Công việc sáng tạo trời đất của Đức Chúa Trời | Ý nghĩa, giải thích, ứng nghiệm lời tiên tri

12184 읽음

“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.”Sáng Thế Ký 1:1

Ở phần đầu của Sáng Thế Ký – là sách đầu tiên trong Kinh Thánh, có ghi chép quá trình sáng tạo trời đất của Đức Chúa Trời (Êlôhim1). Đức Chúa Trời dựng nên trời đất muôn vật trong 6 ngày, và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Lịch sử Kinh Thánh bắt đầu từ việc dựng nên trời đất và kết thúc bởi sự xuất hiện trời mới và đất mới không có sự chết và đau đớn – Nước Thiên Đàng (Khải Huyền 21:1-4).

  1. Hình thức số nhiều của “Đức Chúa Trời (Êl, Êlôah)” theo tiếng Hêbơrơ. Bắt đầu từ phần đầu tiên của Sáng Thế Ký, Kinh Thánh Cựu Ước đã ghi chép “Đức Chúa Trời” là “Êlôhim” khoảng 2.500 lần.

Đức Chúa Trời đang tiến hành công cuộc cứu chuộc để dẫn dắt người dân của Ngài đến Nước Thiên Đàng. Công việc sáng tạo trời đất trong 6 ngày là lời tiên tri về công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy dò xem ý nghĩa tiên tri được ẩn chứa trong quá trình sáng tạo trời đất.

Công việc sáng tạo trời đất ngày thứ nhất: Sự sáng, sự tối

Ngày thứ nhất, Đức Chúa Trời làm ra sự sáng và phân sáng ra cùng tối; Ngài đặt tên sự sáng là “ngày”, sự tối là “đêm” (Sáng Thế Ký 1:3-5). Theo nghĩa đen thì có thể giải thích sự sáng này là sự sáng vật lý, nhưng theo lời tiên tri thì đó là sự sáng của sự sống, tức là sự sáng nhận biết Đức Chúa Trời – Đấng sự sống.

“Ban đầu có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Ðức Chúa Trời… Muôn vật bởi Ngài làm nên… Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.”Giăng 1:1-5

“Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm, đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ.”II Côrinhtô 4:6

Thời đại tiên tri của ngày thứ nhất là từ thời Ađam đến thời Nôê. Đức Chúa Trời đã chiếu sự sáng về sự nhận biết vinh hiển của Đức Chúa Trời từ thời Ađam – là thủy tổ của loài người. Song, vì loài người không nhận biết sự sáng ấy, nên đến thời đại Nôê tội ác đã đầy dẫy khắp thế gian. Đức Chúa Trời hối tiếc vì đã làm ra loài người trên đất, nên Ngài đã phán xét họ bằng nước lụt (Sáng Thế Ký 6:5-7).

Công việc sáng tạo trời đất ngày thứ hai: khoảng không, phân chia nước ở trên với nước ở dưới

Ngày thứ hai, Đức Chúa Trời làm ra khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước ở trên với nước ở dưới; Ngài đặt tên khoảng không là trời (Sáng Thế Ký 1:6-8). Khoảng không là chỉ về bầu trời, bầu khí quyển. Việc phân rẽ nước ở trên với nước ở dưới nghĩa là phân chia ra thành nước ở trên trời (mây) và nước ở phía dưới.

“Ðoạn, thiên sứ lại nói với tôi rằng: Những dòng nước ngươi đã thấy… tức là các dân tộc, các chúng, các nước và các tiếng.”Khải Huyền 17:15

Nước trong Kinh Thánh tượng trưng cho “nhân loại”. Vì vậy, nước ở trên trời biểu tượng cho những người dân nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, còn nước ở dưới biểu tượng cho những người không được nhận sự cứu rỗi.

Thời đại tiên tri của ngày thứ hai là từ thời Nôê đến thời Ápraham. Sau trận nước lụt, con cháu của Nôê đã đi ngược lại với ý muốn của Đức Chúa Trời, tự nâng cao tên tuổi mình lên và xây dựng tháp Babên để không bị tản lạc khắp trên mặt đất. Đức Chúa Trời phá vỡ kế hoạch ấy và làm lộn xộn tiếng nói của họ, khiến loài người bị tản ra khắp trên mặt đất (Sáng Thế Ký 11:1-9).

Công việc sáng tạo trời đất ngày thứ ba: biển, đất, cây cối

Vào ngày thứ ba, Đức Chúa Trời khiến nước dưới trời tụ lại một nơi và có chỗ khô cạn bày ra. Sau đó, Ngài gọi chỗ khô cạn là đất còn nơi nước tụ lại là biển (Sáng Thế Ký 1:9-10). Trên đất ấy, Ngài khiến cho sanh ra cây cỏ, cỏ kết hột giống, cây trái kết quả (Sáng Thế Ký 1:11-13).

