Khái lược
Kinh Thánh cho biết sự thật rằng Đức Chúa Trời đến trong xác thịt chính là Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời đồng thời cũng là Ngọn Suối Nước Sự Sống (Côlôse 1:26-27, Giăng 4:14, 7:38-39). Trong quyển sách này, Đấng An Xang Hồng đã làm chứng về Thánh Linh và Vợ Mới – là Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời và là Ngọn Suối Nước Sự Sống vào thời đại này. Sau thời đại các sứ đồ, lẽ thật của sự sống đã bị biến mất nên không một ai có thể nhận được sự cứu rỗi. Kinh Thánh tiên tri rằng Đấng Christ sẽ tái lâm trong xác thịt để khôi phục mọi lẽ thật của giao ước mới và cứu rỗi người dân của Đức Chúa Trời. Đấng An Xang Hồng cho biết sự dạy dỗ của Kinh Thánh như thế này, và Ngài cũng đề cập đến Vợ Mới – Đấng sẽ xuất hiện cùng với Đấng Christ Tái Lâm. Ngài còn giải thích về lễ trọng thể của giao ước mới và ý nghĩa mang tính tiên tri, các giáo huấn mà các thánh đồ phải hiểu biết thông qua lịch sử đã qua, Ba Vị Thánh Nhất Thể, vấn đề linh hồn, giao ước cũ và giao ước mới, ấn của Đức Chúa Trời v.v…
Lời mở đầu
Quyển sách này là sự mầu nhiệm cuối cùng của Ðức Chúa Trời dành cho dân sót lại cuối cùng, đã được chính Ðức Chúa Trời giấu kín giống như lời Ngài đã phán trong sách Malachi 4:5-6 là chương cuối cùng của Kinh Thánh Cựu Ước rằng “Này, ta sẽ sai đấng tiên tri Êli đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Ðức Giêhôva chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất này.”, và lời của đấng tiên tri Amốt rằng “Cũng vậy, Chúa Giêhôva chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri.” (Amốt 3:7).
Vì bây giờ, kỳ đã được trọn và vương quốc vĩnh cửu của Ðức Chúa Trời đã đến gần rồi, cho nên chính bây giờ là thời kỳ mà mọi sự mầu nhiệm bị niêm phong trong Kinh Thánh (Tham khảo: Êsai 8:16, Ðaniên 12:4, 9-10, Khải Huyền 10:4) đều phải được mở ra (Khải Huyền 10:7, 22:10). Còn các nội dung được chép trong sách này, không một nội dung nào chúng ta có thể coi vô ý qua loa được, như: Ban Mênchixêđéc là gì? Lịch sử của vua Ðavít biểu tượng gì? Về vấn đề Ðức Chúa Jêsus tái lâm, thì Ngài sẽ đến trong lửa với tư cách là Đấng Phán Xét ngay, hay là Ngài đến bí mật trong xác thịt tạm thời, làm chứng về lẽ thật, rồi sau đó mới giáng lâm với tư cách là Đấng Phán Xét cuối cùng?
Người nào khát khao lẽ thật của Ðức Chúa Trời thì cần thiết phải nghiên cứu quyển sách này. Không những tín đồ thông thường mà cả các mục sư và các giáo sư trường thần học cũng nên đọc cuốn sách này một lần. Như thời Giăng Báptít ngày xưa hay thời Ðức Chúa Jêsus Sơ Lâm, lẽ thật cuối cùng cũng được kêu lên tại nơi đồng vắng chứ không được dấy lên trong hội thánh to lớn đâu. Người nào nghe và đọc quyển sách này với tấm lòng khiêm nhường thì sẽ hiểu ra được.
Bây giờ là kỳ cuối cùng mà Ngài nhóm lại những kẻ Ngài lựa chọn ở khắp bốn phương. Người nào khát khao lẽ thật thì hãy nghiên cứu quyển sách này; và nếu vẫn chưa hiểu ra được trọn vẹn thì đừng do dự mà hãy thăm viếng chúng tôi. Nếu người nào được gặp trực tiếp chúng tôi và nghiên cứu thì sẽ hiểu ra một cách rõ ràng.
Như tựa đề được chép trong mục lục, nội dung của quyển sách này là sự mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời, mà các vị chưa từng được nghe từ các hội thánh thông thường hay ở các trường thần học. Miễn là nghiên cứu thì ai cũng có thể hiểu biết được quyển sách này một cách rõ ràng. Người nào muốn làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời thì sẽ nhận ra sự dạy dỗ này là lời báo trước cuối cùng của Ðức Chúa Trời (Giăng 7:17). Hãy nghiên cứu một cách nghiêm túc và xin mời liên hệ với chúng tôi.
Mục lục
- Chương 1 Tháo ấn sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm
- Chương 2 3 kỳ 7 lễ trọng thể
- Chương 3 Trái sự sống và Mười Ðiều Răn
- Chương 4 Môise và Ðức Chúa Jêsus
- Chương 5 Con cái của lời hứa và dân sót lại
- Chương 6 Về 144.000
- Chương 7 Tai ương sau cùng và sự phán xét
- Chương 8 Sự mầu nhiệm của Lễ Vượt Qua
- Chương 9 Lịch sử đã qua là hình bóng của sự việc sẽ xảy đến
- Chương 10 Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời
- Chương 11 Về Đức Chúa Jêsus
- Chương 12 Về Ba Vị Thánh Nhất Thể
- Chương 13 Về Đức Thánh Linh
- Chương 14 Ðức Chúa Jêsus Sơ Lâm và Ðức Chúa Jêsus Sau Hết
- Chương 15 Con Người sẽ đến trên đám mây
- Chương 16 Sự xuất hiện của christ giả
- Chương 17 Ban của Mênchixêđéc
- Chương 18 Tại Siôn gặp Đức Chúa Trời
- Chương 19 Đấng Christ đến trong bí mật và vua Đavít
- Chương 20 Ðức Chúa Trời mặc lấy xác thịt mà ngụ trên thành Siôn
- Chương 21 Mười Ðiều Răn và giao ước về chữ
- Chương 22 Tại sao Ðức Chúa Trời đã đặt trái thiện ác trong vườn Êđen?
- Chương 23 Ngày Sabát và một ngàn năm Sabát
- Chương 24 Cái được trọn vẹn và cái chưa được trọn vẹn
- Chương 25 Linh hồn của con người đến từ đâu?
- Chương 26 Ðức Chúa Trời làm ra linh hồn bởi khí sống Ngài
- Chương 27 Chủ trương của những người nói rằng không có linh hồn
- Chương 28 Người thuộc về đất và Ðấng thuộc về trời
- Chương 29 Tại sao Ðức Chúa Trời đã để chúng ta phạm tội tại thế giới thiên sứ?
- Chương 30 Giao ước cũ đã thay đổi thành giao ước mới
- Chương 31 Chế độ của giao ước mới
- Chương 32 Lễ Vượt Qua và tiệc thánh cuối cùng
- Chương 33 Công việc đóng ấn của Ðức Chúa Trời
- Chương 34 Lời tiên tri về Thánh Linh mưa cuối mùa
- Chương 35 Ngọn Suối Nước Sự Sống
Chương 1 Tháo ấn sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm
Ðã được chép rằng:
Khải Huyền 10:4 “Lại khi bảy tiếng sấm rền lên rồi, tôi có ý chép lấy, nhưng tôi nghe một tiếng ở từ trời đến phán rằng: Hãy đóng ấn những điều bảy tiếng sấm đã nói, và đừng chép làm chi.”
