Đức Chúa Jêsus và Đavít có mối quan hệ như thế nào? 2 – Tập trung vào Siôn

14837 읽음

Trong Kinh Thánh, Đavít và Đức Chúa Jêsus được đặt để trong mối quan hệ lời tiên tri và sự ứng nghiệm. Khi xem công việc của Đavít – là tổ phụ của Đấng Christ theo phần xác, thì có khá nhiều nội dung giúp chúng ta hiểu được công việc của Đức Chúa Jêsus một cách dễ dàng. Sự nghiệp của Đavít cũng chứa đựng yếu tố tiên tri, điển hình là việc dựng nên Siôn. Trong Kinh Thánh, không chỉ có Siôn thuộc khu vực Palestine do Đavít xây dựng nên, mà còn có “Siôn phần linh hồn” được dựng nên bởi Đức Chúa Jêsus, là vua Đavít phần linh hồn.

Mối quan hệ mang tính tiên tri giữa Ðavít và Ðức Chúa Jêsus

“Tôi tớ ta là Ðavít sẽ làm vua trên chúng nó. Hết thảy chúng nó sẽ có chỉ một kẻ chăn… tôi tớ ta là Ðavít sẽ làm vua chúng nó mãi mãi.” Êxêchiên 37:24-25

Sách Êxêchiên được chép sau khi vua Ðavít đã qua đời khoảng 450 năm. Do đó, đây không phải là lời tiên tri về Đavít thực tế – người đã từng sống trong thời đại Cựu Ước. Thế thì, ai là Đavít mà sẽ “làm vua mãi mãi” như lời tiên tri của đấng tiên tri Êxêchiên?

“Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là JÊSUS. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Ðấng Rất Cao; và Chúa, là Ðức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Ðavít là tổ phụ Ngài.” Luca 1:31-32

Trong Tin Lành Luca, Đức Chúa Jêsus là Đấng được nhận lấy ngôi Đavít (ngôi vua). Vì vậy, vua Đavít trong lời tiên tri Kinh Thánh chính là Đức Chúa Jêsus, tức là Đức Chúa Trời đến trong xác thịt. Lý do Đavít được nhắc đến trong vô số các nhân vật của Kinh Thánh như là lời tiên tri về Đấng Christ sẽ đến vào ngày sau, là vì thông qua công việc mà Đavít đã làm trong thời đại Cựu Ước, chúng ta có thể hiểu biết về công việc mà Đức Chúa Jêsus sẽ hoàn thành.

Ðavít xây dựng Siôn

Công việc đặc biệt nhất trong sự nghiệp của Ðavít chính là xây dựng Siôn. Sau khi ra khỏi xứ Êdíptô, dù người dân Ysơraên đã đi vào xứ Canaan nhưng họ vẫn không chinh phục được Siôn trong suốt khoảng thời gian dài. Tuy có nhiều người lãnh đạo trong Ysơraên, nhưng đã không có người nào chinh phục được Siôn. Phải đến sau khi Đavít lên làm vua, thì ông đã chinh phục được Siôn và lấy làm thủ đô của Ysơraên. Bởi cớ đó, Kinh Thánh gọi thành Siôn là thành Đavít.

“Nhưng Ðavít hãm lấy đồn Siôn: ấy là thành Ðavít… Ðavít ở trong đồn, đặt tên là thành Ðavít; người xây vách tứ vi từ Milô trở về trong. Ðavít càng ngày càng cường thạnh, và Giêhôva là Ðức Chúa Trời vạn quân ở cùng người.” II Samuên 5:7-10

Vì Đavít và Đức Chúa Jêsus được đặt để trong mối quan hệ lời tiên tri và sự ứng nghiệm nên lịch sử này là lời tiên tri về việc Đức Chúa Jêsus sẽ dựng nên Siôn phần linh hồn với tư cách là vua Đavít. Đức Chúa Jêsus đã đến để cứu rỗi tội nhân. Siôn phần linh hồn do Đức Chúa Jêsus dựng nên là “nơi giữ các lễ trọng thể của Đức Chúa Trời”, và người dân của Đức Chúa Trời ở trong nơi ấy được tha tội.

“Hãy nhìn xem Siôn, là thành của các kỳ lễ trọng thể chúng ta! Mắt ngươi sẽ thấy Giêrusalem… Kẻ ở trong nó sẽ được tha tội.” Êsai 33:20-24

Đức Chúa Jêsus đã dựng nên Siôn phần linh hồn bởi việc lập nên Hội Thánh của Đức Chúa Trời giữ gìn các lễ trọng thể giao ước mới theo lời tiên tri Kinh Thánh ấy. Ngài đã giữ Lễ Vượt Qua cùng với các môn đồ và hứa ban phước lành sự tha tội và sự sống đời đời (Mathiơ 26:17-18); Ngài cũng giữ gìn Lễ Lều Tạm và ban phước lành nước sự sống; đổ Thánh Linh cho các môn đồ thông qua Lễ Ngũ Tuần (Giăng 7:2, 37-39, Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-4). Ngài cũng giữ ngày Sabát, là lễ trọng thể hàng tuần (Luca 4:16). Giống như vua Ðavít trong thời đại Cựu Ước đã dựng nên Siôn, vào thời đại Tân Ước, Ðức Chúa Jêsus đến với tư cách là vua Ðavít phần linh hồn cũng dựng nên Siôn phần linh hồn bởi các lễ trọng thể của giao ước mới.

