Trong sách Khải Huyền, Đức Chúa Trời hầu cho bảy tiếng sấm phát ra, nhưng Ngài phán với sứ đồ Giăng rằng hãy đóng ấn và chớ ghi chép nội dung đó.
“Lại khi bảy tiếng sấm rền lên rồi, tôi có ý chép lấy, nhưng tôi nghe một tiếng ở từ trời đến phán rằng: Hãy đóng ấn những điều bảy tiếng sấm đã nói, và đừng chép làm chi.” Khải Huyền 10:4
Bảy tiếng sấm này sẽ cứ để nguyên như đã đóng ấn mãi mãi chăng? Hay lại được mở ra vào một lúc nào đó? Nhiều nhà thần học và các mục sư đều chủ trương trước sau như một rằng “Sự mầu nhiệm này đã bị đóng ấn, cho nên không thể biết và cũng không cần phải biết đến điều ấy.” Song, nếu như bảy tiếng sấm là nội dung mà các thánh đồ không thể biết và hoàn toàn không cần biết đến thì đã không được ghi chép trong Kinh Thánh ngay từ đầu. Thế mà, bảy tiếng sấm đã được phát ra, rồi bị đóng ấn lại. Khi dò xem điều này, rõ ràng chúng ta có thể hiểu biết rằng có nội dung đặc biệt mà Đức Chúa Trời muốn cho người dân của Ngài được biết thông qua bảy tiếng sấm.
Bảy tiếng sấm bị đóng ấn có kỳ sẽ được mở ra
Thật ra, có thể thấy trong lời phán “Hãy đóng ấn” có chứa đựng ý nghĩa rằng sẽ có lúc mở ấn ra vậy. Vào thời xưa, khi gửi thư, người ta thường niêm phong bức thư lại rồi mới gửi đi hầu cho người khác không xem được. Khi bức thư bị niêm phong đến tay người nhận thì sẽ được mở ra và người nhận có thể xem được nội dung ấy. Nói cách khác, người ta chỉ niêm phong bức thư cho đến khi nó đến được tay người nhận, chứ không phải là niêm phong một lần rồi thì mãi mãi không mở ra. Bảy tiếng sấm cũng giống như vậy.
“Nhưng đến ngày mà vị thiên sứ thứ bảy cho nghe tiếng mình và thổi loa, thì sự mầu nhiệm Ðức Chúa Trời sẽ nên trọn, như Ngài đã phán cùng các tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri.” Khải Huyền 10:7
Tại đây “sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” chỉ ra bảy tiếng sấm bị đóng ấn, được ghi chép trong câu 4 cùng chương. Thế mà, được chép rằng sự mầu nhiệm ấy sẽ nên trọn. Đức Chúa Trời không bao giờ làm việc gì mà không tỏ cho biết sự mầu nhiệm của Ngài (Amốt 3:7). Vì vậy, để sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời nên trọn thì chắc chắn mầu nhiệm ấy phải được mở ra trước. Sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm bị đóng ấn cũng không phải sẽ ở trong trạng thái bị niêm phong mãi mãi mà nhất định sẽ được mở ra và làm cho trọn.
Bảy tiếng sấm là gì?
Tiếng sấm trọn vẹn, Mười Điều Răn
Trong Kinh Thánh, giọng tiếng của Đức Chúa Trời được chép là tiếng sấm. Đó là vì đối với những người không nghe được chính xác giọng tiếng của Đức Chúa Trời thì chỉ nghe giọng tiếng ấy như là tiếng sấm mà thôi.