Vậy thì, bảy tiếng sấm sẽ cứ để nguyên như đã đóng ấn thế mãi mãi chăng? Hay sẽ được tháo ra? Trong các lời ghi chép trong Kinh Thánh, không lời nào là vô nghĩa cả. Và lời “Hãy đóng ấn.” bao gồm ý nghĩa rằng sẽ có lúc mở ấn ra. Tại câu 7 cùng chương cho biết rằng bảy tiếng sấm mà đã được phán rằng hãy đóng ấn ấy sẽ được mở ra. Ðã được chép rằng:
Khải Huyền 10:7 “Nhưng đến ngày mà vị thiên sứ thứ bảy cho nghe tiếng mình và thổi loa, thì sự mầu nhiệm Ðức Chúa Trời sẽ nên trọn, như Ngài đã phán cùng các tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri.”
Sự mầu nhiệm này là Tin Lành của giao ước mới đã được truyền cho các sứ đồ và các đấng tiên tri của thời đại Hội Thánh sơ khai. Sau thời đại sứ đồ, Tin Lành của giao ước mới này đã bị Satan giẫm nát, rồi trải qua thời đại tối tăm và bị đóng ấn cho đến tận ngày nay. Song, như lời Ngài đã phán “Ta, Ðức Giêhôva, sẽ nôn nả làm điều ấy trong kỳ nó!”, vào kỳ cuối cùng này sự mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời đang được ứng nghiệm trọn vẹn rõ ràng. Ðã được chép rằng:
Khải Huyền 22:10 “Rồi người lại phán cùng tôi rằng: Chớ niêm phong những lời tiên tri trong sách nầy; vì thì giờ đã gần đến.”, và:
Êsai 60:22 “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn yếu sẽ trở nên một dân mạnh. Ta, Ðức Giêhôva, sẽ nôn nả làm điều ấy trong kỳ nó!”
Trong Kinh Thánh có nhiều chỗ ghi chép về tiếng sấm rồi, đối với những người không nghe được trực tiếp giọng tiếng ấy thì chỉ nghe thành tiếng sấm mà thôi. Ðã được chép rằng:
Giăng 12:28-30 “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha! Bấy giờ có tiếng từ trên trời phán xuống rằng: Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa! Ðoàn dân ở tại đó nghe tiếng, thì nói rằng ấy là tiếng sấm; có kẻ khác nói: Một vị thiên sứ nào nói với Ngài. Ðức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Ấy chẳng phải vì ta mà tiếng nầy vang ra, nhưng vì các ngươi.”
Ðức Chúa Trời đã ban cho sứ đồ Giăng đôi tai có thể nghe được trực tiếp giọng tiếng của Ngài. Và người chép sách Tin Lành Giăng này chính là sứ đồ Giăng. Dù những người khác chỉ nghe thấy tiếng sấm thôi nhưng Giăng đã nghe được giọng tiếng Ngài phán rằng “Ta đã làm sáng danh rồi, Ta còn làm cho sáng danh nữa!” và chép vào trong sách Tin Lành Giăng này. Như thế, Giăng cũng nghe được bảy tiếng sấm và toan chép, nhưng vì có mệnh lệnh rằng hãy đóng ấn nên Giăng không thể ghi chép nội dung ấy, mà đành chỉ chép là bảy tiếng sấm mà thôi.
Thế thì, bảy tiếng sấm ấy chỉ ra điều gì? Cho đến nay, vì chưa đến kỳ định nên chưa có người nào hiểu ra được sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm này. Nhưng, bây giờ đã đến kỳ cuối cùng, đã đến ngày vị thiên sứ thứ bảy cho nghe tiếng mình và đã đến lúc sắp thổi loa ấy rồi, cho nên người nào nghiên cứu các lời giải thích dưới đây thì sẽ hiểu biết được một cách rõ ràng.
Thế thì, về vấn đề này, cần thiết nghiên cứu về số bảy trước, rồi nghiên cứu về tiếng sấm sau. Vì số bảy là số trọn vẹn nên nếu thay thế bảy bằng trọn vẹn thì “bảy tiếng sấm” cũng có thể được gọi là “tiếng sấm trọn vẹn”.
Thế thì, tiếng sấm trọn vẹn đã được phán ra tại đâu? Có thể khẳng định được rằng tiếng sấm trọn vẹn không phải là tiếng sấm được phán ra trước mặt chỉ một hoặc hai người nhưng là tiếng sấm được phán ra trước mặt tổng hội Ysơraên. Tiếng sấm trọn vẹn này được phán ra vào khoảng năm 1498 TCN; khi Ðức Chúa Trời ở trong lửa mà ban ra Mười Ðiều Răn và các lời giao ước tại núi Sinai, Ngài đã phán bằng tiếng sấm này. Ðã được chép rằng:
Xuất Êdíptô Ký 20:18-19 “Vả, cả dân sự nghe sấm vang, tiếng kèn thổi, thấy chớp nhoáng, núi ra khói, thì run rẩy và đứng cách tận xa. Dân sự bèn nói cùng Môise rằng: Chính mình người hãy nói cùng chúng tôi thì chúng tôi sẽ nghe; nhưng cầu xin Ðức Chúa Trời chớ phán cùng, e chúng tôi phải chết chăng.”
Lúc bấy giờ, Môise đã nghe được giọng như tiếng sấm của Ðức Chúa Trời, nhưng dân sự thì không nghe được giọng ấy mà chỉ nghe thành bảy tiếng sấm mà thôi. Vậy, Môise đã nghe giọng bảy tiếng sấm và truyền lại cho dân sự. Ðã được chép rằng:
Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:5 “Ðương lúc đó, ta đứng giữa Ðức Giêhôva và các ngươi, đặng truyền lại lời của Ngài cho các ngươi; vì các ngươi sợ lửa, không lên trên núi.”
Vả, mỗi lời trong Kinh Thánh ắt có câu cặp đôi của nó. Nên khi giải nghĩa câu Kinh Thánh thì phải tra câu cặp đôi với nó rồi cắt nghĩa mới là phải lẽ.
Êsai 34:16 “Hãy tìm trong sách Ðức Giêhôva và đọc lấy: trong những thú vật ấy chẳng một con nào thiếu, chẳng một con nào là không đủ đôi. Vì ấy là miệng Ðức Giêhôva đã truyền, và Thần Ngài đã nhóm chúng nó lại.”
Còn, về lời “Hãy đóng ấn.” Kinh Thánh đã chép như sau:
Êsai 8:16 “Ngươi hãy gói lời chứng nầy, niêm phong luật pháp nầy trong môn đồ ta!”
Bởi chưng đã được chép tại Khải Huyền 10:4 rằng “Hãy đóng ấn bảy tiếng sấm.” và tại Êsai 8:16 rằng “Hãy niêm phong luật pháp này trong môn đồ Ta!” rồi, cho nên “bảy tiếng sấm” ắt hẳn phải là một bộ phận nào đó trong luật pháp. Trong luật pháp chỉ còn một bộ phận cứ bị niêm phong cho đến ngày nay thôi, ấy là 3 kỳ 7 lễ trọng thể. Trong 3 kỳ 7 lễ trọng thể, là sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm này, có thể phát hiện ra sự mầu nhiệm của nơi thánh trên trời; có thể nhìn vào trong sào huyệt ma quỉ; cũng sẽ biết được báu vật mà Ngài đã giấu kín từ các kiếp trước để dành cho dân lựa chọn là gì; trong đó còn chứa đựng lời tiên tri về những sự việc sẽ xảy đến trong tương lai Hội Thánh nữa.
Ngày xưa, vua Giôsia hay vua Êxêchia cũng cứ hầu việc các hình tượng khi họ chưa biết các lễ trọng thể, nhưng đến lúc hiểu biết được các lễ trọng thể và giữ thì họ hủy phá các hình tượng đó một cách sạch tinh (Tham khảo: II Các Vua 23:21-25, II Sử Ký 30:1-27, II Sử Ký 31:1).
Hoặc có người hỏi rằng “Tại sao Ðức Chúa Trời đóng ấn những điều đó mà làm cho phức tạp vậy?” Về vấn đề này, có thể ngẫm nghĩ theo nhiều cách, nhưng theo lời của Ðức Chúa Trời được chép trong Kinh Thánh thì Ngài muốn để riêng những điều đó dành cho dân được lựa chọn giống như là một món quà đặc biệt. Ðức Chúa Jêsus đã phán rằng:
Mathiơ 13:10-11 “Môn đồ bèn đến gần Ngài mà hỏi rằng: Sao thầy dùng thí dụ mà phán cùng chúng vậy? Ngài đáp rằng: Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết.”