Nước ở biển được sáng tạo vào ngày thứ ba, biểu tượng cho nhân loại (Khải Huyền 17:15). Cỏ và cây cối cũng tượng trưng cho “loài người” (Êsai 40:7, Luca 23:31). Việc nước tụ lại một nơi tạo thành biển có nghĩa là loài người ở nhiều nơi tập hợp lại tạo thành bộ tộc, rồi thành lập quốc gia.

Thời đại tiên tri của ngày thứ ba là từ thời Ápraham đến thời Môise. Trong khi Ápraham – tổ phụ đức tin sinh sống thì các nước hình thành. Bởi đó lời tiên tri của ngày thứ ba được ứng nghiệm.

Công việc sáng tạo trời đất ngày thứ tư: mặt trời, mặt trăng, ngôi sao

Vào ngày thứ tư, Đức Chúa Trời làm ra hai vì sáng lớn, tức là mặt trời và mặt trăng để cai trị ngày và đêm; Ngài cũng soi sáng mặt đất bởi các ngôi sao. Hơn nữa, Ngài phân chia mùa màng (thì tiết), nhật kỳ (ngày tháng), niên hạn (năm) (Sáng Thế Ký 1:14-19).

Thời đại tiên tri của ngày thứ tư là từ thời Môise đến thời Đức Chúa Jêsus, thời kỳ Cựu Ước và Tân Ước được hình thành. Trong hai “vì sáng lớn” được tạo nên vào ngày thứ tư, mặt trời nghĩa là Tân Ước, còn mặt trăng nghĩa là Cựu Ước. Mặt trăng phản chiếu lại ánh sáng của mặt trời chứ không tự phát sáng được. Cũng như vậy, luật pháp Cựu Ước phản ánh và cho thấy ánh sáng của lẽ thật giao ước mới (Tân Ước) sẽ được hoàn thành vào thời đại Tân Ước. Tóm lại, luật pháp Cựu Ước đóng vai trò dẫn dắt người dân của Đức Chúa Trời đến với Đấng Christ – là Đấng sẽ xuất hiện vào thời đại Tân Ước (Galati 3:24).

“… Đoạn, trên trời hiện ra một dấu lớn: Một người đàn bà có mặt trời bao bọc, dưới chân có mặt trăng…”Khải Huyền 12:1

“Vả, anh em thảy đều chịu phép báptêm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy.”Galati 3:27

Lời “người đàn bà có mặt trời bao bọc, dưới chân có mặt trăng” nghĩa là Cựu Ước đã qua đi và bắt đầu bước sang Tân Ước. Thời đại Cựu Ước ở dưới ánh sáng của mặt trăng, là thời kỳ chờ đợi ánh sáng mặt trời của Tân ước, tức là sự sáng của Đấng Christ được chiếu ra.

Việc định ra thì tiết, ngày và năm vào ngày thứ tư trong công việc sáng tạo trời đất là lời tiên tri về sự luật lệ và điều răn của Đức Chúa Trời, lễ trọng thểngày Sabát được quy định.

Công việc sáng tạo trời đất ngày thứ năm: Cá, chim

Vào ngày thứ năm, Đức Chúa Trời làm ra các loài cá dưới biển, các loài chim trên trời và khiến sanh sản thêm nhiều (Sáng Thế Ký 1:20-23). Biển tượng trưng cho xã hội nhân loại, mà Satan là kẻ thống trị tạm thời (Khải Huyền 12:9). Theo lời ví dụ của Đức Chúa Jêsus, chim trên trời cũng biểu tượng cho ma quỉ. Ma quỉ đóng vai trò xóa bỏ Tin Lành và lời của Đức Chúa Trời (Mathiơ 11:3-4, Luca 8:11-12, I Phierơ 1:23).

Thời đại tiên tri của ngày thứ năm là từ sau sự kiện thập tự giá của Đức Chúa Jêsus, trải qua thời đại bức hại và thời kỳ tối tăm tôn giáo trong suốt 1260 năm cho đến khi giáo hoàng Pius VI bị bắt bởi quân đội chính phủ cách mạng Pháp vào năm 1798. Lẽ thật sự sống của Đức Chúa Trời bị biến mất trong thời kỳ Satan chiếm ưu thế, rồi những phong tục và vật tượng trưng cho tôn giáo ngoại bang đã nắm giữ vị trí trong Cơ Đốc giáo.

“Vua đó sẽ nói những lời phạm đến Đấng Rất Cao, làm hao mòn các thánh của Đấng Rất Cao, và định ý đổi những thời kỳ và luật pháp; các thánh sẽ bị phó trong tay người cho đến một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ.”Đaniên 7:25

Lẽ thật đã bắt đầu bị biến đổi từng chút một từ sau thời đại các sứ đồ theo như lời tiên tri rằng thời kỳ và luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ bị biến mất bởi Satan. Năm 321 SCN, ngày Sabát bị thay đổi thành thờ phượng Chủ nhật, năm 325 SCN, Lễ Vượt Qua bị xóa bỏ. Sau đó, Nôen – ngày sinh của thần mặt trời và tôn kính hình tượng thập tự giá v.v… đã được du nhập vào hội thánh. Các thánh đồ trong suốt thời kỳ tối tăm tôn giáo đã trải qua những ngày tháng thê thảm, phải chạy trốn vào đồng vắng và di chuyển đến những nơi như sa mạc, trong núi, hang động v.v… (Khải Huyền 12:6, 14).