“Cha ơi, xin làm sáng danh Cha! Bấy giờ có tiếng từ trên trời phán xuống rằng: Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa! Ðoàn dân ở tại đó nghe tiếng, thì nói rằng ấy là tiếng sấm; có kẻ khác nói: Một vị thiên sứ nào nói với Ngài. Ðức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Ấy chẳng phải vì ta mà tiếng nầy vang ra, nhưng vì các ngươi.” Giăng 12:28-30
Khi Đức Chúa Trời phán rằng “Ta đã làm sáng danh rồi, Ta còn làm cho sáng danh nữa!”, những người khác chỉ nghe như là tiếng sấm, nhưng sứ đồ Giăng đã nghe được đúng lời ấy và ghi chép ra. Đức Chúa Trời ban cho sứ đồ Giăng đôi tai đặc biệt, có thể nghe trực tiếp giọng tiếng của Đức Chúa Trời. Cho nên, Giăng cũng nghe được bảy tiếng sấm và định ghi chép nội dung ấy, nhưng vì có mệnh lệnh rằng hãy đóng ấn nên đành phải chép là bảy tiếng sấm mà thôi.
“7” là số trọn vẹn. Vì Đức Chúa Trời đã sáng tạo trời đất muôn vật và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, rồi Ngài ban phước và thánh hóa ngày ấy. Theo đó, nếu đổi số 7 thành trọn vẹn thì bảy tiếng sấm có nghĩa là “tiếng sấm trọn vẹn”. Thế thì, tiếng sấm trọn vẹn là gì? Có thể nói rằng tiếng sấm trọn vẹn không phải là tiếng sấm được phán ra trước mặt chỉ một hoặc hai người nhưng là tiếng sấm được phán ra trước mặt toàn thể người dân của Đức Chúa Trời.
Khi dò xem lịch sử Kinh Thánh, thì thấy rằng chỉ có một lần Đức Chúa Trời phán ra giọng tiếng của Ngài trước mặt toàn thể người dân của Đức Chúa Trời đương nhóm tại đó. Đó là khi Đức Chúa Trời tuyên bố Mười Điều Răn giữa ngọn lửa ở trên núi Sinai vào đương thời Môise. Đức Chúa Trời đã giáng lâm trên núi Sinai và tuyên bố Mười Điều Răn bằng giọng tiếng như tiếng sấm.
“Môise bèn biểu dân ra khỏi trại quân nghinh tiếp Đức Chúa Trời; dân sự dừng lại tại chân núi. Vả, bấy giờ, khắp núi Sinai đều ra khói, vì Đức Giêhôva ở trong lửa giáng lâm nơi đó…” Xuất Êdíptô Ký 19:17-18
“Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán mọi lời nầy, rằng: Ta là Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Êdíptô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác… Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi. Vả, cả dân sự nghe sấm vang, tiếng kèn thổi, thấy chớp nhoáng, núi ra khói…” Xuất Êdíptô Ký 20:1-3, 17-18
Như thế, Đức Chúa Trời đã đích thân phán từ điều răn thứ nhất đến điều răn thứ mười trước mặt cả hội dân Ysơraên. Ngay lúc ấy, dân sự quá đỗi sợ hãi mà nói rằng “cầu xin Đức Chúa Trời chớ phán cùng, e chúng tôi phải chết chăng” (Xuất Êdíptô Ký 20:19). Môise có thể trực tiếp nghe hiểu được giọng tiếng như tiếng sấm của Đức Chúa Trời và ghi chép vào Kinh Thánh, song dân sự thì không nghe được và chỉ nghe thành tiếng sấm mà thôi. Do đó, tiếng sấm phán ra ở núi Sinai chỉ ra Mười Điều Răn.
Mười Điều Răn và lễ trọng thể của Đức Chúa Trời
Mười Điều Răn được nhiều người biết rõ và hết thảy các Cơ Đốc nhân đều nghĩ rằng phải giữ Mười Điều Răn. Thế nhưng, tại sao Kinh Thánh phán rằng Mười Điều Răn, là bảy tiếng sấm, đã bị đóng ấn? Thật ra, trong Kinh Thánh có luật pháp mang ý nghĩa đồng nhất với Mười Điều Răn, điều này nghĩa là luật pháp ấy đã bị đóng ấn. Luật pháp này chính là 3 kỳ 7 lễ trọng thể.