Và sở dĩ Ðức Chúa Trời đóng ấn là vì có mục đích của Đức Chúa Trời muốn ban riêng cho dân Ngài vào lúc khẩn cấp sau rốt để cứu rỗi. Ðã được chép rằng:
Ðaniên 12:4 “Còn như ngươi, hỡi Ðaniên, ngươi hãy đóng lại những lời nầy, và hãy đóng ấn sách nầy cho đến kỳ cuối cùng. Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học thức sẽ được thêm lên.” và theo Kinh Thánh bản dịch mới thì được chép rằng “Về phần ngươi, Ðaniên, hãy giữ kín lời này và niêm phong sách lại cho đến thời kỳ cuối cùng. Nhiều người sẽ đi đây đó và sự hiểu biết sẽ gia tăng.”, và:
Ðaniên 12:9-10 “Người trả lời rằng: Hỡi Ðaniên, hãy đi; bởi vì những lời nầy đã đóng lại và đóng ấn cho đến kỳ cuối cùng. Sẽ có nhiều kẻ tự làm nên tinh sạch và trắng, và được luyện lọc. Nhưng những kẻ dữ sẽ cứ làm điều dữ; trong những kẻ dữ chẳng ai sẽ hiểu; song kẻ khôn sáng sẽ hiểu.”
Kinh Thánh phán rằng “Trong những kẻ dữ chẳng ai sẽ hiểu.” Kẻ dữ này là ai? Chúng ta ắt sẽ tìm ra giải đáp trong Kinh Thánh. Ðã được chép rằng:
Nêhêmi 13:17 “Bấy giờ tôi quở trách các người tước vị Giuđa, mà rằng: Việc xấu xa các ngươi làm đây là chi, mà làm cho ô uế ngày sabát?”
Kinh Thánh gọi “sự làm cho ô uế ngày Sabát” là “việc xấu xa”, còn đấng tiên tri Êsai lại chép rằng nếu giữ điều răn của loài người thì sự khôn ngoan của người khôn ngoan sẽ ra hư không, sự thông sáng của người thông sáng sẽ bị giấu đi.
Êsai 29:13-14 “Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm; sự chúng nó kính sợ ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho; vì cớ đó, ta sẽ cứ làm việc lạ lùng giữa dân nầy, sự lạ rất lạ đến nỗi sự khôn ngoan của người khôn ngoan sẽ ra hư không, sự thông sáng của người thông sáng sẽ bị giấu.” Ngược lại, đã được chép rằng:
Khải Huyền 14:12 “Ðây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: Chúng giữ điều răn của Ðức Chúa Trời và giữ lòng tin Ðức Chúa Jêsus.”
Sứ đồ Phaolô chép về những người đã nhận được sự khôn ngoan như sau:
Êphêsô 1:7-9 “Ấy là trong Ðấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng, khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài.”
Ðaniên 12:10 “… trong những kẻ dữ chẳng ai sẽ hiểu; song kẻ khôn sáng sẽ hiểu.” Ðúng như lời phán câu trên, nếu ai đã được cứu chuộc bởi huyết Chiên Con của Lễ Vượt Qua giao ước mới thì sẽ được đầy tràn sự khôn ngoan và thông sáng mà biết được hết thảy mọi sự mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời.
Tuy nhiên, Ðức Chúa Trời cho đấng tiên tri được lựa chọn biết trước; rồi cho các vị – những người đã tiếp nhận lẽ thật qua đấng tiên tri ấy, được biết sau. Đã được chép rằng:
Amốt 3:7 “Cũng vậy, Chúa Giêhôva chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri.”
Mỗi một sự mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời đều có kỳ định của nó, và bảy tiếng sấm, là sự mầu nhiệm cuối cùng, cũng được tháo ấn và mở ra vào đúng kỳ đã định của nó bởi một người đã được định sẵn. Ví bằng bảy tiếng sấm này không được đóng ấn và niêm phong thì công việc cuối cùng của Ðức Chúa Trời sẽ đối mặt với nguy cơ bị phương hại lớn.
Việc đóng ấn và niêm phong bảy tiếng sấm này tương tự với việc vua Nêbucátnếtsa nước Babylôn ngày xưa đã bị quên mất giấc chiêm bao. Nếu vua không quên mất giấc chiêm bao ấy thì hết thảy mọi bác sĩ hoặc thầy bói hoặc thuật sĩ đều giải nghĩa chiêm bao một cách giả dối. Chiêm bao của vua ấy là vấn đề rất trọng đại liên quan đến việc người dân Ðức Chúa Trời giành nước đời đời vào ngày tận thế, mà bị giải nghĩa giả dối thì sẽ ra sao? Cho nên, Ðức Chúa Trời đã khiến cho vua quên mất giấc chiêm bao ấy và để dành cho Ðaniên là người được đảm nhiệm giải nghĩa đúng đắn.
Ðaniên 2:9 “Nhưng, nếu các ngươi không tỏ cho ta biết chiêm bao, thì cũng chỉ có một luật cho các ngươi; vì các ngươi đã điều đình với nhau đem những lời giả dối bậy bạ nói cùng ta, cho đến ngày giờ sẽ thay đổi. Vậy, hãy nói chiêm bao cho ta, và ta sẽ biết rằng các ngươi có thể giải nghĩa được.”
Nhưng, điều quan trọng ở đây nữa là nếu không thể tỏ ra cho vua biết chiêm bao ấy và giải nghĩa nó ra thì không chỉ các bác sĩ hay thầy bói hay thuật sĩ mà kể cả người dân của Đức Chúa Trời là Ðaniên và ba người bạn cũng đều phải bị xử chết. Nên Ngài đã khiến cho những người khác không thể giải nghĩa chiêm bao mà chỉ cho Ðaniên biết điềm chiêm bao ấy, để hầu cho mọi người phải thừa nhận rằng lời giải nghĩa của Đaniên là chính xác. Tương tự, bởi vì bảy tiếng sấm này cũng chứa đựng lẽ thật hết sức quan trọng đến nỗi bởi đó mà quyết định vận mệnh Hội Thánh, nên nếu không giải nghĩa vấn đề này thì không chỉ các bác sĩ của Babylôn trên thế gian này, tức là các bác sĩ của hội thánh giả dối, mà kể cả các linh hồn của dân Ðức Chúa Trời cũng phải bị hủy diệt thôi. Vậy, giống như đã khiến cho vua quên mất điềm chiêm bao, Ngài cũng hầu cho đóng ấn bảy tiếng sấm, rồi lại hầu cho mở ấn ra, để khi người đảm đương nhiệm vụ mở ấn giải nghĩa lẽ thật sâu sắc chứa đựng trong đó thì những người hiểu ra lẽ thật ấy hoàn toàn tin tưởng theo. Nếu Ngài đã không đóng ấn bảy tiếng sấm này thì ắt tất cả các giáo sư giả đã giải nghĩa giả dối và làm cho ý muốn của Ðức Chúa Trời bị hỏng đi. Bởi vậy, bảy tiếng sấm này là lẽ thật hết sức quan trọng quyết định vận mệnh Hội Thánh cuối cùng nên đã bị đóng ấn.
Thế thì, ai sẽ tháo ấn và mở ra bảy tiếng sấm bị đóng ấn này? Sứ đồ Giăng đã chép rằng:
Khải Huyền 5:1-6 “Rồi, tôi thấy trong tay hữu Ðấng ngồi trên ngôi một quyển sách viết cả trong lẫn ngoài, có đóng bảy cái ấn. Tôi cũng thấy một vị thiên sứ mạnh mẽ cất tiếng lớn kêu rằng: Ai đáng mở quyển sách này và tháo những ấn này? Dầu trên trời, dưới đất, bên dưới đất, không ai có thể mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa. Vì không có ai đáng mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa, nên tôi khóc dầm dề. Bấy giờ, một người trong các trưởng lão nói với tôi rằng: Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giuđa, tức là Chồi của vua Ðavít, đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra. Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sinh vật, cùng chính giữa các truởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết.”
