- Nguyên nhân, lý do La Mã bức hại Cơ Đốc giáo
- 10 bức hại của La Mã đối với Cơ Đốc giáo
- 1. Nero [Niên đại bức hại: năm 64-68]
- 2. Domitianus [Niên đại bức hại: năm 90-96]
- 3. Trajan [Niên đại bức hại: năm 98-117]
- 4. Hadrianus [Niên đại bức hại: năm 117-138]
- 5. Marcus Aurelius [Niên đại bức hại: năm 161-180]
- 6. Septimius Severus [Niên đại bức hại: năm 202-211]
- 7. Maximinus [Niên đại bức hại: năm 235-236]
- 8. Decius [Niên đại bức hại: năm 249-251]
- 9. Valerianus [Niên đại bức hại: năm 259-260]
- 10. Diocletianus [Niên đại bức hại: năm 303-311]
Sự bức hại của La Mã đối với Cơ Đốc giáo kéo dài khoảng 250 năm, bắt đầu từ thời hoàng đế Nero vào năm 64 SCN cho đến khi Cơ Đốc giáo được công nhận bởi Constantine vào năm 313 SCN. Những người La Mã đã đối địch và coi các Cơ Đốc nhân như cái gai trong mắt. Bởi các Cơ Đốc nhân duy chỉ tin vào Đức Chúa Trời và cũng không khuất phục trước việc sùng bái hình tượng hoặc thờ lạy hoàng đế. Các hoàng đế coi Cơ Đốc giáo là bất hợp pháp và đàn áp một cách tàn bạo, với danh nghĩa hợp nhất đế quốc thành một và làm cho thịnh vượng trong sự bảo hộ của các vị thần.
Nguyên nhân, lý do La Mã bức hại Cơ Đốc giáo
Trong giai đoạn đầu của thời đại các sứ đồ, Cơ Đốc giáo chịu sự bắt bớ từ những người Giuđa vốn không công nhận Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ. Sau này, khi Cơ Đốc giáo vượt ra khỏi Giêrusalem, được truyền bá đến tận vùng Tiểu Á và La Mã thì gặp phải sự đàn áp của đế quốc La Mã. Vào thời điểm đó, đế quốc La Mã đã thực hiện chính sách khoan dung tương đối ôn hòa đối với chính trị hoặc tôn giáo của người dân nước thuộc địa nhằm ổn định đế quốc. Thế nhưng, Cơ Đốc giáo là ngoại lệ. Bởi vì họ cho rằng các Cơ Đốc nhân sẽ gây tổn hại đến an ninh của đế quốc.
Các Cơ Đốc nhân thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất của mình, và không tham gia vào các nghi thức tôn giáo hoặc tế lễ thịnh hành trong xã hội đương thời ấy. Họ cũng không hòa hợp với những người ngoại đạo ở nhà hát hoặc đền thờ. Điều này bị cho là gây tổn hại đến an ninh và sự hợp nhất của đế quốc. Đặc biệt, hành động của Cơ Đốc nhân từ chối tôn kính các thần của La Mã được xem như hành vi uy hiếp sự hòa bình và phồn thịnh của đế quốc mà “các vị thần đem đến”.
Thêm vào đó, các Cơ Đốc nhân từ chối tôn thờ hoàng đế vì cớ không thờ lạy thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời. Đối với người La Mã, việc tôn thờ hoàng đế chính là biện pháp hữu hiệu nhất để thống nhất đế quốc, là tiêu chuẩn của lòng trung thành đối với đế quốc. Chính quyền La Mã coi thái độ của các Cơ Đốc nhân là bất trung và phản nghịch đối với đế quốc và hoàng đế, cho nên Cơ Đốc giáo bị định là tôn giáo bất hợp pháp và bị đàn áp.