“Ðức Giêhôva cũng phán cùng Môise rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao ước cùng ngươi và cùng Ysơraên… Ðức Giêhôva chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn.” Xuất Êdíptô Ký 34:27-28
Ngay trước khi ghi khắc các lời giao ước, tức là Mười Điều Răn vào hai bảng đá, Đức Chúa Trời đã phán rằng “theo các lời nầy mà ta lập giao ước cùng ngươi”. Có thể biết được rằng “các lời này” và “giao ước”, tức là Mười Điều Răn đều mang một ý nghĩa đồng nhất. Khi xem xét mạch văn cùng chương, “các lời này” mà có ý nghĩa đồng nhất với Mười Điều Răn chính là lời phán hãy giữ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời.
“Ngươi hãy giữ lễ bánh không men… Đầu mùa gặt lúa mì, ngươi hãy giữ lễ của các tuần lễ; và cuối năm giữ lễ mùa màng… Đức Giêhôva cũng phán cùng Môise rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao ước cùng ngươi và cùng Ysơraên.” Xuất Êdíptô Ký 34:18-27
Như vậy, Đức Chúa Trời phán rằng hãy giữ lễ trọng thể được tổ chức theo 3 kỳ, là Lễ Bánh Không Men – Lễ Bảy Tuần – Lễ Mùa Màng (Lễ Lều Tạm), rồi ngay sau đó Ngài phán rằng sẽ lập giao ước, tức là Mười Điều Răn theo “các lời này”. Theo đó, lời phán rằng hãy giữ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời và lời hãy giữ Mười Điều Răn có ý nghĩa giống nhau về cơ bản.
Điều này có thể được xác minh thông qua sự thật rằng có thể giữ trọn vẹn Mười Điều Răn bởi việc giữ lễ trọng thể. Ví dụ, bằng việc giữ Lễ Vượt Qua, chúng ta có thể làm trọn được điều răn thứ nhất – chớ hầu việc các thần khác và điều răn thứ hai – chớ thờ lạy hình tượng. Bởi vì khi giữ Lễ Vượt Qua thì các thần khác bị hình phạt, hết thảy mọi hình tượng bị phá hủy và chúng ta có thể hầu việc duy chỉ Đức Chúa Trời mà thôi (Xuất Êdíptô Ký 12:11-12).
Thế nhưng, những người không hiểu biết sự dạy dỗ này của Kinh Thánh coi trọng Mười Điều Răn nhưng lại nói rằng không cần thiết phải giữ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời. Xem thấy điều này, chúng ta có thể biết sự thật rằng bảy tiếng sấm “bị đóng ấn” trong Khải Huyền chương 10 chỉ về các lễ trọng thể của Đức Chúa Trời.
Sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm bị đóng ấn là “lễ trọng thể của giao ước mới”
Nói một cách chính xác thì bảy tiếng sấm bị đóng ấn trong Khải Huyền là đang chỉ về các lễ trọng thể của giao ước mới do Đức Chúa Jêsus lập nên. Đức Chúa Jêsus đã làm trọn vẹn lễ trọng thể Cựu Ước được tuyên bố vào thời đại Môise bằng lễ trọng thể giao ước mới mà người dân của Đức Chúa Trời phải giữ gìn vào thời đại Tân Ước (Mathiơ 5:17, Hêbơrơ 7:12). Ngài đã ban phước lành sự tha tội và sự sống đời đời bởi Lễ Vượt Qua giao ước mới (Mathiơ 26:17-28), và đổ Thánh Linh thông qua Lễ Ngũ Tuần (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-4), Ngài cũng hứa ban nước sự sống thông qua Lễ Lều Tạm (Giăng 7:2, 37-38). Ngài đã ban cho các phước lành cần thiết vì sự cứu rỗi của nhân loại thông qua mọi lễ trọng thể.
Thế nhưng, các lễ trọng thể của giao ước mới đã bị biến mất khi thời gian trôi qua. Bởi vì sau khi Đức Chúa Jêsus và các sứ đồ qua đời, hội thánh bị thế tục hóa và các giáo lý của tôn giáo ngoại bang được du nhập vào, các giáo lý giả dối không phải sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus đã đầy dẫy trong hội thánh. Theo lời tiên tri rằng thời kỳ và luật pháp (lễ trọng thể) của Đức Chúa Trời sẽ bị biến đổi do sự hủy báng của Satan.