Vì đã được chép “Chiên Con như đã bị giết” rồi nên Chiên Con vào những ngày sau rốt, tức là Ðấng với danh Ðavít mà đến một cách bí mật, phải tháo bảy cái ấn và đồng thời cũng phải mở ra bảy tiếng sấm đã bị đóng ấn. Chính vì thế, Ðức Chúa Jêsus tiên tri rằng sự tháo ấn bảy tiếng sấm này sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn trong một dòng dõi cuối cùng chứ không thể xảy đến với những hội thánh được lập ra cách đây 100 năm hay 200 năm trước.
Mathiơ 24:31-34 “Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia. Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến.”
Dù cho có một tín đồ trong một hội thánh nào đó hiểu ra và làm chứng sự kín nhiệm của bảy tiếng sấm chăng nữa, thì hội thánh đó cũng sẽ không chấp nhận lẽ thật ấy. Bởi vì các truyền thống của mỗi hội thánh đang chi phối bản thân hội thánh đó.
Chương 2 3 kỳ 7 lễ trọng thể
Trong luật pháp Môise, mỗi năm có 3 kỳ 7 lễ trọng thể, tức là 7 lễ trọng thể được tổ chức thành 3 kỳ. Về 3 kỳ lễ trọng thể, trong sách Xuất Êdíptô Ký được chép là “Lễ Bánh Không Men, Lễ Mùa Màng Hoa Quả Ðầu Tiên và Lễ Mùa Gặt” (Xuất Êdíptô Ký 23:14-17, 34:18-23); trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký thì được chép là “Lễ Bánh Không Men, Lễ Bảy Tuần và Lễ Lều Tạm” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16-17), và còn trong sách II Sử Ký thì lại được chép là “Lễ Bánh Không Men, Lễ Các Tuần Lễ, và Lễ Lều Tạm” (II Sử Ký 8:13).
Thế thì, tại sao tên gọi của lễ trọng thể của 3 kỳ lại khác nhau? Ấy là vì có khi một lễ lại có hai ba tên gọi khác nhau để biểu thị ý nghĩa của lễ trọng thể ấy. Cho nên, tên gọi của lễ trọng thể khác nhau không có nghĩa là không cùng một lễ. Chẳng hạn, Lễ Mùa Màng Hoa Quả Ðầu Tiên và Lễ Bảy Tuần đều thuộc vào cùng một lễ trọng thể; Lễ Mùa Gặt và Lễ Lều Tạm đều thuộc vào cùng một lễ trọng thể tháng 7.
Hơn nữa, tuy nói là 3 kỳ lễ trọng thể, nhưng không phải chỉ có 3 lễ trọng thể, mà có tất cả 7 lễ trọng thể của 3 kỳ. 7 lễ trọng thể này có hơn 15 tên gọi khác nhau bao gồm cả tên chính và tên phụ. Ngoài ra, còn có lễ Phurim và Lễ Khánh Thành không thuộc vào luật pháp Môise (Êxơtê 9:21, 31, Giăng 10:22).
Và tên chính của 7 lễ trọng thể như sau: Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, Lễ Trái Ðầu Mùa, Lễ Ngũ Tuần, Lễ Kèn Thổi, Ngày Lễ Chuộc Tội, Lễ Lều Tạm. Bảy lễ trọng thể này được tổ chức thành 3 kỳ như sau:
Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men được tổ chức vào kỳ 1,
Lễ Trái Ðầu Mùa và Lễ Ngũ Tuần được tổ chức vào kỳ 2,
Lễ Kèn Thổi, Ngày Lễ Chuộc Tội, Lễ Lều Tạm được tổ chức vào kỳ 3.
Và ngoài bảy tên chính trên ra, bảy lễ trọng thể này cũng có tên gọi khác như: Lễ Bánh Không Men còn được gọi là lễ bảy ngày (Êxêchiên 45:21); Lễ Trái Ðầu Mùa thì được gọi là lễ đưa vẫy (Lêvi Ký 23:11, Xuất Êdíptô Ký 23:15-16, 34:22); lễ nhà lều thì được gọi là Lễ Lều Tạm (Exơra 3:4-6, Giăng 7:2) chẳng hạn. Vậy, bảy lễ trọng thể này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, và hết thảy mọi tên của các lễ trọng thể ấy như sau:
Lễ Bánh Không Men, Lễ Vượt Qua, lễ bảy ngày, Lễ Mùa Màng Hoa Quả Ðầu Tiên, Lễ Hoa Quả Ðầu Tiên, lễ đưa vẫy, Lễ Bảy Tuần, lễ của các tuần lễ, Lễ Ngũ Tuần, Lễ Mùa Màng, lễ mùa gặt, lễ tháng bảy, lễ nhà lều, Lễ Lều Tạm, Lễ Kèn Thổi, Ngày Lễ Chuộc Tội.
Có tên của các lễ trọng thể như thế này, nên 3 kỳ 7 lễ trọng thể được gọi bằng nhiều tên khác nhau (Tham khảo: Nêhêmi 8:2, 14, Xuất Êdíptô Ký 23:15-17, 34:18-22, Lêvi Ký 23:10-16, 39-41, Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:9-10).
Lễ trọng thể và lời tiên tri
Thông qua công việc của Môise, Ðức Giêhôva đã lập ra 3 kỳ 7 lễ trọng thể này, ấy là các công việc của Ðức Chúa Jêsus sẽ được ứng nghiệm từ ngày thập tự giá đến ngày tái lâm. 7 lễ trọng thể này được chia thành 3 kỳ.
Kỳ 1: Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men được bắt đầu cùng lúc bởi sự ăn bánh không men trong bảy ngày từ buổi tối ngày 14 đến buổi tối ngày 21 tháng giêng thánh lịch, hàng năm người dân Ysơraên đã kỷ niệm những ngày lễ này (Xuất Êdíptô Ký 12:18). Sở dĩ Ðức Giêhôva phán dân Ysơraên phải giữ Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men trải qua các đời là để cho họ ghi nhớ hoạn nạn từ lúc rời khỏi xứ Êdíptô bởi quyền năng của Đức Giêhôva vào buổi tối Lễ Vượt Qua cho đến tận khi vượt qua Biển Đỏ, đồng thời để cho họ kỷ niệm quyền năng của Đức Chúa Trời (Xuất Êdíptô Ký 13:7-8). Trong lễ trọng thể này, Ðức Chúa Trời phán bảo họ phải dùng bánh không men cùng rau đắng để biểu thị sự hoạn nạn, mà bánh không men còn được gọi là bánh hoạn nạn (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:3, Xuất Êdíptô Ký 12:17-18, Dân Số Ký 9:11, Lêvi Ký 23:5-6, II Sử Ký 35:17, Mác 14:12).
Thật ra lễ trọng thể này biểu tượng cho sự đau đớn mà Ðức Chúa Jêsus phải chịu từ sau đêm Ngài ăn Lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đồ, suốt cho đến lúc Ngài bị tắt hơi trên thập tự giá. Và sự kiện dân Ysơraên đi xuống Biển Ðỏ biểu tượng cho sự Ðức Chúa Jêsus xuống mồ, và sự lên khỏi Biển Ðỏ biểu tượng cho sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus, và ý nghĩa ấy được tỏ ra trong phép Báptêm mà hiện nay chúng ta đang chịu (I Côrinhtô 10:1-2, I Phierơ 3:21).
