- “Tình yêu thương”, điều răn lớn hơn hết làm trọn luật pháp
- Lễ trọng thể giao ước mới, phương pháp giữ được điều răn lớn hơn hết
- Lễ Vượt Qua giao ước mới là điều răn mới “Hãy yêu nhau”
- Nguyên lý tình yêu thương được chứa đựng trong Lễ Vượt Qua giao ước mới
- Công việc thiện lành của các thánh đồ thực tiễn tình yêu thương, là điều răn lớn hơn hết
2000 năm trước, một thầy dạy luật đã hỏi Đức Chúa Jêsus rằng “Điều răn lớn hơn hết là gì?” Đức Chúa Jêsus phán rằng “Hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời, ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết, còn điều răn thứ hai là yêu người lân cận như mình.” Lời này nghĩa là sự trọn vẹn của luật pháp chính là tình yêu thương.
Vào thời đại này, Đấng Christ Tái Lâm An Xang Hồng đã cho biết ý nghĩa chân chính của “điều răn lớn hơn hết” như lời Đức Chúa Jêsus đã phán, và phương pháp để thực tiễn được điều răn ấy. Ngài ban cho lời dạy dỗ rằng chúng ta có thể thực tiễn tình yêu thương trọn vẹn thông qua lễ trọng thể của giao ước mới bao gồm Lễ Vượt Qua, và cũng phải đi theo con đường đầy tình yêu thương và hy sinh của Đấng Christ bằng công việc thiện lành.
“Tình yêu thương”, điều răn lớn hơn hết làm trọn luật pháp
Đức Chúa Trời đã ban cho luật pháp của Môise và luật pháp của Đấng Christ vào thời đại Cựu Ước và Tân Ước để cứu rỗi người dân của Ngài. Đức Chúa Jêsus phán rằng sự làm trọn hết thảy mọi luật pháp này chính là “tình yêu thương”, là điều răn lớn hơn hết.
“Có một thầy dạy luật trong bọn họ hỏi câu nầy để thử Ngài: Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” Mathiơ 22:35-40
Ngài phán rằng việc hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết, còn điều răn thứ hai là yêu người lân cận như mình. Và phán thêm rằng “Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”, tức là hai điều răn này là nền tảng, là hàng đầu. Điều này nghĩa là hết thảy luật pháp Cựu Ước bao gồm cả Mười Điều Răn đều tóm lại trong hai điều này.
Mười Điều Răn tiêu biểu cho luật pháp Cựu Ước được chia ra thành hai phần lớn. Từ điều răn thứ nhất đến điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn là “điều răn thuộc về Đức Chúa Trời” mà người dân phải giữ trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Điều răn thứ năm đến điều răn thứ mười là “điều răn thuộc về loài người” mà người dân phải giữ trong mối quan hệ giữa người với người.
Có thể thực tiễn phần thứ nhất bởi điều răn “Hãy hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời.” Bởi vì người yêu mến Đức Chúa Trời thì không thể thờ lạy thần khác hoặc hình tượng, cũng không thể lấy danh Đức Chúa Trời mà làm chơi. Cũng vậy, có thể thực tiễn phần sau bởi điều răn “Hãy yêu người lân cận như mình.” Nếu yêu thương người khác thì không thể có hành động gian ác gây hại cho người ấy được. Như lời phán của Đức Chúa Jêsus, hết thảy mọi luật pháp tiêu biểu là Mười Điều Răn sẽ được trọn vẹn bởi việc thực tiễn tình yêu thương. Sứ đồ Phaolô – người hiểu biết ý muốn ấy của Đức Chúa Trời cũng làm chứng rằng “Tình yêu thương làm trọn luật pháp.”
