Công cuộc cứu chuộc của Giêhôva Đức Chúa Trời Cựu Ước
| Tầm quan trọng của giao ước

11262 읽음

Đức Chúa Trời đang điều hành công cuộc cứu chuộc để cứu rỗi loài người. Vào thời đại Cựu Ước, Đức Chúa Trời tiến hành công việc bởi danh của Đức Cha Giêhôva, Ngài đã đặt nền tảng của công cuộc cứu chuộc dựa trên trọng tâm là sự lựa chọn và giao ước. Ngài đã lựa chọn dân tộc Ysơraên và lập giao ước cũ với họ, bởi đó Ngài cứu rỗi những người giữ gìn giao ước. Thông qua lịch sử Cựu Ước như thế, chúng ta có thể theo dõi được một cách tổng thể dòng chảy của công cuộc cứu chuộc mà Đức Chúa Trời đang tiến hành.

Công cuộc cứu chuộc của Giêhôva Đức Chúa Trời I: Sáng tạo trời đất – Thời đại bộ tộc

Ađam và Êva bị đuổi ra

Giêhôva Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất muôn vật, Ngài dựng nên loài người bằng bụi đất và sanh khí, rồi cho họ ở trong vườn Êđen. Trong vườn Êđen có trái sự sống mà chỉ cần ăn vào thì được sự sống đời đời, thế nhưng Ađam và Êva đã hái ăn trái thiện ác và phạm tội bởi sự cám dỗ của con rắn, nên đã bị đuổi ra khỏi vườn Êđen.

Đức Chúa Trời đã cho Ađam thấy được lẽ thật có thể khôi phục trái sự sống. Nên Ađam đã bày tỏ cho Cain và Abên về lẽ thật ấy. Song, Cain đã không nhận lẽ thật ấy mà lại dâng tế lễ bằng thổ sản theo ý riêng của mình. Còn Abên nhận lấy lẽ thật ấy bằng tấm lòng vâng phục nên đã đổ huyết của chiên con để dâng tế lễ, vì vậy Đức Chúa Trời đã nhận tế lễ của Abên (Sáng Thế Ký 4:1-4). Chế độ tế lễ bởi sự đổ huyết như thế đã được lưu truyền cho đến thời đại Môise (Sáng Thế Ký 8:20-21, 12:7, 15:9).

Đức Chúa Trời chọn Nôê

Trong số con cháu của Ađam cũng có những người sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời như Abên và Hênóc, nhưng đại đa số lại không như vậy. Rốt cuộc, đến thời kỳ Nôê, thế gian đã đầy dẫy tội ác nên Giêhôva Đức Chúa Trời đã hủy diệt thế gian bằng nước lụt. Dầu vậy, trong số đó, Ngài phán dặn Nôê đóng tàu trước cơn nước lụt và ban cho ân huệ được cứu rỗi.

Sau trận nước lụt, con cháu của Nôê đã tụ họp lại bằng tấm lòng kiêu ngạo mà xây dựng tháp Babên, đi ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm lộn xộn tiếng nói đã từng chỉ có một cho đến khi ấy, khiến cho họ không nghe hiểu được ngôn ngữ của nhau và làm cho tản ra khắp bốn phương.

Đức Chúa Trời lập giao ước với Ápraham

Đức Chúa Trời kêu gọi Ápraham là người đang sống ở Urơ, thuộc xứ Canhđê. Ngài hứa thêm cho Ápraham dòng dõi đông đúc và sẽ ban xứ Canaan làm cơ nghiệp. Ápraham đã vâng phục tuyệt đối lời của Đức Chúa Trời và hướng về xứ Canaan. Khi Ápraham được 99 tuổi, Đức Chúa Trời lập giao ước với Ápraham và với dòng dõi mà Ápraham sẽ sanh ra vào năm sau, và hứa rằng Ngài sẽ là Đức Chúa Trời của họ. Rồi Ngài lấy phép cắt bì làm dấu hiệu của giao ước (Sáng Thế Ký 17:1-14).

Ysác, Giacốp, và Ysơraên

Theo lời hứa của Đức Chúa Trời, khi Ápraham được 100 tuổi, Ysác đã được sanh ra thông qua thân thể của Sara – vợ của Ápraham. Đức Chúa Trời cho Ysác kế thừa cơ nghiệp của Ápraham. Ysác có hai con trai sinh đôi là Êsau và Giacốp, Đức Chúa Trời đã lựa chọn người em là Giacốp – người được hứa trước khi sanh ra, khiến cho Giacốp nhận được quyền trưởng nam và sự chúc phước. Để nhận được sự chúc phước của Đức Chúa Trời, Giacốp đã chịu đựng mọi sự khó khăn và được đặt tên là “Ysơraên”.