10 bức hại của La Mã đối với Cơ Đốc giáo
Sự bức hại của La Mã đối với Cơ Đốc giáo được tiến hành bởi nhiều lý do và phương pháp đa dạng tùy theo tình huống của thời đại và kẻ thống trị, điển hình là 10 bức hại do các hoàng đế khởi xướng. Nero đổ lỗi cho các Cơ Đốc nhân gây ra Đại hỏa hoạn ở thành Rome vào năm 64 và đàn áp họ một cách tàn bạo. Việc này cứ tiếp diễn cho đến tận khi ông ta chết vào năm 68. Ông ta khiến cho các Cơ Đốc nhân bị xé xác thành từng mảnh bởi thú dữ trong đấu trường hình tròn, hoặc trói họ cùng với cỏ khô để làm “ngọn đuốc người” cháy sáng rực ở ngoài trời. Dầu vậy, lúc này cuộc đàn áp chỉ diễn ra giới hạn trong thành Rome, chưa phải trên toàn bộ đế quốc La Mã.
Hoàng đế bức hại Cơ Đốc giáo sau Nero là Domitianus. Domitianus tuyên bố mình là thần và cưỡng chế người dân phải tôn thờ. Các Cơ Đốc nhân không làm theo điều này, nên hoàng đế đã buộc tội và đàn áp họ với tội danh “Hết thảy các vị thần đã nổi giận vì các Cơ Đốc nhân không phục tùng việc thờ phượng hoàng đế.” Tịch thu tài sản và bắt họ phải chiến đấu với thú dữ. Thời kỳ này, sứ đồ Giăng bị đày ở đảo Bátmô, nhận sự mặc thị và ghi chép sách Khải Huyền. Các Cơ Đốc rời khỏi La Mã hoặc ẩn mình dưới hầm để tìm kiếm sự tự do tín ngưỡng, từ lúc này họ bắt đầu việc dâng thờ phượng trong hầm mộ dưới lòng đất (Catacomb) để tránh sự bức hại.
Hoàng đế bắt bớ các Cơ Đốc nhân dữ dội nhất trên toàn đế quốc La Mã là Diocletianus. Diocletianus tuyên bố sắc lệnh năm 303, định tội các Cơ Đốc nhân là kẻ tạo phản vì không thể hiện lòng tôn kính trước tượng đồng của hoàng đế, và tịch thu tài sản của họ. Ra lệnh cấm nhà hội của Cơ Đốc nhân, phá hủy hết các cơ sở hội thánh, tịch thu và thiêu hủy các sách cũng như Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo. Hễ ai không phục tùng mệnh lệnh dâng tế lễ cho thần của ngoại đạo thì bị tra tấn một cách dã man và bị giết chết. Vào thời kỳ này, các Cơ Đốc nhân bị đuổi việc khỏi chính quyền và quân đội, bị tước đoạt mọi quyền lợi trong xã hội. Hết thảy những người thánh chức đều bị lưu đày hoặc bị hành hình.
1. Nero [Niên đại bức hại: năm 64-68]
- Bức hại bằng cách gán cho các Cơ Đốc nhân tội phóng hỏa trong sự kiện Đại hỏa hoạn ở thành Rome.
- Bắt các Cơ Đốc nhân làm mồi cho thú dữ hoặc làm ngọn đuốc lửa chiếu sáng nơi tiệc tùng ngoài trời.
- Hầu hết cuộc bức hại diễn ra trong thành Rome.
2. Domitianus [Niên đại bức hại: năm 90-96]
- Đàn áp với tội danh “Các thần nổi giận vì Cơ Đốc giáo.”
- Gán ghép tội danh phản nghịch và công kích các tôn giáo phi La Mã hoặc những ai đồng thuận với tôn giáo ấy.
- Đày sứ đồ Giăng đến đảo Bátmô.
- Các Cơ Đốc nhân đã thờ phượng trong những hầm mộ dưới lòng đất (Catacomb) để tránh khỏi sự bức hại.
3. Trajan [Niên đại bức hại: năm 98-117]
- Định tội và bức hại các Cơ Đốc nhân như là tội nhân phạm trọng tội vì dám từ chối tôn thờ hoàng đế.
