Phép Báptêm là nghi thức cởi bỏ thân thể tội lỗi và sanh lại thành sự sống mới với mong muốn trở nên người thuộc về Đấng Christ. Từ gốc trong tiếng Gờréc là “Baptisma” (βἀπτισμα), là từ được phái sinh từ chữ “Baptizo” (βαπτίζω), có nghĩa là “làm ướt, ngâm”. Trong Kinh Thánh sửa đổi tiếng Hàn được dịch là “phép rửa”. Tuy nhiên, khi xét theo ý nghĩa của ngôn ngữ gốc thì việc biểu hiện là “Báptêm” bằng cách dùng ký tự của chữ “làm ướt, ngâm mình” sẽ phù hợp hơn. Điều này được củng cố bởi cảnh Đức Chúa Jêsus, hoạn quan mà Philíp truyền đạo đã đi xuống nước chịu phép Báptêm (Mathiơ 3:16, Công Vụ Các Sứ Đồ 8:38-39). Phép rửa chỉ làm ướt với một ít nước trên đầu hoặc trán có sự khác biệt so với phép Báptêm, tức là “Baptisma” trong Kinh thánh.
Ý nghĩa của phép Báptêm – Nghi thức chôn tội lỗi
Khi nghĩ về ý nghĩa được chứa đựng trong phép Báptêm, thì việc làm ướt hoặc ngâm cả mình trong nước là nghi thức đúng đắn. Phép Báptêm bao hàm ý nghĩa “chôn đi” mọi tội lỗi mà chúng ta đã phạm trong quá khứ bằng nước.
“Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báptêm trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báptêm trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báptêm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.”Rôma 6:3-4
“Anh em đã bởi phép báptêm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại.”Côlôse 2:12
Giống như Đức Chúa Jêsus đã bị chôn trong mồ sau khi chịu chết trên thập tự giá rồi đã phục sinh, thì chúng ta cũng được nhận lấy sự sống mới sau khi chôn tội lỗi trong nước bởi phép Báptêm. Theo đó, phép Báptêm là nghi thức làm ướt hoặc ngâm toàn bộ thân thể trong nước giống như chôn cả thân thể trong mồ.
Nghi thức rửa tội được cử hành trong hầu hết các hội thánh ngày nay bắt nguồn từ việc thay thế phép Báptêm bằng hình thức rưới một ít nước trong trường hợp không có đủ nước hoặc khi phải cử hành phép Báptêm cho những bệnh nhân mà không thể làm ướt toàn bộ thân thể trong nước được. Phép Báptêm giản lược vốn chỉ được cho phép trong những trường hợp bất đắc dĩ, đã trở nên phổ biến khi thời gian trôi qua. Vì vậy, vào ngày nay ý nghĩa ban đầu của phép Báptêm là chôn thân thể tội lỗi đã bị phai nhạt đi, và càng nhiều hội thánh cử hành nghi thức rửa tội chỉ với một ít nước.
Tầm quan trọng của phép Báptêm – luật lệ của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Jêsus đã phán dặn
Sở dĩ phép Báptêm quan trọng vì đó là luật lệ mà Đức Chúa Jêsus đã làm gương và phán dặn. Đức Chúa Jêsus – Đấng đến thế gian để cứu rỗi loài người đã đích thân làm phép Báptêm và phán dặn các môn đồ hãy làm phép Báptêm cho muôn dân.
“Kế đó, Đức Chúa Jêsus đi với môn đồ đến đất Giuđê; Ngài ở với môn đồ tại đó, và làm phép báptêm.”Giăng 3:22
“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ…”Mathiơ 28:19
Giả sử phép Báptêm không có liên quan gì đến sự cứu rỗi thì chắc Đức Chúa Jêsus đã không làm phép Báptêm và cũng không cần phán dặn các môn đồ. Công việc thể này của Đức Chúa Jêsus cho chúng ta thấy rằng phép Báptêm là luật lệ chắc chắn cần thiết vì sự cứu rỗi. Vì vậy, sứ đồ Phierơ – người được nhận sự dạy dỗ trực tiếp từ Đức Chúa Jêsus đã rao truyền rằng “Phải nhân danh Ðức Chúa Jêsus chịu phép Báptêm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Ðức Thánh Linh.”, và đã làm chứng rằng phép Báptêm là “dấu của sự cứu rỗi” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38, I Phierơ 3:21).
Hơn nữa, Đức Chúa Jêsus phán rằng nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh lại, thì không thể thấy nước Đức Chúa Trời, tức là không thể đi vào Nước Thiên Đàng.
“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.”Giăng 3:5
Tại đây, sanh lại nhờ “nước” nghĩa là chôn đi tội lỗi trong quá khứ và nhận lấy sự sống mới bởi phép Báptêm. Sứ đồ Phaolô cũng làm sáng tỏ sự thật rằng chúng ta được sanh lại thành sự sống mới bởi phép Báptêm (Rôma 6:3-4). Người không chịu phép Báptêm và không được sanh lại thì không thể đi vào Nước Thiên Đàng. Đó là lý do Đức Chúa Jêsus phán rằng ai tin và chịu phép Báptêm thì sẽ được cứu rỗi.
“Ai tin và chịu phép báptêm, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt.”Mác 16:16
Phép cắt bì trong Cựu Ước và phép Báptêm trong Tân Ước
Người dân Ysơraên trong thời đại Cựu Ước đã chịu phép cắt bì như là một dấu để trở thành người dân của Ðức Chúa Trời.
“Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi… Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.”Sáng Thế Ký 17:11-14
Song, đến thời đại Tân Ước, chúng ta được công nhận là người dân của Đức Chúa Trời thông qua việc chịu phép Báptêm. Phép cắt bì trong thời đại Cựu Ước đã được đổi thành phép Báptêm trong thời đại Tân Ước.
“Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Ðấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta. Anh em đã bởi phép báptêm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại (Đức Chúa Jêsus sống lại).”Côlôse 2:11-12
Tại đây, “không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Ðấng Christ” tức là nói về phép Báptêm. Vì vậy, trong Kinh Thánh hiện đại đã chép rằng “cuộc giải phẫu tâm linh, là lễ báptêm của Chúa Cứu Thế”.
Kinh Thánh hiện đại “Do lễ báptêm ấy, anh em đã chết và được chôn với Chúa, rồi được sống lại với Ngài do đức tin nơi quyền năng Đức Chúa Trời, là quyền năng phục sinh của Chúa Cứu Thế. …”Côlôse 2:12
Giống như phép cắt bì trong thời đại Cựu Ước, vào thời đại Tân Ước, phép Báptêm là dấu của sự giao ước giữa Đức Chúa Trời và các thánh đồ. Nói cách khác, Đức Chúa Trời công nhận những người đã chịu phép Báptêm trong lẽ thật giao ước mới là người dân của Ngài. Và thông qua việc chịu phép Báptêm, chúng ta được nhận sự tha thứ tội lỗi đã qua, và hứa rằng từ nay sẽ lột bỏ đời sống bị nhuốm đượm bởi tội lỗi và luôn sống trong khi kính sợ Đức Chúa Trời với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời (Rôma 6:6). Vì vậy, nếu muốn trở thành người dân của Đức Chúa Trời và bước đi trên con đường đức tin đúng đắn thì trước hết phải chịu phép Báptêm.