Khi xứ Canaan xảy ra hạn hán lớn, Đức Chúa Trời cho gia đình của Giacốp dời đến Êdíptô và cứu rỗi họ thông qua Giôsép – là con trai thứ 11 của Giacốp. Thời gian trôi qua, 12 chi phái Ysơraên được hình thành từ 12 người con trai của Giacốp. Ysơraên đã trở thành một dân tộc lớn ở xứ Êdíptô. Thế nhưng, họ phải hứng chịu sự chuyên quyền của Pharaôn – vua Êdíptô luôn để mắt đến họ, nên dần dần họ bị rơi vào cảnh nô lệ.

Công cuộc cứu chuộc của Giêhôva Đức Chúa Trời II: Thời kỳ xuất Êdíptô – Vương quốc thống nhất

Đức Chúa Trời lập giao ước với dân Ysơraên và dẫn dắt họ đi đến xứ Canaan

Giêhôva Đức Chúa Trời đã sai đấng tiên tri Môise đến để giải phóng dân tộc Ysơraên ra khỏi cuộc sống nô lệ tại xứ Êdíptô. Sau đó, Ngài tuyên bố Mười Điều Răn trên núi Sinai và lập thành giao ước, gọi là “giao ước cũ” hay “luật pháp của Môise”. Chế độ dâng tế lễ đổ huyết lưu truyền từ thời Ađam nay đã được định thành luật pháp. Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ lập những người giữ luật pháp và giao ước của Đức Chúa Trời làm người dân của Ngài.

Đức Chúa Trời đã dẫn dắt người dân Ysơraên đi đến xứ Canaan theo như lời Ngài hứa với Ápraham trong quá khứ. Ngài đã dạy dỗ luật pháp và giao ước của Ngài cho dân Ysơraên trong cuộc sống đồng vắng trên đường hướng về xứ Canaan. Ấy là để người dân giữ gìn giao ước của Đức Chúa Trời và nhận lãnh phước lành. Lịch sử 40 năm đồng vắng của dân Ysơraên là thời gian rèn luyện và thử thách xem họ có vâng phục đối với giao ước và có đức tin hướng về Đức Chúa Trời hay không (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:1-16). Hầu hết những người thuộc thế hệ thứ nhất đã không vượt qua được thử thách nên đã bị ngã chết trong đồng vắng. Chỉ có Giôsuê và Calép cùng thế hệ thứ hai trong đồng vắng đã được đi vào xứ Canaan và hưởng sự nghỉ ngơi.

Quên lời giao ước và thờ lạy hình tượng

Dân Ysơraên đã đến được xứ Canaan sau khi kết thúc 40 năm cuộc sống đồng vắng, họ đã chinh phục xứ Canaan bởi nhiều cuộc chiến tranh. Song, họ đã không gìn giữ trọn vẹn lời phán của Đức Chúa Trời rằng hãy đuổi hết thảy những dân tộc vốn sinh sống ở xứ ấy, và họ cũng đã quên đi giao ước của Đức Chúa Trời. Kết quả là họ làm theo dân Canaan và thờ lạy hình tượng. Bởi cớ tội lỗi ấy, dân Ysơraên bị ngược đãi và áp bức từ các dân tộc xung quanh, họ đã đau đớn than thở lên Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời dấy lên các quan xét để cứu họ khỏi sự ngược đãi và áp bức của kẻ thù, nhưng khi hòa bình được tìm lại thì dân sự lại quên Đức Chúa Trời và phạm tội. Vòng tuần hoàn tội lỗi như thế cứ liên tiếp lặp lại trong thời các quan xét.

Đến cuối thời các quan xét, dân Ysơraên đã yêu cầu Đức Chúa Trời lập cho họ một vua giống như các nước xung quanh. Đức Chúa Trời cho biết về điều không tốt của chế độ vua chúa nhưng họ không từ bỏ ý định. Cuối cùng, Đức Chúa Trời đã lập Saulơ làm vua đầu tiên của Ysơraên, và thời đại vương quốc thống nhất được bắt đầu. Sau đó, vì Saulơ không vâng phục nên Đức Chúa Trời đã phế bỏ Saulơ và lập Đavít lên làm vua. Đavít đã chinh phục thành Siôn, lấy Giêrusalem làm thủ đô mới, và dời hòm giao ước của Đức Chúa Trời đến Giêrusalem. Vì Đavít đã trung tín làm theo luật pháp và giao ước của Đức Chúa Trời nên được Đức Chúa Trời công nhận là “người làm vừa lòng Ta”. Nước Ysơraên được cường thạnh trong đời Đavít trị vì.