Kỳ 2: Lễ Mùa Màng Hoa Quả Ðầu Tiên là sự dâng của lễ chay vào ngày sau ngày Sabát đến đầu tiên (Chủ nhật) sau khi giữ Lễ Bánh Không Men, do dân Ysơraên mang đến thầy tế lễ một bó lúa mì đầu tiên đầu mùa và thầy tế lễ dâng lễ đưa vẫy trước mặt Ðức Giêhôva; và là sự dâng một của lễ chay mới nữa sau đó vào ngày Lễ Ngũ Tuần, là một ngày sau bảy tuần lễ trọn, tức là đúng 50 ngày trọn kể từ ngày lễ đưa vẫy (Lêvi Ký 23:10-16, Xuất Êdíptô Ký 34:22, Dân Số Ký 28:26, Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:9-10, Công Vụ Các Sứ Ðồ 2:1). Bởi vì từ ngày 22 tháng giêng là cái ngày dân Ysơraên lên khỏi Biển Ðỏ sau khi khỏi ra xứ Êdíptô, đến ngày 11 tháng 3 là ngày Môise lên núi Sinai để nhận lấy Mười Ðiều Răn, vừa trọn 50 ngày (Tham khảo: Xuất Êdíptô Ký 19:16-25, 24:1-18), cho nên để ghi nhớ những ngày đó, Ngài lập ra Lễ Mùa Màng Hoa Quả Ðầu Tiên này và phán người dân phải kỷ niệm trải qua các đời (Xuất Êdíptô Ký 14:29-31, 19:1-2, 24:12-16). Thực thể của lễ trọng thể này được ứng nghiệm bởi sự việc Ðức Chúa Jêsus đã đổ cho Thánh Linh nhằm ngày thứ 50 kể từ ngày phục sinh, tức là vào ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày Ngài đã đi vào nơi rất thánh trên trời. Sự kiện Môise lên núi Sinai và nhận lấy Mười Ðiều Răn biểu tượng cho sự việc Ðức Chúa Jêsus đi vào nơi thánh trên trời, nhận lấy Thánh Linh đổ ra cho các môn đồ (Công Vụ Các Sứ Ðồ 2:1-4, Hêbơrơ 9:11-12).
Còn Môise đã từng đóng trại ở đồng vắng tại nơi đối diện với núi Sinai và lên trước mặt Ðức Chúa Trời vào ngày mùng một tháng 3 thánh lịch, tức là ngày thứ 40 kể từ ngày 22 tháng giêng là cái ngày lên khỏi Biển Ðỏ. Ðiều này cũng cho thấy sự việc thật thể là sự việc Ðức Chúa Jêsus thăng thiên nhằm ngày thứ 40 kể từ ngày phục sinh (Xuất Êdíptô Ký 19:1-7*, Công Vụ Các Sứ Ðồ 1:3-9). Vậy, những sự việc Môise đã làm tại núi Sinai cho thấy sự ứng nghiệm mà Ðức Chúa Jêsus sẽ làm tại nơi thánh trên trời.
Kỳ 3: Lễ mùa gặt còn được gọi là lễ tháng 7 (Nêhêmi 8:13-14). Vào ngày mùng 1 tháng 7 thánh lịch, với tiếng kèn thổi rất lớn, dân sự chuẩn bị cho Đại Lễ Chuộc Tội. Vào ngày 10 tháng 7 thánh lịch, thầy tế lễ thượng phẩm lấy huyết bò huyết dê mà dâng tế lễ chuộc tội cho mình và cả cho dân chúng nữa, rồi mỗi năm một lần thầy tế lễ thượng phẩm đi vào nơi rất thánh mà xông hương. Kể từ ngày 15 tháng 7 thánh lịch, dân sự giữ Lễ Lều Tạm trong 7 ngày, trong những ngày đó dân sự đi lên núi lấy nhánh ôlive, tầu lá kè mang về để dựng lều tạm, lợp trên nóc nhà mình hay rải ra tại hành lang trong đền thờ, và ở lại trong đó để kỷ niệm đền tạm đã được dựng lên bởi Môise, đồng thời họ giúp đỡ lẫn nhau một cách vui mừng (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:11-15, Lêvi Ký 23:39-43, Nêhêmi 8:9-18).
Ðức Chúa Trời đã lập ra lễ trọng thể này để kỷ niệm công việc Môise đã làm: Vào ngày 11 tháng 3, Môise đã đi lên núi Sinai trước mặt Ðức Giêhôva để nhận lấy Mười Ðiều Răn lần thứ nhất (Xuất Êdíptô Ký 24:15-18). Nhưng trong khi người ở lại đó trong 40 ngày, dân chúng đã đúc tượng bò con vàng rồi thờ mọp nó. Sau khi nhận lấy Mười Ðiều Răn vào ngày 21 tháng 4, khi trở về từ trên núi, Môise thấy cảnh tượng ấy của dân chúng, người lập tức ném hai bảng đá Mười Ðiều Răn xuống chân núi mà làm bể nó. Nhân đó, trong dân sự Ysơraên có sự nổi loạn và tai vạ đã giáng trên chính họ, và khoảng 3.000 người dân bị chết (Xuất Êdíptô Ký 32:1-28). Sau đó, cho sắp xếp lại tất cả, làm yên lòng dân sự, Môise dời đền tạm đi ra xa và dựng lại tại ngoài trại quân, còn dân sự lột hết các đồ trang sức và dọn dẹp sạch lòng nữa, phàm ai muốn cầu khẩn Ðức Giêhôva thì đi đến hội mạc ở ngoài trại quân mà thờ lạy Ngài (Xuất Êdíptô Ký 33:1-11). Nhờ Môise tha thiết cầu khẩn, Ðức Giêhôva nhậm lời mà ban ơn lại cho dân Ysơraên, Ngài phán cùng Môise rằng đục hai bảng đá như hai bảng trước mà người đã làm bể rồi mang lên núi (Xuất Êdíptô Ký 33:12-17).
Ngày nhận được Mười Ðiều Răn
Vào ngày mùng 1 tháng 6, Môise đục lại hai bảng đá như hai bảng trước mà mình đã làm bể, rồi mang theo lên núi Sinai trước mặt Ðức Giêhôva, và trong khi Môise ở lại đó và kiêng ăn trong 40 ngày, Ðức Giêhôva khắc lại Mười Ðiều Răn trên hai bảng đá ấy. Vào ngày 10 tháng 7 thánh lịch, Môise mang theo Mười Ðiều Răn ấy từ trên núi trở xuống và truyền dặn cho cả dân Ysơraên các mạng lịnh mà Ðức Giêhôva đã phán dặn cùng mình và các điều để lập lên đền tạm. Từ ngày 15 tháng ấy, mọi người có lòng cảm động đều đã tự nguyện đem đến nguyên vật liệu dựng lên đền tạm như vàng, bạc, vải gai mịn, da, gỗ v.v… đến nỗi dư dật (Xuất Êdíptô Ký 34:4-35, 36:5-7). Khoảng trong 7 ngày, cả dân sự làm hết mọi thứ nỗ lực. Ðể làm cho dân sự ghi nhớ hết thảy mọi công việc ấy trải qua đời đời, Đức Giêhôva đã định ra lễ trọng thể tùy theo công việc của Môise: Ngài định ra Đại Lễ Chuộc Tội nhằm ngày Môise đem theo hai bảng đá Mười Ðiều Răn trở xuống từ trên núi Sinai; còn định ra Lễ Lều Tạm nhằm ngày đầu tiên dân sự bắt đầu dâng lên các nguyên vật liệu dựng lên đền tạm, và hầu cho lễ ấy được giữ rất thánh kéo dài trong 7 ngày để kỷ niệm công việc dựng lên đền tạm.
Còn về sự định ra Lễ Kèn Thổi nhằm ngày mùng 1 tháng 7 chính là chuẩn bị cho Đại Lễ Chuộc Tội nên Ngài định ngày mùng 1 tháng 7 là Lễ Kèn Thổi.