Công việc sáng tạo trời đất ngày thứ sáu: loài thú, loài người

Vào ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời làm nên các loài thú rừng, và vào lúc cuối cùng Ngài dựng nên Ađam và Êva (Sáng Thế Ký 1:24-31). Lúc này, Đức Chúa Trời phán rằng “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta”, rồi Ngài đã sáng tạo ra người nam và người nữ. Nghĩa là Ngài đã làm nên người nam theo hình ảnh của Đức Chúa Trời Cha, và người nữ theo hình ảnh của Đức Chúa Trời Mẹ.

Ađam là người làm “hình bóng của Đấng phải đến (Đức Chúa Jêsus)” (Rôma 5:14), Êva – vợ của Ađam được xưng là “Mẹ của cả loài người” (Sáng Thế Ký 3:20). Ađam và Êva xuất hiện vào ngày cuối cùng trong 6 ngày sáng tạo trời đất, là biểu tượng cho Đức Chúa Trời Cha (Đức Chúa Jêsus Tái Lâm) và Đức Chúa Trời Mẹ – Đấng sẽ xuất hiện vào thời đại sau cùng trong công cuộc cứu chuộc. Trong sách I Côrinhtô có chép rằng “Ađam Sau Hết” là “Thần ban sự sống”, tức là Đấng Cứu Chúa ban sự sống đời đời cho loài người (I Côrinhtô 15:44-49). Sứ đồ Giăng đã ghi chép về Ađam và Êva Sau Hết mà mình đã thấy trong sự mặc thị là “Thánh Linh và Vợ Mới”.

“Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.”Khải Huyền 22:17

Thánh Linh và Vợ Mới ban nước sự sống cách nhưng không cho người nào muốn, chính là Đức Chúa Trời Cha (Đức Chúa Jêsus Tái Lâm) và Đức Chúa Trời Mẹ – Đấng sẽ ban sự sống đời đời cho nhân loại.

Loài thú trong Kinh Thánh tượng trưng cho các dân ngoại bang (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:1-16, 24-29). Việc Ađam và Êva quản trị mọi loài thú đồng là lời tiên tri về sự Thánh Linh và Vợ Mới – Ađam và Êva Sau Hết sẽ hiện ra trong xác thịt và dẫn dắt nhân loại đến sự cứu rỗi.

Công việc sáng tạo trời đất ngày thứ bảy: nghỉ ngơi

Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau khi kết thúc công việc sáng tạo trời đất, Ngài ban phước và làm ngày này nên thánh (Sáng Thế Ký 2:1-3). Ngày Sabát – ngày thứ bảy được định là ngày kỷ niệm quyền năng của Đức Chúa Trời – Đấng Sáng Tạo, và được quy định là luật pháp mà nhất định phải giữ gìn (Xuất Êdíptô Ký 20:8-11, Luca 4:16).

Vào ngày thứ bảy thì không có lời phán rằng “Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ bảy.” Bởi vì ngày thứ bảy là lời tiên tri về sự nghỉ ngơi đời đời không có kết thúc (Tham khảo: Hêbơrơ 4:1-11). Đức Chúa Trời cho người dân Ysơraên được an nghỉ khi họ đi vào xứ Canaan trên đất này (Giôsuê 21:44). Giống như vậy, người dân Ysơraên phần linh hồn được đi vào thế giới an nghỉ đời đời là Nước Thiên Đàng – xứ Canaan trên trời.

Ý nghĩa của công cuộc cứu chuộc vĩ đại mà Đức Chúa Trời ẩn giấu trong công việc sáng tạo trời đất đã được ứng nghiệm chính xác, và hiện nay cũng đang được ứng nghiệm. Tác giả sách Thi Thiên đã tán dương công cuộc Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật bởi tình yêu thương của Ngài và ca hát về sự vinh hiển và lời phán của Ngài cho đến tận cùng thế giới (Thi Thiên 33:6-7, 19:1-4). Như lời ngợi khen ấy, vào thời đại này sự sáng nhận biết vinh hiển của Đức Chúa Trời Êlôhim – Đấng Sáng Tạo đang tỏa sáng khắp thế giới. Giờ là lúc nhân loại hiểu biết và tiếp nhận Thánh Linh và Vợ Mới – Ađam và Êva Sau Hết, là Đấng ban cho nước sự sống.

Bài viết liên quan
Trở lại

Site Map

사이트맵 전체보기