Công cuộc cứu chuộc của Giêhôva Đức Chúa Trời III: Thời đại vương quốc phân chia – Thời kỳ phu tù trở về

Salômôn thờ lạy hình tượng và nước Ysơraên bị phân chia

Đến thời kỳ Salômôn – con trai của Đavít, Ysơraên được hưởng thời kỳ huy hoàng nhất trong sự chúc phước của Đức Chúa Trời và thực hiện công việc mang tính lịch sử đó là xây dựng đền thờ Giêrusalem. Thế nhưng, đến cuối giai đoạn thống trị, Salômôn đã từ bỏ giao ước và luật pháp của Đức Chúa Trời mà tôn kính hình tượng Áttạttê, Minhcôm v.v… Bởi cớ đó, Ysơraên bị chia thành hai vương quốc là Bắc Ysơraên và Nam Giuđa sau khi Salômôn chết.

Vương quốc Bắc Ysơraên đã phản bội giao ước của Đức Chúa Trời từ ban đầu và rời xa Đức Chúa Trời bởi việc tôn kính hình tượng bò con vàng v.v… Kể từ khi đó, họ không từ bỏ việc tôn kính hình tượng mà cứ thờ lạy các thần ngoại bang như Baanh và Asêra – là thứ mà Đức Chúa Trời luôn lấy làm gớm ghiếc. Đức Chúa Trời không bảo hộ cho những kẻ như thế. Vào năm 721 TCN, Bắc Ysơraên đã bị diệt vong bởi đế quốc Asiri.

Vương quốc Nam Giuđa thỉnh thoảng trung tín hầu việc Đức Chúa Trời nên đã được cứu khỏi sự vây hãm của thế lực bên ngoài. Vua Giôsaphát của nước Nam Giuđa đã làm theo con đường ban đầu của Đavít, người giữ được đất nước khỏi sự xâm chiếm của dân Môáp và Ammôn bởi việc gìn giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Vào thời vua Êxêchia, bởi việc giữ Lễ Vượt Qua mà đã từng không được giữ trong suốt thời gian dài, họ đã được cứu khỏi sự xâm lược của Asiri dưới sự bảo hộ của Đức Chúa Trời.

Trở thành phu tù của nước Babylôn do từ bỏ giao ước

Nước Nam Giuđa nhận được bảo hộ của Đức Chúa Trời bởi việc giữ Lễ Vượt Qua nên đã tồn tại đến năm 586 TCN. Thế nhưng, con cháu của họ bị xâm chiếm bởi Babylôn do từ bỏ giao ước của Đức Chúa Trời, người dân bị bắt đi làm phu tù và thủ đô Giêrusalem của Nam Giuđa đã trở nên hoang vu (II Các Vua 24:14).

Đức Chúa Trời đã tiên tri thông qua đấng tiên tri rằng người dân Giuđa bị bắt qua Babylôn sẽ trở về quê hương sau cuộc sống phu tù trong 70 năm (Giêrêmi 25:11). Khi kết thúc 70 năm của lời tiên tri, những người tin lời tiên tri và nhẫn nhịn đã được trở về vùng đất quê hương trong sự vui mừng và hạnh phúc. Họ đã toàn tâm toàn lực để xây lại vách thành và đền thờ Giêrusalem dù trong vô vàn khó khăn phải đối mặt với sự hủy báng của những người Samari. Hơn nữa, họ nghĩ rằng sở dĩ họ bị ngoại bang xâm chiếm và trở thành người dân mất nước là vì đã từ bỏ luật pháp và giao ước của Đức Chúa Trời. Cho nên, họ đã nỗ lực để không phản bội giao ước của Đức Chúa Trời lần nữa và tuyệt đối tuân thủ luật pháp của Môise. Sự nỗ lực này kéo dài cho đến thời kỳ Đức Chúa Jêsus Sơ Lâm.

Công cuộc cứu chuộc của Giêhôva Đức Chúa Trời và tầm quan trọng của giao ước

Trọng tâm trong công cuộc cứu chuộc mà Giêhôva Đức Chúa Trời dẫn dắt vào thời đại Cựu Ước chính là giao ước. Đức Chúa Trời gọi người dân của Ngài là “những người đã dùng của tế lễ lập giao ước cùng Ta” (Thi Thiên 50:4-5), Ngài nhấn mạnh sự kết nối giữa Đức Chúa Trời và người dân thông qua luật pháp và giao ước. Người giữ giao ước luôn nhận được phước lành, còn kẻ hủy phá và từ bỏ giao ước thì bị diệt vong (Giêrêmi 11:6-11).