Bởi vậy, Ngài đã lựa chọn ngày Môise đi lên núi Sinai để nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ nhất mà định ra Lễ Ngũ Tuần. Bởi vì trước khi Môise đi lên núi để nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn, Ðức Chúa Trời đã phán trực tiếp Mười Ðiều Răn ấy bằng giọng tiếng của Ngài rồi (Xuất Êdíptô Ký 20:1-19, 24:15-18) nên Ngài đã chọn ngày Môise lên núi nhận hai bảng đá Mười Ðiều Răn mà định ra Lễ Ngũ Tuần.
Nhưng khi Môise đi lên núi để nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai thì Ngài đã chọn ngày Môise nhận lấy Mười Ðiều Răn sau khi kiêng ăn 40 ngày trên núi mà định ra Đại Lễ Chuộc Tội, là ngày dân sự được tha tội.
Lễ Lều Tạm và lời tiên tri
Hết thảy lễ trọng thể này đều là hình bóng của sự việc sẽ xảy đến trong tương lai. Sự việc Môise nhận lấy Mười Ðiều Răn từ Đức Giêhôva ở trên núi Sinai và truyền lại cho dân sự, biểu tượng cho việc Ðức Chúa Jêsus nhận lấy Thánh Linh bởi Ngài đi vào nơi rất thánh trên trời và đổ ra cho các sứ đồ (Công Vụ Các Sứ Ðồ 2:32-33).
Tuy nhiên, Môise đã làm bể hai bảng đá Mười Ðiều Răn đã nhận lấy lần trước. Ấy là giống như Mười Điều Răn ấy đã bị làm bể do dân sự phạm tội đúc hai tượng bò con vàng và thờ mọp chúng, thì Thánh Linh mà Ðức Chúa Jêsus đã đổ ra cho các sứ đồ nhằm ngày Lễ Ngũ Tuần, là ngày Ngài đã đi vào nơi rất thánh trên trời lần đầu tiên, đã bị rút lại do hội thánh trở nên tha hóa mà hầu việc thần mặt trời, và chỉ một tia sáng được để lại cho Ðấng Christ mà thôi. Đã được chép rằng “Ta sẽ để lại… Ðavít, kẻ tôi tớ ta, hằng có một ngọn đèn trước mặt ta luôn luôn.” (I Các Vua 11:36). Ðức Chúa Trời đã phán ra lời này khi vương quốc bị chia thành hai nước do Salômôn, là con trai của Ðavít, đã phạm tội (Tham khảo: I Các Vua 11:1-13).
Song lời tiên tri này là sự tỏ ra trước về điều sẽ được ứng nghiệm sau thời đại sứ đồ. Hội Thánh đã bị bắt bớ triệt hạ và bị Satan giẫm phá trong một thời gian dài. Vả, sự việc Môise đi lên núi Sinai và nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai là sự việc Ðức Chúa Jêsus đi vào nơi rất thánh trên trời lần thứ hai tương lai, là sự tỏ bày cho chúng ta thấy sự việc Ngài đi vào nơi thánh trên trời vào ngày 22 tháng 10 năm 1844, tức là nhằm ngày 10 tháng 7 thánh lịch, là Đại Lễ Chuộc Tội, vì sự nghiệp Tin Lành của thời đại tận thế.
3 kỳ 7 lễ trọng thể chứa đựng lẽ thật vô cùng trong đó, và là sự Ngài chứng tỏ cho những sự việc sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn từ thời Môise cho đến ngày tận thế. Vậy, 3 kỳ lễ trọng thể này biểu tượng cho thời đại Ðức Cha, Ðức Con và Ðức Thánh Linh, và bởi đó mà Ðức Chúa Trời tỏ ra quyền năng của Ngài.
Kỳ thứ nhất là Lễ Bánh Không Men tương ứng với thời đại Ðức Cha. Bởi sự hành sự trực tiếp của Ngài, Ðức Giêhôva đích thân đã dẫn dân Ysơraên phần xác thịt ra khỏi Êdíptô.
Kỳ thứ hai là Lễ Mùa Màng Hoa Quả Ðầu Tiên tương ứng với thời đại Ðức Con. Ðức Chúa Jêsus làm Lúa Mì chín đầu tiên vào mùa màng lúa mì, đã phục sinh với tư cách là Trái chín đầu tiên của những kẻ ngủ (I Côrinhtô 15:20), và thăng thiên, rồi đi vào nơi thánh trên trời, bởi đó Ngài ban xuống Thánh Linh mưa đầu mùa và thu hoạch hết thảy sản vật sự gieo trồng vào mùa màng lúa mì của thời đại Hội Thánh sơ khai.
Kỳ thứ ba là Lễ Lều Tạm tương ứng với thời đại Ðức Thánh Linh. Lễ này biểu tượng cho mùa gặt, là kỳ thu hoạch sản vật sự gieo trồng vào mùa thu về lúc cuối năm. Nhân lễ này, hết thảy mọi lúa mì trên cả thế gian đều được thu hoạch và đem về kho trên trời.
Cho đến nay, tất cả các lễ trọng thể đều đã được ứng nghiệm trọn vẹn rồi, nhưng còn một lễ trọng thể cuối cùng thì chưa, ấy là Lễ Lều Tạm. Ấy là sự làm cho biểu tượng rằng trong kỳ lễ này sẽ có phong trào giáng lâm của Đức Chúa Jêsus sau khi được nhận lãnh tuyên bố về ngày kỳ giáng lâm của Ðức Chúa Jêsus. Sự ứng nghiệm trọn vẹn sau cùng của Lễ Lều Tạm, mà được giữ từ xưa, chính là phong trào giáng lâm cuối cùng của Đức Chúa Jêsus.
Lễ trọng thể và thập tự giá
Bây giờ điều đặc biệt mà chúng ta phải biết là Ðức Chúa Jêsus đang làm công việc gì tại nơi thánh trên trời, và thời gian bây giờ là thời gian gì. Ðức Chúa Trời đã chuẩn bị để cho chúng ta biết được tất cả điều đó. Ấy là sự xem thấy nơi thánh trên trời bởi công việc nghiên cứu vấn đề nơi thánh trên đất này đã được lập ra bởi luật pháp Môise. Khi Môise được nhận sự chỉ bảo dựng lên đền tạm, Ðức Chúa Trời đã tỏ cho nhìn thấy vấn đề nơi thánh trên trời là sự mà trong tương lai Ðức Chúa Jêsus sẽ làm chức vụ của mình ở nơi thánh trên trời, và phán bảo người phải bắt chước theo kiểu mẫu đó mà dựng lên. Ðã được chép rằng:
Hêbơrơ 8:1-5 “Ðại ý điều chúng ta mới nói đó, là chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm, ngồi bên hữu ngai của Ðấng tôn nghiêm trong các từng trời, làm chức việc nơi thánh và đền tạm thật, bởi Chúa dựng lên, không phải bởi một người nào. Phàm thầy tế lễ thượng phẩm đã được lập lên là để dâng lễ vật và hi sinh; vậy thì Ðấng nầy cũng cần phải dâng vật gì. Nếu Ngài còn ở thế gian, thì Ngài chẳng phải là thầy tế lễ, vì ở thế gian có những thầy tế lễ dâng lễ vật theo luật pháp dạy, và giữ sự thờ phượng, sự thờ phượng đó chẳng qua là hình và bóng của những sự trên trời mà thôi, cũng như khi Môise gần dựng đền tạm, thì Ðức Chúa Trời phán bảo rằng: Hãy cẩn thận, làm mọi việc theo như kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi tại trên núi.”