”Vua đó sẽ nói những lời phạm đến Ðấng Rất Cao, làm hao mòn các thánh của Ðấng Rất Cao, và định ý đổi thời kỳ và luật pháp…” Đaniên 7:25
Lễ trọng thể của giao ước mới cứ thế bị biến mất như thế này đã không được giữ gìn và cũng không một ai nhớ đến cho đến ngày nay. Tức là đã bị niêm phong suốt thời gian dài. Do đó, Kinh Thánh tiên tri rằng bảy tiếng sấm sẽ bị đóng ấn (Khải Huyền 10:4).
Ai sẽ mở ra sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm đã bị đóng ấn?
Vậy, ai có thể mở ra sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm?
“Rồi tôi thấy trong tay hữu Đấng ngồi trên ngôi một quyển sách viết cả trong lẫn ngoài, có đóng bảy cái ấn. Tôi cũng thấy một vị thiên sứ mạnh mẽ cất tiếng lớn kêu rằng: Ai đáng mở quyển sách nầy và tháo những ấn nầy? Dầu trên trời, dưới đất, bên dưới đất, không ai có thể mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa. Vì không có ai đáng mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa, nên tôi khóc dầm dề.” Khải Huyền 5:1-4
Sứ đồ Giăng đã khóc dầm dề khi thấy không ai mở được quyển sách ấy. Có thể đoán rằng sự mầu nhiệm bị đóng ấn ấy là vấn đề trọng đại liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi của nhân loại. Tuy nhiên, Đấng sẽ mở ra sự mầu nhiệm ấy xuất hiện.
“Bấy giờ, một người trong các trưởng lão nói với tôi rằng: Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giuđa, tức là Chồi của vua Ðavít, đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra. Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sinh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết.” Khải Huyền 5:5-6
Được chép rằng dầu trên trời, dưới đất, bên dưới đất không ai có thể mở ra sự mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời đã đóng ấn, duy chỉ chồi của vua Đavít mới có thể mở ra được. Chồi của Đavít nghĩa là Đức Chúa Jêsus (Khải Huyền 22:16). Thế mà, đã được chép rằng “Chiên Con như đã bị giết”, nên lời này nghĩa là Đức Chúa Jêsus xuất hiện sau khi đã chịu khổ nạn thập tự giá, tức là chỉ về Đức Chúa Jêsus Tái Lâm. Do đó, duy chỉ Đấng Christ Tái Lâm mới có thể mở ra sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm.
Trong Kinh Thánh có ghi chép một cách rõ ràng về lễ trọng thể của giao ước mới mà 2000 năm trước Đức Chúa Jêsus đã lập nên vì sự cứu rỗi của nhân loại. Tuy nhiên, trong suốt khoảng 1600 năm kể từ khi các lễ trọng thể giao ước mới bị xóa bỏ, không có bất cứ ai trong số các nhà cải cách tôn giáo, các nhà thần học hay các mục sư có thể bày tỏ về lễ trọng thể của giao ước mới và tỏ ra sự phước lành đáng ngạc nhiên được giấu kín trong đó. Tại sao không ai có thể tháo ấn sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm? Vì họ không phải là chồi của Đavít.
Chỉ duy nhất Đấng An Xang Hồng đã dạy dỗ và giữ gìn 3 kỳ 7 lễ trọng thể kể từ Lễ Vượt Qua giao ước mới – là lẽ thật mà Đức Chúa Jêsus đã làm gương và các sứ đồ đã gìn giữ. Cho nên, Đấng An Xang Hồng – Đấng mở ra sự mầu nhiệm của bảy tiếng sấm và bày tỏ một cách trọn vẹn kể cả ý nghĩa sâu sắc được chứa đựng trong đó, chính là Đấng Christ Tái Lâm, là chồi của vua Đavít.