Lễ trọng thể bị biến mất và Siôn bị sụp đổ

Tuy nhiên, các lễ trọng thể giao ước mới do Ðức Chúa Jêsus dựng nên, đã dần dần bị biến đổi từ cuối thời đại sứ đồ rồi bị xóa bỏ hoàn toàn. Năm 321 SCN, ngày Sabát bị xóa bỏ và thờ phượng Chủ nhật đã được xác lập. Năm 325 SCN, Lễ Vượt Qua bị xóa bỏ, sau đó ngày 25 tháng 12 – là ngày sinh của thần mặt trời đã được du nhập vào với tên gọi là lễ giáng sinh. Mọi việc đã xảy đến như lời tiên tri Kinh Thánh rằng Satan – kẻ đối địch với Đức Chúa Trời sẽ thay đổi thời kỳ và luật pháp của Đức Chúa Trời, tức là làm biến đổi lễ trọng thể (Đaniên 7:25).

Vì Siôn là nơi giữ gìn lễ trọng thể, nên việc các lễ trọng thể của Đức Chúa Trời bị biến mất có nghĩa là Siôn bị sụp đổ và trở nên hoang vu. Đấng tiên tri Êsai đã tiên tri rằng Siôn sẽ bị đổ nát và được khôi phục lại.

“Vì Ðức Giêhôva đã yên ủi Siôn; Ngài đã yên ủi mọi nơi đổ nát của nó. Ngài đã khiến đồng vắng như vườn Êđen, nơi sa mạc nên như vườn Ðức Giêhôva…” Êsai 51:3

Các lễ trọng thể chứa đựng lời hứa phước lành của Đức Chúa Trời như sự sống đời đời và sự tha tội v.v… bị biến mất và Siôn cứ mãi ở trong trạng thái đổ nát thì không ai có thể nhận được sự cứu rỗi. Siôn nhất định phải được lập lại vì sự cứu rỗi của nhân loại. Cho nên, Đức Chúa Trời đã tiên tri rằng Ngài sẽ yên ủi Siôn bị đổ nát và lập lại Siôn.

Đức Chúa Trời – Đấng lập lại Siôn

“Xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giêhôva sẽ lập lên trên chót các núi, và sẽ được nhắc cao lên hơn các đồi. Các dân sẽ chảy về đó; và nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giêhôva, nơi nhà của Đức Chúa Trời Giacốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Siôn, lời của Đức Giêhôva từ Giêrusalem.” Michê 4:1-2

“Núi của nhà Đức Giêhôva” tức là Siôn, là nơi có đền thờ của Đức Chúa Trời. Các dân tộc và nhiều nước sẽ nhóm lại mà đi đến Siôn vào những ngày sau rốt, nghĩa là khi ấy Siôn đã được lập lại. Vậy, ai là Ðấng lập lại Siôn đã bị sụp đổ?

“Khi Ðức Giêhôva lập lại Siôn, thì Ngài sẽ hiện ra trong sự vinh hiển Ngài… Trong lúc muôn dân nhóm lại với các nước, đặng hầu việc Ðức Giêhôva.” Thi Thiên 102:16-22

Được chép rằng Đức Chúa Trời lập lại Siôn. Trong sách Thi Thiên chương 87 câu 5 cũng chép rằng chính Ðấng Chí Cao, tức là Đức Chúa Trời sẽ đích thân vững lập Siôn. Như vậy, Kinh Thánh đều tiên tri trước sau như một rằng chính Ðức Chúa Trời đích thân xây dựng Siôn. Giống như Đức Chúa Jêsus Sơ Lâm đã làm vào 2.000 năm trước, vào những ngày sau rốt, Đức Chúa Jêsus Tái Lâm sẽ đến với tư cách là vua Đavít phần linh hồn và xây dựng Siôn (Ôsê 3:5). Siôn là nơi giữ các lễ trọng thể của giao ước mới, nên Ngài đã xây dựng lại Siôn bằng cách khôi phục các lễ trọng thể đã từng bị xóa bỏ.

Đấng tìm lại các lễ trọng thể của giao ước mới theo lời tiên tri Kinh Thánh chính là Đấng An Xang Hồng. Đấng An Xang Hồng đã khôi phục trọn vẹn 3 kỳ 7 lễ trọng thể mà Đức Chúa Jêsus đã làm gương như Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, Lễ Lều Tạm v.v… Ngài cũng đánh đổ các giáo lý phi Kinh Thánh lan tràn trong Cơ Đốc giáo và lập nên Hội Thánh của Đức Chúa Trời – nơi giữ gìn lẽ thật của thời đại các sứ đồ. Do đó, Đấng An Xang Hồng là vua Đavít phần linh hồn – Đấng lập lại Siôn vào những ngày sau rốt, và chính là Đức Chúa Trời đã đến trái đất này theo mọi lời tiên tri trong Kinh Thánh.

Bài viết liên quan
Trở lại

Site Map

사이트맵 전체보기