Xang Hồng chính là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm mà Kinh Thánh làm chứng.