“… vì ai yêu kẻ lân cận mình, ấy là đã làm trọn luật pháp. Vả, những điều răn nầy: Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam, và mọi điều răn khác nữa, bất luận điều nào, đều tóm lại trong một lời nầy: Ngươi phải yêu kẻ lân cận mình như mình. Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận; vậy yêu thương là sự làm trọn luật pháp.” Rôma 13:8-10
Lễ trọng thể giao ước mới, phương pháp giữ được điều răn lớn hơn hết
Vào thời đại Cựu Ước, người dân đã không thể thực tiễn trọn vẹn điều răn “Hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời.” Mười Điều Răn đồng nhất với lễ trọng thể của Cựu Ước (Tham khảo: Xuất Êdíptô Ký 34:18-28), người dân của Đức Chúa Trời trong thời đại Cựu Ước đã giữ lễ trọng thể bằng cách lấy thú vật làm của lễ hy sinh. Nhưng bởi sự hy sinh của thú vật như vậy thì khó có thể hiểu biết trọn vẹn về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và cũng khó có thể hết lòng yêu mến Ngài.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã nhập thể vào thời đại Tân Ước, và trở nên của lễ hy sinh chuộc tội vì sự cứu rỗi của nhân loại. Bởi huyết báu hy sinh trên thập tự giá, Ngài đã lập ra lễ trọng thể của giao ước mới bao gồm Lễ Vượt Qua. Các thánh đồ mỗi khi giữ lễ trọng thể giao ước mới thì nhớ đến sự hy sinh và tình yêu thương của Đức Chúa Trời thể ấy, và ghi khắc tấm lòng yêu thương nhiều linh hồn mà Đức Chúa Trời đã cứu sống bởi tình yêu thương sâu thẳm của Ngài (I Côrinhtô 10:16-17).
Như vậy, khi hiểu biết sự hy sinh và tình yêu thương của Đức Chúa Trời thông qua lễ trọng thể giao ước mới, thì có thể giữ được điều răn lớn hơn hết là “Hãy hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời và yêu người lân cận như mình.”
Lễ Vượt Qua giao ước mới là điều răn mới “Hãy yêu nhau”
Đấng Christ Tái Lâm An Xang Hồng dạy dỗ rằng giao ước mới được lập nên bởi bánh và rượu nho về cơ bản là đồng nhất với điều răn mới “Hãy yêu nhau.” Điều này nghĩa là “Tình yêu thương”, là điều răn lớn hơn hết làm trọn vẹn mọi luật pháp được Ngài phán ra trong cùng một bối cảnh với Lễ Vượt Qua giao ước mới.
“Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.” Luca 22:20
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.” Giăng 13:34
Sách Tin Lành Luca chương 22 và Tin Lành Giăng chương 13 đều ghi chép về sự việc diễn ra tại nơi cử hành lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua. “Giao ước mới” trong Tin Lành Luca và “điều răn mới” trong Tin Lành Giăng là lời Đức Chúa Jêsus đã ban cho trong cùng một thời gian và địa điểm đồng nhất. Vậy nên, trong sách Tin Lành Luca không có chỗ ghi chép là “điều răn mới”, còn trong sách Tin Lành Giăng thì lại không có chỗ chép là “giao ước mới”. Bởi vì trong Kinh Thánh, giao ước và điều răn là đồng nhất. Ví dụ, vào thời đại Cựu Ước, Đức Chúa Trời chỉ về Mười Điều Răn mà phán rằng ấy là lời giao ước (Xuất Êdíptô Ký 34:28, Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:13). Theo đó, Lễ Vượt Qua giao ước mới chính là điều răn mới, là lời Ngài đã phán “Hãy yêu nhau.”
Nguyên lý tình yêu thương được chứa đựng trong Lễ Vượt Qua giao ước mới
Nếu hiểu biết nguyên lý của tình yêu thương được chứa đựng trong Lễ Vượt Qua giao ước mới thì có thể hiểu ra sự thật rằng giao ước mới và điều răn mới là giống nhau mặc dù có sự khác nhau trong cách biểu hiện về mặt chữ. Đức Chúa Jêsus phán rằng các thánh đồ được trở nên một thể với Ngài bởi việc ăn thịt và uống huyết Ngài thông qua Lễ Vượt Qua giao ước mới (Mathiơ 26:17-28, Giăng 6:53-56).
“Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh.” I Côrinhtô 10:16-17
Các thánh đồ trở nên một thể bởi được dự phần vào thịt và huyết của Đức Chúa Jêsus thông qua Lễ Vượt Qua giao ước mới. Mỗi người đều trở nên một thể trong Đấng Christ, thì làm sao có thể ghét thân thể mình được đây? Đức Chúa Trời đã làm cho các thánh đồ trở nên một bởi Lễ Vượt Qua giao ước mới hầu cho họ có thể yêu thương lẫn nhau.
Hơn nữa, lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua là nghi thức ăn thịt và uống huyết của Đức Chúa Jêsus, hầu cho nhận biết tình yêu thương và sự hy sinh của Đấng Christ – Đấng đã xẻ thịt và đổ huyết trên thập tự giá vì sự cứu rỗi của nhân loại. Những linh hồn không biết yêu thương người khác như thân thể mình bởi bản chất tội lỗi, nay lại có thể yêu thương người khác nhờ hiểu biết được trọn vẹn tình yêu thương và hy sinh của Đấng Christ thông qua Lễ Vượt Qua giao ước mới. Nghĩa là chúng ta có thể thực tiễn điều răn mới nhờ nguyên lý tình yêu thương ẩn chứa trong giao ước mới.
Công việc thiện lành của các thánh đồ thực tiễn tình yêu thương, là điều răn lớn hơn hết
Đấng An Xang Hồng dạy dỗ rằng các thánh đồ được nhận sự cứu rỗi bởi giao ước mới thì nhất định phải thực tiễn điều răn mới “Hãy yêu nhau.” Bởi đó, Ngài đã phán dạy về việc thực tiễn tình yêu thương là điều răn lớn hơn hết. Vì thương xót những linh hồn không nhận biết được Đức Chúa Trời mà đang đi đến con đường của sự chết trong tội lỗi, Đấng Christ đã ban cho tình yêu thương để cứu sống họ. Như Đấng Christ đã làm gương thể ấy, các thánh đồ cũng mong muốn cho đi tình yêu thương để cứu sống những linh hồn đang chết dần.
Trong việc thực tiễn tình yêu thương – là điều răn lớn hơn hết, không chỉ có việc rao truyền trực tiếp lời của sự sống mà còn bao gồm kể cả việc bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời bằng việc làm thiện lành, khiến cho tấm lòng của nhiều người được trở lại với Đức Chúa Trời. Những thánh đồ cởi bỏ tội lỗi nhờ ân huệ của Đức Chúa Trời phải sống một cuộc đời biết bày tỏ sự hối cải của bản thân bằng công việc thiện lành và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Chúa Jêsus phán rằng hãy dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời bằng công việc thiện lành, sứ đồ Phierơ cũng khuyên các thánh đồ làm việc lành.
“Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” Mathiơ 5:16
“Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Ðức Chúa Trời.” I Phierơ 2:12
Dù lẽ thật có đúng đến đâu chăng nữa, nhưng nếu hành vi của các thánh đồ là ác thì cũng không thể không làm mờ đi sự sáng của Tin Lành. Song, khi lẽ thật là đúng, và phẩm hạnh của những người rao truyền lẽ thật cũng đẹp đẽ, thì sự sáng của Tin Lành càng chiếu sáng rực rỡ hơn. Đức Chúa Trời lấy làm vui lòng với công việc thiện lành của các thánh đồ khiến cho tấm lòng của nhiều người biết hối cải và dẫn dắt họ đến với Đức Chúa Trời.
Vì vậy, người dân của Đức Chúa Trời chân thật vào thời đại này vừa phải giữ gìn lễ trọng thể giao ước mới, vừa phải hiểu biết trọn vẹn tình yêu thương và sự hy sinh của Đức Chúa Trời đã ban cho thông qua lễ trọng thể của Ngài. Chúng ta phải sống cuộc đời nỗ lực để thực tiễn tình yêu thương, là sự làm trọn luật pháp. Nói cách khác, chúng ta phải trở thành thánh đồ thực tiễn được hai điều, thứ nhất là hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời, thứ hai là yêu người lân cận như mình.