Cho nên, nơi thánh trên trời Môise đã xem thấy không phải là nơi thánh đương thời đã có nhưng lại là đền tạm trên trời mà Ðức Chúa Jêsus sẽ dựng lên sau, đến khi sang thời đại Tân Ước. Với việc nghiên cứu về đền tạm trên đất này, chúng ta có thể tìm hiểu được lẽ thật thiết yếu về nơi thánh trên trời, và cũng biết được phụng sự của Ðức Chúa Jêsus là gì ở đó vì cứu chuộc nhân loại nữa. Ðền tạm trên đất là sự bày tỏ mô hình mà thông qua đó hầu cho nhân loại xem thấy được nơi thánh trên trời, ở đó Ðấng Christ, là Ðấng mở đường cho chúng ta, phụng sự trước mặt Ðức Chúa Trời. Bởi vậy, nếu không nghiên cứu vấn đề nơi thánh thì chúng ta không thể hiểu ra được chương trình cứu chuộc; còn, nếu không hiểu chương trình cứu chuộc thì không thể biết được sự cứu rỗi. Nhờ hy sinh trên thập tự giá, tế lễ về chữ được cử hành theo 3 kỳ 7 lễ trọng thể đã được đổi thành tế lễ cầu nguyện bằng tâm thần và lẽ thật (Hêbơrơ 7:12, 8:3, I Côrinhtô 5:7-8, Giăng 4:24).
Ðức Chúa Jêsus là của lễ của bao nhiêu lễ trọng thể?
Thập tự giá đã làm cho hết thảy các lễ trọng thể đều được trọn vẹn cùng một lúc. Huyết báu của Ngài chính là huyết của chiên Lễ Vượt Qua; cùng là huyết của bò con – của lễ chuộc tội cho các thầy tế lễ; cùng là huyết của dê đực – của lễ chuộc tội cho cả dân chúng. Bởi vậy, Ðấng Christ trở thành của lễ chuộc tội đời đời (Hêbơrơ 13:10-12, Rôma 3:25). Sự đau đớn trên thập tự giá và sự chết phần xác của Ngài đã làm cho hoàn thành Lễ Bánh Không Men như sự việc dân Ysơraên xác thịt ra khỏi xứ Êdíptô, là xứ của tội lỗi. Bởi sự phục sinh vào Lễ Trái Ðầu Mùa, Ngài đã trở thành Trái chín đầu tiên mùa màng lúa mì và làm cho hoàn thành của lễ của Lễ Ðưa Vẫy. Bởi sự đi vào nơi rất thánh trên trời vào Lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi phục sinh, từ nơi Cha, Đức Chúa Jêsus đã nhận Thánh Linh mà đổ ra trên các sứ đồ (So sánh: Hêbơrơ 9:11-12, 24, 6:19-20, Công Vụ Các Sứ Ðồ 2:33). Còn bởi sự đi vào nơi rất thánh trên trời lần thứ hai, vào ngày 10 tháng 7 thánh lịch, vào năm 1844 SCN, Ngài làm hoàn thành Đại Lễ Chuộc Tội. Vậy, sự việc thập tự giá được làm dấu chứng đời đời của giao ước mới, và chúng ta kỷ niệm các ngày ấy cho đến ngày tận thế (I Côrinhtô 11:26, Êsai 33:20, Sôphôni 3:18).
Trong luật pháp Môise, về tất cả các lễ này, Ngài phán dặn rằng “Hãy nhớ trọn đời, ấy là một lệ định đời đời.” (Xuất Êdíptô Ký 12:14, 24, Lêvi Ký 23:21, Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:3). Vậy, người nào dự phần vào nghi thức của lễ trọng thể nào thì sẽ hiểu ra được lẽ thật của nghi thức lễ ấy. Người giữ Lễ Vượt Qua một cách thiêng liêng thì sẽ được hiểu biết về lẽ thật của Lễ Vượt Qua, ai giữ Lễ Trái Ðầu Mùa và Lễ Ngũ Tuần một cách thiêng liêng thì cũng hiểu ra được lẽ thật của lễ trọng thể ấy. 3 kỳ 7 lễ trọng thể được định ra bởi luật pháp Môise, được đổi thành các ngày quyền năng của Ðức Chúa Trời được trọn vẹn bởi thập tự giá. Bởi vậy, giống như người dân Ysơraên thời cổ đại được ban phước do giữ các lễ trọng thể rất thánh (So sánh: Xuất Êdíptô Ký 20:24, Sôphôni 3:18-20, Exơra 6:19-22, Malachi 2:4-9), chúng ta ngày nay cũng được ban phước thiêng liêng do kỷ niệm các ngày quyền năng của Ðức Chúa Trời, mà đã được trọn vẹn bởi thập tự giá.
Vì nơi chúng ta đang thờ phượng bây giờ là nơi thánh trên trời, nên trong nơi thánh này, thân thể của chúng ta trở thành đền thờ Thánh Linh của Ðức Chúa Trời nhờ huyết giao ước mới của Ðức Chúa Jêsus được ghi tạc vào lòng chúng ta (So sánh: Hêbơrơ 12:18-24, 8:6-10, II Côrinhtô 3:3). Bất cứ nơi nào có giao ước của Ðức Chúa Trời thì chính nơi đó trở thành đền thờ của Ðức Chúa Trời vậy.
Chương 3 Trái sự sống và Mười Ðiều Răn
Sau khi dựng nên trời đất và muôn vật, Ðức Chúa Trời đã đặt cây sự sống giữa vườn Êđen hầu cho Ađam và Êva, là tổ tiên đầu tiên loài người, hái quả cây ấy mà ăn và nhờ đó được sống đời đời. Tuy nhiên, vì Ađam và Êva phạm tội nên Ðức Chúa Trời đành đuổi họ ra khỏi vườn Êđen, rồi đặt hai thần chêrubim với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống. Ðã được chép rằng:
Sáng Thế Ký 3:22-24 “Giêhôva Ðức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng. Giêhôva Ðức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Êđen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra. Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Êđen các thần chêrubim với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống.”
Nếu là một kẻ tội phạm mà giơ tay chạm đến cây sự sống thì sẽ bị chết bởi lưỡi gươm chói lòa. Từ lúc bấy giờ, Ađam là người đã mất trái sự sống, than vãn như Phaolô đã nói “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết này?” (Rôma 7:24). Song Ðức Chúa Trời lại tỏ ra cho người thấy một lẽ thật có thể lại ăn được trái sự sống, ấy là đường khôi phục trái sự sống nhờ huyết báu của Ðấng Christ đổ ra trên thập tự giá, và người được trông thấy điều này từ đằng xa (Hêbơrơ 11:4, 13).
Nên người đã chứng tỏ cho Cain và Abên về lẽ thật ấy. Nhưng Cain đã chối nhận lẽ thật ấy mà dâng tế lễ bằng thổ sản theo ý riêng của mình, còn Abên, với tấm lòng vâng phục, đã nhận lẽ thật ấy và lấy huyết chiên con tượng trưng cho huyết báu của Ðấng Christ mà dâng tế lễ (Sáng Thế Ký 4:1-4). Chế độ này được truyền lại cho đến thời Môise (Sáng Thế Ký 8:20-22, 12:7, 15:9), và từ thời Môise, Ðức Chúa Trời đã lập ra chế độ lệ định hoàn tất được soạn thành bộ luật, Ngài cậy Môise ghi chép 3 kỳ 7 lễ trọng thể để làm chứng về Ðấng Christ, là Ðấng sẽ đến vào những ngày sau (Hêbơrơ 3:5). Khi dựng lên đền tạm trên đất, Môise đã làm theo kiểu mẫu của nơi thánh trên trời mà trong đó Ðấng Christ sẽ làm chức vụ của Ngài vào những ngày sau. Ðền tạm Ðức Chúa Trời tỏ cho Môise thấy không phải là cái mà đã có đương thời, nhưng lại là đền tạm thật sẽ được lập ra nhờ hy sinh của Ðấng Christ trên thập tự giá, và Ngài phán bảo người phải dựng lên theo như kiểu mẫu Ngài đã tỏ cho thấy thông qua sự mặc thị (So sánh: Hêbơrơ 8:2, 5; 9:11-12, 24; 10:1).