- Ignatius – quản đốc Hội Thánh Antiốt tử đạo.
4. Hadrianus [Niên đại bức hại: năm 117-138]
- Dựng nên tượng của hoàng đế và nhiều loại thần tượng, bắt buộc sùng bái, từ chối thì bị xử tử.
- Kể cả những người bao che cho Cơ Đốc nhân cũng bị hình phạt chung.
5. Marcus Aurelius [Niên đại bức hại: năm 161-180]
- Bức hại bằng cách đổ lỗi cho Cơ Đốc nhân về mọi thiên tai như dịch bệnh, mất mùa, hạn hán v.v…
- Quăng thi thể của các Cơ Đốc nhân cho những con chó bị bỏ đói.
6. Septimius Severus [Niên đại bức hại: năm 202-211]
- Bắt buộc thờ phượng thần mặt trời. Cấm cải đạo sang Cơ Đốc giáo.
- Công bố pháp lệnh hình phạt tử hình nếu cải đạo sang Cơ Đốc giáo.
7. Maximinus [Niên đại bức hại: năm 235-236]
- Bức hại vì cho rằng các Cơ Đốc nhân ủng hộ hoàng đế bị ám sát trước đó.
- Xử phạt những người thánh chức của Cơ Đốc giáo.
8. Decius [Niên đại bức hại: năm 249-251]
- Ra sắc lệnh khiến cho cuộc bức hại được mở rộng trên toàn đế quốc La Mã.
- Ra lệnh tất thảy mọi thị dân đều phải tế lễ cho các thần của La Mã, ai không phục tùng sẽ bị xử tử vì tội từ chối sắc lệnh.
- Dụ dỗ các Cơ Đốc nhân bội đạo để diệt trừ Cơ Đốc giáo.
- Những người tử vì đạo và kẻ bội đạo phát sinh nhiều nhất vào thời kỳ này.
9. Valerianus [Niên đại bức hại: năm 259-260]
- Cấm các cuộc hội họp của Cơ Đốc nhân, tịch thu đất đai và tài sản.
- Hành hình và bắt lưu đày những người thánh chức.
10. Diocletianus [Niên đại bức hại: năm 303-311]
- Cuộc bức hại tàn ác đã tước bỏ mọi quyền lợi của các Cơ đốc nhân.
- Tuyên bố bốn điều lệnh đối nghịch với Cơ Đốc giáo.
- Bắt buộc các binh sĩ Cơ Đốc giáo từ bỏ tính ngưỡng của mình, bất tuân sẽ bị hành hình.
- Phá hủy cơ sở Hội Thánh, thiêu hủy Kinh Thánh, cấm thờ phượng, trục xuất Cơ Đốc nhân khỏi nơi làm việc.
- Vào năm 311, mệnh lệnh bức hại có tổ chức đã được thu hồi, nhưng sự đàn áp hướng đến các Cơ Đốc nhân không hề biến mất cho đến trước khi có sắc lệnh Milan năm 313.
Như vậy, đế quốc La Mã đã đàn áp Cơ Đốc giáo suốt khoảng thời gian dài, song vẫn không thắng được đức tin của các Cơ Đốc nhân. Các Cơ Đốc nhân bị hỏa thiêu, làm mồi cho thú dữ trong nhà hát hình tròn, bị chết một cách thê thảm bởi các hình cụ tra tấn dã man. Dầu vậy, họ đã rao truyền Tin Lành mà không hề sợ hãi hay do dự. Đức tin của những người ấy giống như cây một dược càng tỏa ra hương thơm đẹp đẽ mỗi khi bị đốn hoặc bị cắt gọt đi. Dù trong cơn bức hại cùng cực nhưng số người tin vào Cơ Đốc giáo ngày càng tăng, Tin Lành ngày càng lan tỏa một cách mạnh mẽ hơn, được truyền bá trên toàn đế quốc Rôma và toàn bộ khu vực bờ biển Địa Trung Hải.