Ví dụ, vua Êxêchia của Nam Giuđa đã làm thanh sạch đền thờ ngay sau khi lên ngôi và giữ Lễ Vượt Qua – là giao ước của Đức Chúa Trời mà đã không được giữ trong suốt khoảng thời gian dài. Êxêchia đã gửi các trạm đến Bắc Ysơraên và khuyên họ hãy cùng giữ Lễ Vượt Qua, thế nhưng Bắc Ysơraên đã chê cười và nhạo báng các trạm đưa tin (II Sử Ký 30:1-10). Khi nước Asiri xâm chiếm, Bắc Ysơraên – nước từ bỏ giao ước đã bị diệt vong. Nước Nam Giuđa nhận được sự bảo hộ của Đức Chúa Trời nhờ giữ gìn giao ước (II Các Vua 18:9-12, 29:30-34).

Lịch sử này được lặp lại kể cả vào thời kỳ vua Giôsia. Giôsia đã giữ Lễ Vượt Qua theo lời giao ước, ông được Đức Chúa Trời công nhận là nhân vật hết lòng, hết ý, hết sức mình mà vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời (II Các Vua 23:21-25). Thế nhưng, sau khi Giôsia qua đời, nước Nam Giuđa lại từ bỏ giao ước của Đức Chúa Trời nên đã bị diệt vong bởi sự xâm lược của Babylôn. Đức Chúa Trời đã phán lời một cách rõ ràng thông qua đấng tiên tri Giêrêmi về lý do khiến họ phải chịu những tai vạ ấy là gì.

“Vì cớ sự hung ác của việc làm các ngươi và sự gớm ghiếc các ngươi đã phạm, nên Ðức Giêhôva không chịu được nữa. Vì vậy đất các ngươi đã trở nên hoang vu, gở lạ, và sự rủa sả, chẳng có ai ở, như có ngày nay. Ấy là bởi các ngươi đã đốt hương và đã phạm tội nghịch cùng Ðức Giêhôva, bởi các ngươi chẳng vâng theo tiếng Ðức Giêhôva, và không bước theo luật pháp, mạng lịnh, và sự dạy dỗ của Ngài, nên tai vạ nầy đã đến cho các ngươi như có ngày nay.” Giêrêmi 44:22-23

Giêhôva Đức Chúa Trời – Đấng sẽ lập giao ước mới

Sở dĩ Giêhôva Đức Chúa Trời đã lựa chọn dân Ysơraên, lập giao ước cũ với họ và dẫn dắt họ là để ban sự giáo huấn cho các thánh đồ sẽ nhận sự cứu rỗi, tức là dân Ysơraên phần linh hồn (Rôma 15:4). Trong Cựu Ước, những người làm theo giao ước cũ một cách trung tín thì nhận được phước lành. Lịch sử này có nghĩa là những người coi trọng và giữ giao ước của Đức Chúa Trời vào thời đại sau này cũng sẽ nhận được phước lành của sự cứu rỗi.

“Đức Giêhôva phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Ysơraên và với nhà Giuđa. Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Êdíptô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó… Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta.” Giêrêmi 31:31-33

Giêhôva Đức Chúa Trời đã tiên tri rằng Ngài sẽ lập một giao ước mới. Ngài cũng hứa rằng sẽ cho những người mang theo luật pháp giao ước mới được trở thành người dân của Ngài, và Ngài sẽ làm Đức Chúa Trời của họ. Lời tiên tri này được ứng nghiệm bởi việc Đức Chúa Jêsus – tức Đức Con vào thời đại Tân Ước đã giữ gìn Lễ Vượt Qua cùng với các môn đồ tại phòng cao của Mác và lập giao ước mới (Luca 22:19-20). Đức Chúa Trời lập giao ước và luật pháp cho người dân được lựa chọn vào thời đại Cựu Ước, và ban ân huệ cho những người vâng phục bởi đức tin. Cũng vậy, vào thời đại Tân Ước, Ngài lập ra giao ước mới và luật pháp của Đấng Christ cho những người được lựa chọn và ban phước lành sự cứu rỗi và sự sống đời đời cho những người giữ giao ước mới.

Bài viết liên quan
Trở lại

Site Map

사이트맵 전체보기