Trái sự sống và thần chêrubim
Nếu nghiên cứu nơi thánh trên đất thì thấy có nơi rất thánh ở phía sau bức màn thứ hai, trong đó có hòm bảng chứng với thiên sứ chêrubim ở hai đầu của hòm bảng chứng. Đã được chép rằng:
Xuất Êdíptô Ký 25:18-21 “Lại làm hai tượng chêrubim bằng vàng dát mỏng, để hai đầu nắp thi ân, ló ra ngoài, một tượng ở đầu nầy và một tượng ở đầu kia. Hai chêrubim sẽ sè cánh ra, che trên nắp thi ân, đối diện nhau và xây mặt vào nắp thi ân. Ngươi hãy để nắp thi ân trên hòm, rồi để vào trong hòm bảng chứng mà ta sẽ ban cho.”
Thế thì có lý do nào mà Ðức Chúa Trời cho làm ra hai thiên sứ chêrubim ở hai đầu nắp thi ân trên hòm bảng chứng vậy? Ðó là vì trong hòm có “trái sự sống” dẫn đến sự sống đời đời. Tức là, Mười Ðiều Răn đã được ban ra thay cho trái sự sống mà Ađam và Êva đã hái ăn. Cho nên, Ðức Chúa Jêsus đã phán rằng “Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn.” (Mathiơ 19:16-17). Bất cứ người nào, miễn là ăn được trái sự sống trên trời thì được sống đời đời là điều đương nhiên. Tuy nhiên, đối với kẻ đã mất trái sự sống một lần vì phạm tội thì không chịu đựng được ăn trái sự sống cho đến khi nào được biến hóa từ thân thể hay hư nát này sang thân thể không hư nát, cho nên Ðức Chúa Trời đã ban Mười Ðiều Răn thay cho trái sự sống. Tuy nhiên, đối với tội nhân thì Mười Ðiều Răn này cũng không được nhận lấy một cách tự do; nên sau khi được tinh sạch bằng huyết hy sinh của tế lễ chuộc tội mới nhận lấy được Mười Ðiều Răn. Bằng thân thể của tội nhân mà đi đến gần hòm bảng chứng hoặc giơ tay không tinh sạch mà chạm đến hòm bảng chứng thì bị đánh chết (So sánh: Lêvi Ký 10:1-2, Dân Số Ký 18:3, I Samuên 6:19, II Samuên 6:6-7). Ấy là vì giống như hai thiên sứ chêrubim giữ cây sự sống ở trên trời cầm gươm chói lòa, hai thiên sứ chêrubim giữ hòm bảng chứng cũng cầm gươm chói lòa mà giữ hòm bảng chứng vậy. Tức là, lời “giữ cây sự sống trên trời” bèn là hình ảnh biểu tượng cho việc giữ hòm bảng chứng trong đền tạm thật sẽ được dựng lên bởi huyết báu của Ðấng Christ vào những ngày sau (Sáng Thế Ký 3:22-24, Xuất Êdíptô Ký 25:16-22, 40). Ðã được chép rằng:
Khải Huyền 11:19 “Ðền thờ Ðức Chúa Trời bèn mở ra ở trên trời, hòm giao ước bày ra trong đền thờ Ngài.”
Cho nên, cho dù là thầy tế lễ thượng phẩm, để đi vào nơi rất thánh thì phải được tinh sạch bởi huyết rất thánh của tế lễ chuộc tội mới được vào mà xông hương được (Lêvi Ký 16:1-34, Hêbơrơ 9:18-28).
Song, tất cả mọi sự việc này đều là hình bóng của những việc ngày sau. Nghi thức tế lễ mô hình mà được cử hành từ thời Môise thật ra tượng trưng cho huyết của Ðấng Christ, tức là không phải bởi huyết súc vật mà được tinh sạch nhưng là bởi huyết báu của Ðức Chúa Jêsus Christ mà được tinh sạch vậy. Huyết báu của Ngài đã đổ ra trên thập tự giá để trả tiền công tội lỗi của nhân loại, nên bất cứ người nào nhờ vào chính huyết của Ngài có trong mình, mới có thể được đi vào nơi rất thánh, mà nhận lấy Mười Ðiều Răn (trái sự sống) và đi vào sự sống đời đời vậy (So sánh: Hêbơrơ 10:19-20, 6:19-20, Rôma 3:22-25, 8:3-4). Mặc dù có người được gọi là người công bình ở thế gian này, nhưng nếu không được tinh sạch bởi huyết báu của Ðấng Christ thì không được đi vào sự sống đời đời (So sánh: Công Vụ Các Sứ Ðồ 4:12, Giăng 6:48-57, Hêbơrơ 10:19-20).
Cho nên, chúng ta phải làm cho ý nghĩa của Mười Ðiều Răn được sung mãn bởi sự giữ hết thảy mọi lễ trọng thể tượng trưng cho huyết báu của Ðấng Christ. Không giữ lễ trọng thể thì cũng không thể có được sự tinh sạch bởi huyết báu của Ðấng Christ. Sự được tinh sạch bởi huyết báu của Ðấng Christ, vào thời đại Cựu Ước ngày xưa lẫn thời đại Tân Ước ngày nay, đều có nghĩa là được tinh sạch bởi huyết báu của Ðấng Christ bằng lễ trọng thể. Vậy nên, trong Kinh Thánh, Ðức Chúa Trời đã phán rằng “Ta ban cho chúng nó luật lệ của ta, và làm cho chúng nó biết mạng lịnh ta, là điều nếu người ta làm theo thì được sống bởi nó.” (Êxêchiên 20:11, 18:9, Lêvi Ký 18:4, 5).
Các nghi thức đã được cử hành trong nơi thánh trên đất trở thành các nghi thức được cử hành tại nơi thánh trên trời nhờ Ðấng Christ. Các công việc được cử hành mang tính mô hình tại nơi thánh trên đất này đương nhiên sẽ được chấp hành tại nơi thánh trên trời. Giả sử lễ trọng thể đã bị bỏ rồi thì Ðức Chúa Jêsus cũng đã không cần thiết phải làm chức vụ của thầy tế lễ thượng phẩm (Hêbơrơ 8:3, Êsai 33:20).
Hoặc có người nói rằng lễ trọng thể và Mười Ðiều Răn không có liên quan gì với nhau cả. Người như vậy là người không hiểu ra được điều hành của chương trình cứu chuộc. Thật ra, vì có Mười Ðiều Răn nên đã xây dựng đền thờ, và vì có đền thờ nên cần thiết lễ trọng thể vậy. Tất cả các luật lệ và mạng lịnh về lễ trọng thể mà Ðức Chúa Trời đã ban cho thông qua Môise trở thành điều răn thứ nhất của Ðức Chúa Trời, vậy nên đối với người dân của Ðức Chúa Trời thì dĩ nhiên có nghĩa vụ phải giữ.
Nếu chúng ta không giữ lễ trọng thể của Ðức Giêhôva thì chính chúng ta cũng chẳng nhận ra được mình đang tôn thờ thần nào trong vô số các thần trên thế gian mà cứ tôn thờ thôi. Ngày xưa, Giêrôbôam, vua nước Ysơraên, đã làm ra tượng bò con vàng ngay khi người không cho dân chúng giữ lễ trọng thể của Ðức Giêhôva (I Các Vua 12:25-33). Ngược lại, vua Êxêchia và vua Giôsia đã đánh đổ hết các hình tượng, phá hủy hết thảy nơi tế lễ và diệt trừ mọi đồng cốt ngay khi họ hiểu biết và giữ lễ trọng thể của Ðức Giêhôva (II Sử Ký 30:1-5, 31:1-2, II Các Vua 23:1-4, 21-24). Có sự thực chắc chắn rằng vua Giôsia cũng đã từng hầu việc bàn thờ và các hình tượng do ông nội là vua Manase đã dựng lên trước khi người hiểu biết về lễ trọng thể của Ðức Giêhôva. Bất cứ người nào không hiểu ra được ý muốn thật của Ðức Chúa Trời thì đều bị xui khiến thờ lạy hình tượng một cách tự nhiên.